Thursday, 07/11/2024 | 23:11 GMT+7

EVNHANOI giảm tổn thất điện năng từ hiện đại hóa lưới điện và gắn trách nhiệm người đứng đầu

17/08/2023

Giảm tỷ lệ tổn thất điện năng (TTĐN) trên lưới điện là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh được Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) quan tâm thực hiện. Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, EVNHANOI đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có gắn trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị.

Trang bị hệ thống giám sát, cảnh báo tại các TBA phân phối
Nhiều năm nay, lưới điện của Thành phố Hà Nội luôn được quan tâm nâng cấp và đồng bộ hóa nhằm đảm bảo việc cấp điện an toàn, ổn định, tin cậy cho trung tâm kinh tế, chính trị hàng đầu của cả nước. Đồng thời, EVNHANOI cũng đang từng bước hiện đại hóa lưới điện bằng việc áp dụng tối đa các công nghệ hiện đại để tiến tới xây dựng lưới điện thông minh. Điều này cũng giúp cho tỷ lệ TTĐN trên lưới của EVNHANOI giai đoạn 2015-2021 giảm sâu qua các năm, trung bình mỗi năm giảm xấp xỉ 0,36%. Cụ thể, năm 2015, tỷ lệ TTĐN trên lưới phân phối của EVNHANOI là 5,71%, đã giảm xuống còn 3,55% năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ TTĐN trên đã tiệm cận với mức tổn thất kỹ thuật. Do đó, việc giữ tổn thất điện năng không tăng theo tăng trưởng phụ tải, đồng thời tiếp tục thực hiện giảm tổn thất điện năng theo kế hoạch là một nhiệm vụ khó khăn đối với EVNHANOI, đặc biệt khi vận hành hệ thống lưới điện trong điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt tại khu vực miền Bắc.
Để giải bài toán khó khăn này, tháng 8/2022, EVNHANOI đã trang bị hệ thống giám sát nhiệt độ và thông số vận hành, cảnh báo bất thường tại các trạm biến áp (TBA) phân phối trên lưới điện Thủ đô. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc EVNHANOI, lưới điện Thành phố Hà Nội ngày càng phức tạp và quy mô ngày càng mở rộng, do đó đòi hỏi phải có một hệ thống giám sát, theo dõi và quản lý hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả vận hành và độ tin cậy cung cấp điện. Hiện tại các trạm biến áp phân phối thường lắp đặt gần các khu dân cư, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong quá trình vận hành.
Trong thời gian tới, EVNHANOI phấn đấu đưa tỷ lệ tổn thất điện năng đạt ≤ 3,35%. Ảnh: ĐVCC
Theo đó, EVNHANOI đã trang bị và lắp đặt hơn 500 bộ thiết bị có khả năng giám sát các thông số vận hành và cảnh báo sớm các hiện tượng bất thường tại các TBA phân phối cùng hệ thống server (máy chủ) để quản lý và phân tích dữ liệu tập trung, hệ thống phần mềm giám sát, cảnh báo chạy trên nền tảng ứng dụng Web tại các công ty điện lực. Dữ liệu thu thập được sẽ gửi về hệ thống giám sát tại trung tâm thông qua đường truyền trên mạng di động 4G. Hệ thống sẽ cập nhật thông số vận hành nhiều thời điểm trong ngày (2 phút/lần), giao diện trực quan, dễ theo dõi, tín hiệu cảnh báo được hiển thị tại màn hình popup (hộp thoại nhỏ) nên thuận tiện cho công tác vận hành.
Việc trang bị hệ thống giám sát nhiệt độ, thông số vận hành và cảnh báo bất thường tại các TBA và lưới điện phân phối đem lại các hiệu quả thiết thực trong việc giảm nguy cơ sự cố MBA, lưới điện hạ thế của các TBA phân phối. Đối với các TBA nằm trong khu vực dân cư đông đúc hệ thống còn có thể phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn trong MBA mà các thiết bị bảo vệ MBA đôi khi không tác động được như hiện tượng ngắn mạch vòng dây trong 1 pha, tiếp xúc kém trong MBA, suy giảm cách điện gây phóng điện nội bộ... Nhờ đó, giúp tiết giảm chi phí khắc phục sự cố. Ngoài ra, hệ thống giám sát sẽ cập nhật số liệu theo thời gian thực một cách đầy đủ, chính xác và đồng bộ. Người vận hành được cảnh báo kịp thời và đầy đủ giúp giảm nhân công và chi phí vận hành trong công tác đo đạc, kiểm tra vận hành lưới điện, giảm chi phí bảo trì, bảo dưỡng, rủi ro mất an toàn điện cho người vận hành vì không phải tiếp xúc với điện trực tiếp, tiết giảm nhân lực kiểm tra khi lưới điện đang vận hành.
