Trong những năm gần đây, chúng ta thường nghe nhắc nhiều các cụm từ bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng… nhưng theo ông Huỳnh Kim Tước - GĐTT Tiết kiệm năng lượng TPHCM (ECC HCMC) thì tất cả nhằm mục tiêu duy nhất là hướng đến một nền kinh tế tiêu thụ ít tài nguyên với lượng chất thải ra môi trường ít nhất.
Phát triển nhiều dự án theo cơ chế CDM hợp tác quốc tế
Để giải quyết bài toán đó, một phương thức hợp tác quốc tế mới trong lĩnh vực môi trường giữa các quốc gia đang phát triển và các quốc gia đã công nghiệp hoá gọi là Cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism - CDM) đã được hình thành và phát triển. Dự án CDM là dự án đầu tư sản xuất theo công nghệ mới, tiên tiến thân thiện với môi trường, có kết quả giảm phát thải khí nhà kính được Ban chấp hành quốc tế về CDM (là tổ chức được các nước tham gia Công ước Khí hậu thành lập và uỷ quyền giám sát các dự án CDM) chấp thuận đăng ký và cấp chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó phải kể đến dự án hỗ trợ lắp máy nước nóng năng lượng mặt trời cho hộ gia đình tại TP. HCM. Đây là một trong số những dự án CDM ít ỏi được cấp chứng nhận trong lĩnh vực TKNL lại Việt Nam.
Từ năm 2010, được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản và Tập đoàn Mitsubishi, ECC-HCMC đã phối hợp với các đối tác Nhật Bản thực hiện nhiều dự án nghiên cứu khả thi làm tiền đề cho dự án theo cơ chế BOCM (cơ chế bù đắp tín dụng song phương Việt Nam – Nhật Bản được Chính Phủ Nhật Bản hỗ trợ để thay thế cho cơ chế CDM trước đây tại Việt Nam). Và dự án xe máy điện được triển khai theo phương pháp luận, tính toán lượng CO2 giảm phát thải ra môi trường được đánh giá là một dự án nhiều triển vọng.
Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản phát biểu khai mạc Hội thảo “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua sử dụng xe máy điện và cơ chế bù đắp tín dụng song phương Việt Nam - Nhật Bản”.
Báo cáo kết quả dự án tại hội thảo, ECC-HCMC cho biết sử dụng xe máy điện có thể giúp tiết kiệm đến 90% chi phí năng lượng so với sử dụng xe máy chạy xăng. Theo đó, nếu như xe máy chạy xăng tiêu thụ trung bình 40km/L với chi phí khoảng 544,7 đồng và thải ra môi trường 2.297 kg CO2/L thì xe máy điện chỉ tốn 43.1 đồng cho 1km với hiệu quả năng lượng trung bình là 29km/kWh và thải ra 0.5764 kg CO2 (tính theo lượng điện dùng sạc pin).
Theo ông Toshihiko KASAI, Tổng Giám đốc Bộ phận xúc tiến Cơ chế Kyoto, Tổ chức phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới (NEDO trực thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản), với sứ mệnh Phát triển các công nghệ cac-bon thấp đột phá; Phổ biến các công nghệ cacbon thấp ra toàn thế giới; Giúp làm giảm phát thải các khí thải gây hiện tượng trái đất nóng lên, Chính phủ Nhật Bản luôn muốn hỗ trợ một cách tích cực nhất để Việt Nam tiếp cận với những công nghệ hiệu quả về mặt năng lượng và môi trường.
Vì vậy, dự án Xe máy điện mà Chính phủ Nhật phối hợp cùng ECC-HCMC thực hiện nhắm tới việc giảm phát thải khí nhà kính bằng cách quảng bá xe máy điện tại Việt Nam, nơi mà số lượng xe gắn máy đang tăng đáng kể. Mục tiêu của nghiên cứu này là thiết lập phương pháp Đo đạc và Giám sát lượng giảm phát thải khí nhà kính.
Một dự án nữa, Chương trình hành động sinh thái (EAP – Eco Action Program) được phát triển bởi Bộ Môi trường Nhật Bản dựa trên cơ sở của chương trình EcoAction 21 tại Nhật nhằm giúp thúc đẩy hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững tại các nước Đông Nam Á.
Theo đó, Dự án “Chương trình hành động sinh thái” được triển khai sẽ trang bị cho doanh nghiệp cách quản trị, đo lường, tính toán và thấy được lộ trình cắt giảm khí thải.
Thông qua dự án này, Bộ Môi trường Nhật Bản mong muốn hướng đến việc hỗ trợ kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao uy tín và hình ảnh đối với các cơ quan quản lý địa phương đồng thời được hưởng một số chính sách ưu đãi về vốn và chuyển giao công nghệ trong giai đoạn sau.
Sử dụng thiết bị công nghệ cao giúp TKNL
Song song với các dự án hợp tác với Nhật Bản, ECC HCMC còn triển khai hàng loạt các dự án tiết kiệm năng lượng giảm biến đổi khí hậu như dự án hỗ trợ lắp đặt máy điều hòa không khí hiệu suất cao trong hộ gia đình; dự án hợp tác Đan Mạch; dự án thay thế vòi sen TOTO giúp tiết kiệm nước và giảm phát thải từ giảm sử dụng điện …
Quả thực, nếu khách sạn thay thế hệ thống vòi sen thế hệ cũ với lưu lượng nước tiêu tốn 10 lít/phút bằng loại vòi tắm công nghệ mới (sử dụng cơ chế hòa trộn các bọt khí nhỏ vào trong nước làm cho người sử dụng vẫn tận hưởng đầy đủ xung lực của nước) sẽ giúp tiết kiệm đến 35% lượng nước sử dụng.
Vòi sen tiết kiệm nước TOTO – công nghệ Nhật Bản
Tương tự như vậy, nếu thay thế bàn cầu có dung tích bồn xả là 12 lít/phút bằng bằng bàn cầu ứng dụng hệ thống xả EcoMAX tiết kiệm và hiệu quả sẽ không chỉ giúp giảm tiếng ồn mà còn tiết kiệm đến 20% lượng nước sử dụng.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc ECC-HCMC chia sẻ “Việc sử dụng các thiết bị công nghệ cao giúp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải CO2 là một xu thế tất yếu để góp phần giải quyết bài toán kinh tế và môi trường tại Việt Nam. Cùng với các dự án nghiên cứu sử dụng máy điều hòa không khí hiệu suất cao trong hộ gia đình; Lõi biến thế vô định hình; Sử dụng vòi nước nóng tiết kiệm nước, Dự án xe máy điện… đã được ECC-HCMC triển khai nhằm giúp các đối tượng sử dụng tiếp cận với công nghệ mới, hiệu quả về mặt kinh tế nhờ tiết kiệm năng lượng mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Với các dự án đã triển khai, chúng tôi hy vọng rằng 4 giải pháp tiết kiệm năng lượng bao gồm: máy ĐHKK hiệu suất cao, vòi nước nóng tiết kiệm nước, máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời và xe máy điện sẽ tạo nên một mô hình tiết kiệm năng lượng tối ưu nhất cho các hộ gia đình tại Việt Nam, tất cả hoạt động của ECC HCMC hướng đến cắt giảm năng lượng sử dụng và giảm phát thải CO2, giảm hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu.”.
Theo Khampha.vn