Thursday, 07/11/2024 | 23:06 GMT+7

EVNNPT nỗ lực kéo giảm tổn thất điện năng

28/08/2023

Giảm tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải đang là một trong những thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi vậy, từ nhiều năm qua, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã luôn chủ động trong việc triển khai các giải pháp hữu hiệu nhằm kéo giảm tổn thất, qua đó góp phần nâng cao chất lượng và đảm bảo truyền tải đầy đủ điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Ông Ninh Xuân Hiệp - Phó Trưởng ban Kỹ thuật EVNNPT cho biết: Tính đến tháng 7 năm 2023, EVNNPT quản lý vận hành lưới điện truyền tải quy mô lớn với khoảng 29.600 km đường dây (ĐZ), 187 trạm biến áp (TBA) gồm 37 TBA 500kV và 150 TBA 220kV, với tổng công suất 121.150 MVA.
Về tình hình vận hành, 7 tháng qua, vận hành mùa khô hệ thống điện miền Bắc gặp khó khăn ngay cả khi đã đóng điện các công trình mới và chuyển một phần phụ tải sang mua điện nước ngoài. Nguyên nhân do phụ tải tiếp tục tăng trưởng cao (khoảng 7% đối với miền Bắc), trong khi nguồn điện bổ sung không nhiều, nguồn điện phân bố chưa phù hợp với phụ tải. Khó khăn đối với nguồn phía Bắc dẫn đến truyền tải cao trên giao diện Trung - Bắc mà “nút cổ chai” là cung đoạn Hà Tĩnh - Nghi Sơn 2 - Nho Quan.
Tăng cường công tác kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng đường dây và trạm biến áp sẽ góp phần giảm tổn thất điện năng.
Đứng trước những khó khăn đó, thời gian qua, Tổng công ty đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp hữu hiệu mang tính đột phá trong việc giảm tổn thất điện năng và xác định tính đồng bộ, liên kết giữa các giải pháp. Theo đó, trong công tác quản lý, EVNNPT đã tiếp tục đẩy mạnh củng cố và tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo giảm tổn thất điện năng trên cơ sở giao chỉ tiêu tổn thất cho từng Công ty truyền tải. Đồng thời, có đánh giá thực hiện theo từng tháng, quý, năm và gắn kết quả thực hiện của các chỉ tiêu với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; Tăng cường công tác đào tạo, bồi huấn nâng cao nghiệp vụ công tác quản lý tổn thất điện năng. Đồng thời thực hiện các giải pháp giảm sự cố lưới điện, không để xảy ra sự cố chủ quan, tìm và xử lý nhanh sự cố để khôi phục chế độ vận hành, đảm bảo các sự cố thoáng qua được tự động đóng lại thành công, đảm bảo kế hoạch về suất sự cố, đầy và quá tải Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao.
Trong đầu tư xây dựng, EVNNPT đầu tư phát triển lưới điện mới; cải tạo, chống quá tải lưới điện cũ đảm bảo vào vận hành đúng hoặc vượt tiến độ, đây là giải pháp quan trọng đối với việc giảm tổn thất điện năng năm 2023.
Nhờ làm tốt các giải pháp hữu hiệu đó, tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải đã giảm. Cụ thể, tổn thất điện năng thực hiện 7 tháng đầu năm 2023 là 2,26% giảm 0,22% so với cùng kỳ 2022 (2,48%).
Vệ sinh sứ cách điện hotline là một trong những giải pháp giúp giảm thời gian phải cắt điện trên lưới
Thời gian tới, để tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới điện tiếp tục duy trì ở ngưỡng thấp nhất có thể nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Đến năm 2025, EVNNPT thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện”, Tổng công ty đã đề ra hàng loạt các nhóm giải pháp. Trong đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ, thiết bị mới, hiện đại trong quá trình quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành; Đẩy mạnh ứng dụng thiết bị bay không người lái, camera giám sát và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng, giám sát vận hành ĐZ và TBA truyền tải. Đồng thời, Tổng công ty cũng sẽ nghiên cứu và tăng cường ứng dụng các giải pháp giám sát và giám sát trực tuyến tình trạng vận hành của các thiết bị chính trên lưới điện theo thời gian thực, giám sát nhiệt động ĐZ; Nghiên cứu và thực hiện các giải pháp gám sát thông tin về hành lang, công trình lưới điện, trào lưu công suất theo khu vực địa lý, tình hình thời tiết tại các trạm biến áp và ở những khu vực có ĐZ đi qua…
Mặt khác, EVNNPT cũng sẽ nỗ lực hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đầu tư xây dựng trong năm 2023 đã đề ra nhằm nâng cao năng lực lưới điện truyền tải và chống quá tải. Theo đó, EVNNPT tiếp tục rà soát xử lý các khiếm khuyết thiết bị; xử lý ngăn ngừa phát nhiệt; hoán chuyển, thay thế các dao cách ly có dòng định mức cao hơn để hạn chế phát nhiệt khi truyền tải cao và triển khai dự án ĐD 500kV mạch kép Vũng Áng - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định - Phố Nối để tăng khả năng tải giao diện Trung - Bắc. Đồng thời, khẩn trương triển khai các dự án để giảm tải cho các ĐZ và MBA vận hành tải cao như dự án nâng công suất MBA TBA 500kV Hòa Bình, Thạnh Mỹ, đẩy nhanh tiến độ TBA 500kV Vĩnh Yên để giảm tải cho TBA Việt Trì; lắp MBA TBA 220kV Thái Thụy để giảm tải cho MBA Thái Bình; đẩy nhanh tiến độ TBA 220kV Bá Thiện để giảm tải cho TBA Việt Trì,…
Mai Anh