Saturday, 23/11/2024 | 01:08 GMT+7

Tích hợp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn

09/10/2013

Sự tương đồng về nguyên tắc, phương pháp và kỹ thuật thực hiện, việc áp dụng tích hợp các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn đã mang lại hiệu quả lớn hơn cho doanh nghiệp.

Với sự tương đồng về nguyên tắc, phương pháp và kỹ thuật thực hiện, việc áp dụng tích hợp các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) và sản xuất sạch hơn (SXSH) sẽ mang lại nhiều hiệu quả cho DN.

Doanh nghiệp sản xuất gốm sứ Huỳnh Hường (Bát Tràng – Hà Nội) có sản phẩm chủ yếu là gốm sứ, trong đó 60% sản phẩm được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu. 40% sản phẩm còn lại được sử dụng cho tiêu dùng nội địa. 

Để giảm tiêu thụ năng lượng, giảm tỷ lệ sản phẩm hỏng, doanh nghiệp đã thực hiện đầu tư lò nung gốm công nghệ mới sử dụng gas. Với mức đầu tư 825 triệu đồng, mỗi năm, giải pháp này giúp doanh nghiệp tiết kiệm 72 triệu đồng tiền than; 49,44 triệu đồng tiền khí LPG và giảm khoảng 2% sản phẩm hỏng. 

Bên cạnh đó, giải pháp cũng giúp công ty tăng trên 286 triệu đồng/năm do giảm thời gian nung từ 17 giờ/mẻ xuống còn 12 giờ/mẻ. Ngoài ra, về môi trường, giải pháp này giúp giảm 124 tấn CO2/năm.

9831bb1cb_tich_hop_cac_giai_phap_tknl_va_sxsh.jpg

Tích hợp TKNL và SXSH giúp DN ngành tinh bột sắn thu được lợi ích lớn

Tại nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Thành (Nghệ An), trước khi áp dụng các giải pháp TKNL và SXSH, vấn đề lớn nhất về môi trường mà công ty gặp phải là tiêu thụ quá nhiều nước tại công đoạn rửa củ sắn và thất thoát tinh bột trong nước thải; Nước thải có tải lượng ô nhiễm cao; Chi phí nhiên liệu lớn... Do đó, để TKNL và SXSH, nhà máy đã dành trên 6 tỷ đồng để đầu tư cho các giải pháp như tăng áp lực rửa để tăng hiệu quả rửa, tiết kiệm nước; Tận dụng nước thải ở công đoạn tách chiết cho công đoạn rửa; Bổ sung thêm 1 hệ thống vắt bã để thu hồi tinh bột; Xây dựng hệ thống xử lý nước thải thu hồi biogas để làm nhiên liệu lò sấy… 

Các giải pháp này đã làm lợi cho công ty trên 3 tỷ đồng/năm nhờ giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu; Giảm phát thải 13.140 tấn CO2/năm. Đặc biệt, nước thải sau khi xử lý đã đạt tiêu chuẩn, khí biogas sinh ra từ hầm xử lý nước thải đủ để thay thế than và giảm ô nhiễm khói lò. 

Theo ông Trần An – Công ty tư vấn EPRO, 2 điển hình trên cho thấy, khác biệt duy nhất của TKNL và SXSH là 1 hoạt động tác động vào dòng năng lượng, 1 hoạt động tác động vào dòng vật chất. Tuy nhiên, với sự tương đồng về nguyên tắc, phương pháp và kỹ thuật thực hiện, việc áp dụng tích hợp cả TKNL và SXSH là hoàn toàn khả thi và đem lại nhiều lợi ích cho DN. 

Cụ thể, DN có thể tiết kiệm chi phí và thời gian thực hiện, nâng cao hiệu quả đầu tư, có tiềm năng mở rộng thị phần, nâng cao thương hiệu bằng các sản phẩm “xanh”, TKNL và thân thiện với môi trường… Bên cạnh đó, việc tích hợp 2 hoạt động này với mục đích tìm ra các giải pháp công nghệ thân thiện với môi trường còn có thể giúp DN tăng cường khả năng tiếp cận với các khoản vay tín dụng ưu đãi. 

Tuy nhiên, để vừa sử dụng năng lượng hiệu quả, vừa SXSH, yêu cầu bắt buộc đối với DN là phải đầu tư công nghệ tiên tiến. Khoản đầu tư này thường mất chi phí ban đầu khá lớn và không nhiều DN sẵn sàng bỏ khoản vốn đầu tư này.

Tuy nhiên, kinh nghiệm của những DN kể trên cho thấy, lượng nguyên, nhiên liệu và năng lượng tiết kiệm được sau khi ứng dụng các giải pháp này có thể giúp DN thu hồi vốn đầu tư sau từ 2 – 3 năm. Khoảng thời gian sau đó, khoản lợi thu được hoàn toàn thuộc về DN. “Do đó, xét về lâu dài, DN hoàn toàn có lợi khi áp dụng tích hợp các giải pháp TKNL và SXSH” – ông An khẳng định.

Bảo Anh