Saturday, 23/11/2024 | 02:08 GMT+7

Điện lực Đà Nẵng thực hiện hiệu quả giải pháp giảm tổn thất điện năng

07/10/2021

Trong giai đoạn 2016-2020, tổn thất điện năng (TTĐN) tại Công ty TNHH MTV Điện lực (PC) Đà Nẵng giảm từ 3,22% xuống còn 2,35%, như vậy trong 5 năm đã giảm được 0,87%. Với kết quả này PC Đà Nẵng là một trong các đơn vị thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ tổn thất điện năng trong tốp đầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Đối với ngành điện, giảm tổn thất điện năng là tiêu chí cơ bản để đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong những năm qua, Công ty TNHH MTV Điện lực (PC) Đà Nẵng đã chú trọng công tác quản lý vận hành để góp phần mang lại hiệu quả cao trong thực hiện chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng và nâng cao chất lượng sử dụng điện.
Công nhân PC Đà Nẵng tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện
PC Đà Nẵng là một trong các đơn vị thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ tổn thất điện năng trong tốp đầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban lãnh đạo công ty và sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ nhân viên, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổn thất điện năng (TTĐN) tại PC Đà Nẵng giảm từ 3,22% xuống còn 2,35%, như vậy trong 5 năm đã giảm được 0,87%. 
Theo ông Nguyễn Đình Tuân, Phó Giám đốc PC Đà Nẵng, cho biết: “Để đạt được mức tổn thất điện năng theo lộ trình dự kiến cho giai đoạn 2015 – 2020, mỗi năm giảm 0,05%, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của cán bộ công nhân viên Công ty trong công tác quản lý cũng như đầu tư. Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm tổn thất điện năng thì việc quản lý kiểm soát TTĐN theo thời gian thực tại các cấp điện áp cũng góp phần quan trọng trong việc theo dõi để đưa ra giải pháp cụ thể."
Từ năm 2013, PC Đà Nẵng đã định hướng đo xa toàn bộ hệ thống đo đếm. Sau đó, xây dựng hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu công tơ (IFC) từ hệ thống đo xa. Dựa vào hệ thống này, người quản lý sẽ biết được tình trạng vận hành của hệ thống đo đếm tại các trạm biến áp 110kV và 22kV (dòng điện, điện áp, công suất phản kháng, tác dụng,…) theo biểu đồ 30 phút.
Trên cơ sở hệ thống thu thập dữ liệu công tơ từ xa IFC, PC Đà Nẵng đã xây dựng 2 chương trình hỗ trợ quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành gồm: chương trình TOOS và chương trình Hỗ trợ quản lý kỹ thuật từ xa (AMIS). TOOS là chương trình tối ưu hóa hoạt động của máy biến áp. Dựa trên chương trình này, đơn vị sẽ đưa ra giải pháp hoán chuyển hoặc san tải phù hợp. Đối với AMIS là chương trình tổng hợp tự động theo thời gian thực, theo dõi kiểm soát các TBA/TI non tải/quá tải, TBA bất đối xứng dòng điện, TBA có cosφ thấp, thiếu bù/quá bù, đánh giá chất lượng điện áp. Đồng thời, để quản lý kiểm soát TTĐN theo thời gian thực tại các cấp điện áp đã có nhiều chương trình được xây dựng nhằm hỗ trợ cho việc này.
Theo đó, năm 2015, PC Đà Nẵng theo dõi tổn thất hằng ngày của lưới 110kV thông qua chương trình Hỗ trợ Quản lý kỹ thuật từ đo xa. Chương trình này đưa ra được số liệu tổn thất công suất kèm theo biểu đồ, tổn thất điện năng hằng ngày, hàng tháng của đoạn lưới và cả lưới 110kV của Công ty tại bất kỳ thời điểm nào một cách nhanh chóng. Việc theo dõi hằng ngày cũng đã giúp phát hiện và xử lý nhanh các sự cố đo đếm, gây tổn thất lưới 110kV tăng cao bất thường. 
Đến tháng 9/2018, PC Đà Nẵng đã xây dựng thêm chức năng Tính toán tổn thất lưới trung áp, hỗ trợ quản lý kỹ thuật giúp thường xuyên theo dõi các xuất tuyến. Từ dữ liệu biểu đồ phụ tải 30 phút được lấy từ hệ thống đo xa, PC Đà Nẵng đã tổng hợp các số liệu kỹ thuật, điện thương phẩm cấp trung áp và đưa ra được biểu đồ tổn thất công suất hằng ngày.
Biểu đồ tổn thất điện năng giai đoạn 2016 – 2020 của PC Đà Nẵng (Ảnh: EVNCPC)
Đối với lưới điện hạ áp, các điện lực trực thuộc PC Đà Nẵng đã và đang thực hiện tính toán tổn thất hạ áp TBA công cộng trên Hệ thống Quản lý thông tin khách hàng (CMIS) hàng tháng. Các phiên ghi được thực hiện từ ngày 3 đến hết ngày 17. Đến ngày ghi chỉ số định kỳ, nếu xảy ra tổn thất TBA công cộng bất thường, điện lực sẽ phải phúc tra chỉ số của tất cả các khách hàng thuộc TBA để tìm nguyên nhân.
Ngoài ra, với trường hợp điện mặt trời mái nhà khi phát ngược lên lưới trung áp, tổn thất hạ áp sẽ tăng cao bất thường nếu công tơ trạm không được cài đặt 2 chiều. Chính vì vậy, tháng 5/2020, PC Đà Nẵng đã xây dựng được chức năng tính toán tổn thất hằng ngày lưới hạ áp TBA công cộng để theo dõi các TBA có tổn thất cao trên 5%; phát hiện được điện mặt trời phát ngược lên lưới trung áp, hạ áp các trường hợp san tải gây biến động tổn thất.
Hiện, PC Đà Nẵng đã và đang khai thác tối đa năng lực của hệ thống tự động hóa lưới điện để giám sát và vận hành từ xa, chủ động khai thác tối đa các tiện ích quản lý kỹ thuật, kinh doanh, phục vụ điều hành giảm tổn thất điện năng có hiệu quả.
Với đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm quản lý tổn thất điện năng từ khâu phân tích, dự báo, tìm nguyên nhân tổn thất cao, phát hiện các trường hợp trộm cắp điện; nghiên cứu và ứng dụng tốt các đề tài khoa học, sáng kiến, thời gian tới, PC Đà Nẵng sẽ tiếp tục duy trì giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng để tiếp tục đồng hành cùng khách hàng sử dụng điện và góp phần vào sự phát triển của thành phố Đà Nẵng.
Hương Linh t/h