Saturday, 23/11/2024 | 08:21 GMT+7
Để thực hiện tiết kiệm năng lượng hiệu quả, doanh nghiệp rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách, đặc biệt là về đầu tư thay đổi công nghệ.
Hiệu quả đạt được
Theo đánh giá của ông Trịnh Quốc Vũ, vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, cường độ tiêu thụ năng lượng quốc gia của Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc và cao gấp 6 lần Nhật Bản. Trong khi đó, cường độ năng lượng công nghiệp cũng ở mức rất cao so với các nước phát triển và đang phát triển. Điều này cho thấy một khoảng cách khá xa về trình độ khoa học kỹ thuật cũng như hiện trạng công nghệ áp dụng cho sản xuất của nước ta so với nhiều nước khác.
Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, mức năng lượng tiết kiệm được đã đạt gần 6% trên tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia trong giai đoạn 2011 – 2015 theo số liệu ước tính của Viện Năng lượng.
Bên cạnh đó, hiện đã có 77 nhà máy áp dụng kế hoạch quản lý năng lượng (QLNL) và hoàn thành dự án cải thiện vận hành, trong đó có 15 doanh nghiệp đã thực hiện hệ thống QLNL và nhận được chứng chỉ về HTQLNL – ISO 50001.
Một trong số đó là công ty Cổ phần nhựa Rạng Đông - một doanh nghiệp luôn đặt vấn đề tiết kiệm năng lượng lên hàng đầu. Bằng việc áp dụng các giải pháp như thay lò hơi bằng lò dầu, quy hoạch lại hệ thống chiếu sáng,...mà doanh nghiệp này đã tiết kiệm được gần 1,4 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời còn giảm phát thải 470 tấn CO2 ra môi trường.
Một ví dụ điển hình khác là Công ty Cổ phần Đường Man. Công ty này đã xây dựng một số các dự án tiết kiệm năng lượng như lắp đặt các máy biến tần cho quạt và động cơ, nâng cấp hệ thống khí nén,...Với các hoạt động này, công ty tin tưởng rằng mức cải thiện hiệu suất năng lượng sẽ đạt khoảng 7%.
Còn nhiều khó khăn và hạn chế
Việc triển khai tiết kiệm năng lượng đến các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn và hạn chế, thể hiện ở số lượng doanh nghiệp đã thực hiện. Nguyên nhân là do ý thức tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp này chưa cao, hoặc doanh nghiệp không có đủ điều kiện và không nhận được sự hỗ trợ nào từ địa phương hay từ chương trình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án TKNL.
Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn còn đang gặp nhiều thách thức do nguồn kinh phí cấp từ ngân sách Nhà nước hàng năm thường muộn và còn thấp. Tổng kinh phí từ ngân sách cấp cho chương trình tính đến hết năm 2015 là 349 tỷ đồng trong khi đối tượng trong khuôn khổ chương trình lại rất rộng và đa dạng. Đó là lý do vì sao cả nước có hàng ngàn doanh nghiệp nhưng chương trình mới chỉ hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho gần 700 doanh nghiệp.
Do đó, theo ông Vũ, trong thời gian tới, Chính phủ cần tăng thêm nguồn kinh phí sự nghiệp và đầu tư để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn 20016 – 2020; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tiêu thụ năng lượng, nâng cao năng lực thu thập, xử lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu... Với số lượng doanh nghiệp đông đảo như hiện nay, nếu công tác tiết kiệm năng lượng được triển khai đồng đều thì việc Nhà nước và doanh nghiệp tiết kiệm được hàng tỷ đồng là điều nằm trong tầm tay. Tuy nhiên, tiết kiệm năng lượng không chỉ là chuyện của riêng doanh nghiệp. Bên cạnh sự nhận thức và cố gắng của doanh nghiệp, Nhà nước cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp về mặt chính sách, giúp doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lương có hiệu quả hơn.
Hà Nguyễn