Đại diện EVNHANOI cho biết, giảm tổn thất điện năng do tổn thất kỹ thuật của TBA và lưới phân phối chủ yếu là do MBA và lưới điện vận hành đầy tải, quá tải, lệch pha hoặc tiếp xúc kém tại các đầu cực. Do vậy, với việc đưa vào vận hành hệ thống giám sát có thể giúp giảm tổn thất kỹ thuật vận hành cho TBA, ước tính có thể giảm 0,2% đến 2% (tùy theo tình hình vận hành thực tế). Bên cạnh đó, việc kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm sử dụng điện cũng được Tổng công ty triển khai tích cực. Điển hình như yêu cầu các Đội quản lý vận hành điện khu vực, Đội quản lý khách hàng trạm chuyên dùng cùng Đội Kiểm tra giám sát sử dụng điện ra quân tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đo đếm, bố trí nhân viên theo dõi, giám sát, xử lý kịp thời các trường hợp lỗi kết nối dữ liệu với các hệ thống đo đếm có lắp đặt hệ thống thu thập dữ liệu công tơ từ xa; kiểm tra hoạt động của hệ thống đo đếm tại các TBA chuyên dùng, TBA công cộng có tổn thất điện năng cao… 
Hệ thống giám sát, cảnh báo góp phần đảm bảo vận hành an toàn, nâng cao chất lượng vận hành các TBA phân phối và hệ thống lưới điện hạ thế. Ảnh: ĐVCC
Quy trách nhiệm người đứng đầu 
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ TTĐN của EVNHANOI đạt 3,10%, giảm 0,11% so với cùng kỳ năm 2022; độ tin cậy cung cấp điện thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra. Ước tính, chỉ riêng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm TTĐN, Tổng công ty đã tiết kiệm được chi phí khoảng 14,48 tỷ đồng. Để làm được việc này, EVNHANOI đã xây dựng Ban chỉ đạo giảm tổn thất điện năng từ tổng công ty đến các công ty Điện lực. Cùng đó, thiết lập cơ chế giám sát, đánh giá và chế độ lương thưởng theo kết quả thực hiện của từng đơn vị. Đặc biệt là gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị với chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng, kiên quyết xử lý nghiêm nếu trong một nhiệm kỳ có hai năm không hoàn thành chỉ tiêu giảm tổn thất. Ngoài ra, hàng tháng, hàng quý tổng công ty và các đơn vị phải thực hiện phân tích, đánh giá kỹ kết quả tỷ lệ tổn thất theo từng lộ đường dây, từng trạm biến áp, từng khu vực và của toàn đơn vị, đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực, giải pháp giảm tổn thất cho tháng, quý tiếp theo.
“Để việc giảm TTĐN đạt được hiệu quả cao, tổng công ty đã xây dựng kế hoạch và triển khai quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư thiết bị, nâng cao chất lượng quản lý kỹ thuật, vận hành, đảm bảo phương thức cấp điện tối ưu. Các đơn vị cũng tăng cường các giải pháp quản lý hệ thống đo đếm điện, duy trì thường xuyên công tác kiểm tra và xử lý vi phạm sử dụng điện”, đại diện EVNHANOI cho biết.
Trong thời gian tới, EVNHANOI phấn đấu đưa tỷ lệ TTĐN đạt  ≤ 3,35%. Bên cạnh đó, để đáp ứng tốc độ tăng trưởng của điện thương phẩm đòi hỏi yêu cầu đầu tư rất lớn về nguồn và lưới điện. Trong đó, lưới điện sẽ được đầu tư hiện đại hơn, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy và góp phần giảm TTĐN. EVNHANOI xác định việc đưa các bài toán tự động hóa lưới điện Thành phố là một khâu tất yếu quan trọng cần được thực hiện theo lộ trình phát triển lưới điện thông minh của Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN, nhằm giúp việc vận hành lưới điện trở nên chủ động, chính xác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, mang lại giá trị cho khách hàng và EVNHANOI. 
Năm 2022, với sự quyết tâm và sự nỗ lực của các đơn vị, tỷ lệ TTĐN của EVNHANOI ở mức 3,35%, giảm 0,20% so với năm 2021 và giảm 0,20% so với kế hoạch EVN giao, vượt kế hoạch giai đoạn năm 2021-2025.
Theo Tạp chí Điện lực quý II/2023