Thursday, 14/11/2024 | 23:17 GMT+7

Lan tỏa từ mô hình "Ấp văn hóa tiết kiệm điện"

27/05/2015

Công ty Điện lực TP Cần Thơ phối hợp với các sở, ban ngành liên quan thực hiện nhiều mô hình thiết thực áp dụng trong cuộc sống. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức TKĐ cho các tầng lớp nhân dân thành thị đến nông thôn.

Mô hình "Ấp (khu vực) văn hóa TKĐ" là chương trình TKĐ do Tổng Công ty Điện lực Miền Nam phối hợp với Công ty Điện lực các địa phương xây dựng và phát động từ năm 2012. Mục đích của chương trình nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về TKĐ.Từ đó, giúp các hộ gia đình có biện pháp sử dụng điện hiệu quả, dần thay thế những thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng bằng thiết bị TKĐ. Nhiều hộ gia đình đạt tiêu chí TKĐ sẽ tạo thành "Ấp (khu vực) văn hóa TKĐ".

Từ năm 2012, Công ty Điện lực TP Cần Thơ phối hợp với các sở, ban ngành địa phương chọn ấp Mỹ Thuận (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) và ấp Thạnh Lợi 2 (xã Trung An, huyện Cờ Đỏ) làm thí điểm triển khai mô hình TKĐ tại vùng nông thôn. Mô hình này đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân và nhanh chóng triển khai đến các điện lực địa phương để nhân rộng mô hình.

Đến nay, chương trình này đã được phát động tại 9 quận, huyện với hàng ngàn hộ gia đình tham gia. Quý I-2015, Công ty Điện lực TP Cần Thơ phối hợp với các đơn vị thực hiện phát động được 4 ấp, khu vực TKĐ ở quận Ninh Kiều và huyện Thới Lai.

Trong tháng 4-2015, Công ty Điện lực TP Cần Thơ dự kiến phối hợp các địa phương tổ chức lễ phát động chương trình "Ấp (khu vực) văn hóa TKĐ" ở 12 ấp, khu vực thuộc các quận, huyện: Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Bình Thủy, Cờ Đỏ… Chương trình được kỳ vọng tạo ra những thay đổi lớn từ những hành động nhỏ nhưng thiết thực.

Là một trong những ấp đầu tiên của TP Cần Thơ tham gia thực hiện mô hình "Ấp (khu vực) văn hóa TKĐ", đến nay, phong trào này đã đi vào cuộc sống của người dân ấp Mỹ Thuận. Chú Nguyễn Văn Thanh ở ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, chia sẻ: Từ khi tham gia mô hình ấp TKĐ đã tạo ra sự thay đổi lớn trong việc sử dụng điện sinh hoạt của người dân nơi đây. Hiện nay, hầu hết người dân trong ấp đều sử dụng bóng đèn compact chiếu sáng. Và như đã trở thành thói quen, khi mua đồ điện gia dụng, mọi người rất quan tâm, lựa chọn những thiết bị ít tiêu hao điện năng hoặc tính năng TKĐ.

Trong các buổi sinh hoạt ở địa phương, hay qua thông tin, báo, đài, các biện pháp TKĐ được tuyên truyền đến với bà con. Do đó, ý thức TKĐ của mỗi người dân nơi đây luôn được nêu cao.

Ông Trần Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, cho biết: Mỹ Khánh vinh dự là một trong hai xã của thành phố được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình "Ấp (khu vực) văn hóa TKĐ". Thông qua chương trình đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân về TKĐ góp phần thúc đẩy hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Từng bước nâng cao nhận thức của người dân vùng nông thôn trong việc xây dựng ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, đưa hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào cuộc sống hằng ngày của mọi gia đình và xã hội, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội và đời sống sinh hoạt thiết yếu của nhân dân trên địa bàn.

Đầu tháng 4-2015, Điện lực Thới Lai phối hợp các ngành tổ chức Lễ phát động mô hình "Ấp (khu vực) văn hóa TKĐ" tại ấp Thanh Nhung, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai và được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con nơi đây.

Chị Trần Thị Ngọc Lan ở ấp Thanh Nhung, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, phấn khởi cho biết: Thanh Nhung là vùng nông thôn, chưa có nhiều điều kiện tiếp cận thông tin về TKĐ. Lâu nay, bà con chỉ sử dụng điện và TKĐ theo cách riêng của mình do chưa hiểu biết hết các tính năng, công dụng của các thiết bị điện. Khi ngành điện cùng chính quyền địa phương tổ chức lễ phát động mô hình "Ấp (khu vực) văn hóa TKĐ" bà con ai nấy đều phấn khởi, hào hứng tham gia. Bởi qua các tờ rơi, tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ ngành điện, bà con hiểu biết rõ về lợi ích của TKĐ và các phương pháp tiết kiệm khá đơn giản, không tốn kém nhiều, có thể áp dụng vào gia đình dễ dàng.

Theo ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, phong trào "Ấp (khu vực) văn hóa TKĐ" không chỉ giúp các gia đình giảm hóa đơn tiền điện, mà còn tạo ra những thay đổi tích cực trong nhận thức. Mô hình đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ người dân trong các ấp được chọn mà cả các khu vực lân cận. Từ đó, nhận thức người dân về TKĐ ngày một nâng cao và chuyển sang những hành động cụ thể, thiết thực.

Có thể nói, cùng với sự nỗ lực của ngành điện thành phố và các cấp, ngành đã tạo bước đột phá chuyển biến từ nhận thức sang hành động cụ thể, thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả của người dân. Chương trình đã thuyết phục người dân bằng chính những hiệu quả rất cụ thể tại mỗi gia đình. Điều này sẽ giúp các thông điệp của chương trình lan tỏa sâu rộng hơn vào cộng đồng. Mỗi hành động TKĐ của từng người dân, hộ gia đình, sẽ góp phần giảm mức tiêu thụ điện năng, giảm khí thải ô nhiễm ra môi trường, tiết kiệm một phần lớn chi phí cho gia đình và quốc gia…

Theo Báo Cần Thơ