Friday, 08/11/2024 | 02:23 GMT+7
Trong ngành chế biến
thủy hải sản, hệ thống lạnh cho sản xuất và tích trữ chiếm đến hơn 70% tổng
năng lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, nếu áp dụng triệt để những giải pháp tiết kiệm
năng lượng đơn giản trong quá trình vận hành, doanh nghiệp có thể tiết kiệm từ
10-15% năng lượng tiêu thụ mà không cần tốn chi phí đầu tư lớn.
Theo Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương, tình trạng mất cân đối giữa cung và
cầu năng lượng tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng, trong khi việc sử dụng
năng lượng tại nhiều ngành vẫn còn lãng phí.
Năm 2011, để tạo ra 1000 USD GDP, Việt Nam phải tiêu tốn 576 kg dầu quy đổi. Con số này cao gấp 1,4 lần so với Malaysia và gấp 2 lần so với mức trung bình của thế giới.
Cường độ năng lượng trong sản xuất công nghiệp ở nước ta cũng cao hơn các nước trên thế giới. Để sản xuất cùng một loại giá trị đầu ra, công nghiệp Việt Nam cần sử dụng năng lượng nhiều hơn 1,5 – 1,7 lần so với một số nước trong khu vực. Chính vì vậy, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều dự án hỗ trợ nhằm giúp cho doanh nghiệp phát hiện ra tiềm năng tiết kiệm năng lượng từ việc khắc phục những lãng phí.
Dự án “Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng” do Chính phủ Đan Mạch tài trợ cho Việt Nam được ký kết từ cuối năm 2012 và được triển khai từ năm 2013 nhằm hỗ trợ phát triển năng lực và hỗ trợ nguồn tài chính đầu tư giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành gạch, gốm và chế biến thủy hải sản, trong đó đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp ngành chế biến thủy hải sản. Ngành chế biến thủy sản là ngành đóng góp đáng kể vào GDP của cả nước với khối lượng xuất khẩu dự kiến đạt 2 triệu tấn vào năm 2020. Đây cũng là ngành có tiềm năng lớn về tiết kiệm năng lượng.
Cũng theo ông Peter,
bằng những giải pháp cực kỳ đơn giản và dễ thực hiện, không tốn nhiều chi phí,
doanh nghiệp ngành này có thể giảm đến 15% năng lượng tiêu thụ. Một số giải
pháp đơn giản như: Tách khí (xả không khí trong dàn ngưng) giúp tiết kiệm 5-15%
năng lượng; lọc tách dầu và nước trong môi chất làm lạnh giúp tiết kiệm 5-10%
năng lượng; chỉnh nhiệt độ dàn ngưng sang điều kiện môi trường, vận hành các
quạt theo phụ tải nhiệt sẽ tiết kiệm 5-10% năng lượng; thay dây đai truyền động
cho các máy nén pittong giúp tiết kiệm 10% năng lượng; không sử dụng nước đá để
làm lạnh; thiết kế tủ đông có nhiệt độ phù hợp cho từng sản phẩm cụ thể; che
chắn tránh thoát nhiệt kho lạnh… Những giải pháp này chi phí đầu tư thấp, thời
gian hoàn vốn chỉ trong vòng 3-6 tháng nhưng mang lại lợi ích cao cho doanh
nghiệp.
Bên cạnh các giải pháp đơn giản, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản còn nằm ở các hệ thống cần chi phí đầu tư lớn hơn với thời gian thu hồi vốn từ 1-5 năm, như thiết bị ngưng, thiết bị bay hơi, hệ thống điều khiển, máy làm mát, thiết bị thu hồi nhiệt, máy biến tần…
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám
đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM chia sẻ, sở dĩ cơ hội tiết kiệm năng
lượng cao là vì doanh nghiệp chế biến thủy hải sản tại Việt Nam đa số sử dụng
máy nén lạnh cũ trên 10 năm hoặc máy đã qua sử dụng nên có hiệu suất thấp, tiêu
tốn nhiều năng lượng trong khi thiết bị này chiếm đến hơn 70% năng lượng tiêu
thụ của cả đơn vị. Tuy nhiên, để thay một máy nén lạnh mới, doanh nghiệp phải
đầu tư bình quân 700 triệu đồng, thời gian hoàn vốn từ 6-10 năm. Trong khi đó,
một công ty thủy sản thường có từ 10-20 máy nén lạnh. Do đó, khó khăn về vốn là
rào cản lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi muốn đầu tư thiết bị tiết kiệm
năng lượng.
“Chính vì vậy mà giải pháp doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn là áp dụng những giải
pháp đơn giản, chi phí thấp và cải thiện chế độ vận hành, bảo dưỡng hợp lý để
giảm chi phí năng lượng” – ông Tước cho biết.
Để giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành chế biến thủy hải sản thực hiện tiết
kiệm năng lượng, từ đầu năm 2015, dự án “Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực
tiết kiệm năng lượng” sẽ tiến hành tiếp nhận và hỗ trợ kinh phí cho các doanh
nghiệp thuộc đối tượng này. Ngoài ra, dự án cũng sẽ tổ chức đào tạo cho doanh
nghiệp các công tác bảo dưỡng, vận hành hệ thống sản xuất theo tiêu chí tiết
kiệm năng lượng.
Theo ECC-HCM