Saturday, 23/11/2024 | 11:30 GMT+7
Qua gần 5 năm triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cả nước đã tiết kiệm được khoảng 6% sản lượng điện thương phẩm mỗi năm. Tuy nhiên, tiềm năng tiết kiệm điện trong nước còn rất lớn vì có thể tiết kiệm được khoảng 25% sản lượng điện thương phẩm mỗi năm. Theo đó, Tổng cục năng lượng khuyến khích sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khi tham gia tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất.
Giảm chi phí nhờ tiết kiệm năng lượng
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh cho biết, việc khuyến khích DN sử dụng năng lượng tiết kiệm không phải từ khi triển khai Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mà trước đó, từ năm 2002 Trung tâm đã thực hiện.
Theo đó, 15 năm qua Trung tâm đã tư vấn cho khoảng 3.000 lượt DN, trong đó có đến 90% DN đã vận dụng năng lượng tiết kiệm. Riêng trong lĩnh vực công nghiệp, từ năm 2002 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 588 doanh nghiệp thuộc 24 ngành nghề khác nhau, giúp tiết kiệm được trung bình mỗi năm 931,9 triệu kWh điện, 5,68 triệu lít dầu và giảm phát thải 600 ngàn tấn CO2.
Trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, đã thực hiện thay thế 90% đèn hiệu suất cao cho hệ thống chiếu sáng dân lập công cộng, tiết kiệm 75,6% so với hệ thống cũ.
Nhiều doanh nghiệp đã được Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM hỗ trợ giúp tiết kiệm năng lượng của đơn vị - Ảnh: Ngọc Tuấn.
Ông Lê Phú Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, kỳ vọng chương trình này sẽ đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
Cũng theo ông Tước, trong kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu, thành phố rất chú trọng đến các giải pháp về tiết kiệm năng lượng. Theo đó, thành phố đang triển khai các dự án như thí điểm chiếu sáng công cộng sử dụng đèn tiết kiệm năng lượng; kiểm kê khí nhà kính; dự án sản xuất khí sinh học tái sinh năng lượng từ chất thải hữu cơ công suất 40-60 tấn/ngày tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền; dự án xử lý chất thải rắn đô thị kết hợp tái sinh năng lượng (điện và nhiệt) công suất 400-600 tấn/ngày.
Một trong những đơn vị đi đầu về tiết kiệm năng lượng phải kể đến Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, trong thời gian qua các đơn vị của tổng công ty đã triển khai nhiều biện pháp để tuyên truyền và cũng đã mang lại những kết quả tích cực, như chương trình “tuyến đường kiểu mẫu tiết kiệm điện” nhằm vận động các khách hàng kinh doanh cá thể, những đơn vị treo bảng quảng cáo ngoài trời, các công viên thực hiện mở và tắt đèn đúng giờ; cắt giảm 50% số lượng bóng đèn đối với các bảng quảng cáo, bảng hiệu bên ngoài, tiết giảm lượng điện năng tiêu thụ với các bóng đèn trong nhà, sử dụng điều hòa nhiệt độ >25oC. Kết quả sau 3 năm triển khai, đến nay, sản lượng điện tiết kiệm là 1,2 triệu kWh, số tiền tiết kiệm là hơn 2,1 tỷ đồng....
Khuyến khích hỗ trợ DN tự nguyện thí điểm
Theo ông Huỳnh Kim Tước, tiềm năng tiết kiệm năng lượng vẫn còn rất nhiều bởi hiện nay, chi phí năng lượng trong tổng chi phí sản xuất của một số ngành chiếm tỷ lệ rất cao. Cụ thể như xi măng, gạch ngói (45% - 50%), gốm sứ (35% - 40%), sản xuất giấy và bột giấy (20% -25%), dệt may (20 % -25%), chế biến thực phẩm (18% -20%). Nếu giá điện tăng 30%, chi phí sản xuất ở các ngành trên sẽ tăng 5% - 20%, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí của doanh nghiệp.
Tuy nhiên để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng tiết năng lượng bền vững, ngày 25/11 Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo về Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại TP Hồ Chí Minh. Ông Lê Phú Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, cho biết chương trình này nhằm hướng tới mục tiêu phát triển cơ chế VA (Chương trình thỏa thuận tự nguyện) như một công cụ chính sách nhằm đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
Cùng với đó, chương trình giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc thiết lập các mục tiêu tiết kiệm năng lượng, từ đó thực hiện tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất và tuân thủ những chính sách pháp luật của Nhà nước. Chương trình thỏa thuận tự nguyện sẽ được nhân rộng trong tương lai.
Đối tượng tham gia chương trình là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm quốc gia, doanh nghiệp có nguyện vọng xây dựng và thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong sản xuất lâu dài và bền vững. Cụ thể, chương trình hướng đến mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 360,4 nghìn TOE và giảm phát thải khí nhà kính đạt 1,254 triệu tấn CO2 vào năm thứ 5.
Hà Nguyễn (Theo baotintuc.vn)