Monday, 23/12/2024 | 20:35 GMT+7
Có nhiều cách để sử dụng năng lượng điện tiết kiệm hiệu quả như tắt đèn và các thiết bị không cần thiết.. .nhưng cách tốt nhất mà các cơ quan quản lý, ngành điện khuyến nghị là nên mua và sử dụng những sản phẩm điện có dán nhãn năng lượng.
Hầu hết các sản phẩm điện gia dụng đều được dán nhãn năng lượng
Lợi ích thiết thực
Bà Hoàng Thị Hợi - Công ty Đức Lợi (Quảng Ninh) - cho biết, từ 3 năm trở lại đây các cửa hàng của công ty đã phân phối các sản phẩm dán nhãn năng lượng. Trong số hàng trăm sản phẩm điện lạnh, điện tử như tivi, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt, nồi cơm điện... có tới 90% sản phẩm được dán nhãn năng lượng.
Với công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay thì giá sản phẩm điện lạnh có dán nhãn năng lượng không đắt mà có xu hướng rẻ đi. Điều này sẽ tạo điều kiện cho khách hàng có cơ hội sử dụng tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, việc lựa chọn sản phẩm có mức tiết kiệm năng lượng nhiều hay ít sao (từ 1 – 5 sao) cũng còn tùy vào khả năng tài chính của người tiêu dùng.
Ông Trần Văn Bảo (Hạ Long) - một khách hàng đang có ý định mua điều hòa - chia sẻ, dù có thu nhập trung bình nhưng cũng sẽ cố gắng để mua sản phẩm có mức tiết kiệm năng lượng cao. Bởi vì ban đầu phải bỏ số tiền lớn hơn thông thường nhưng về lâu dài sẽ tiết kiệm được điện, đồng nghĩa với tiết kiệm tiền.
Việc Bộ Công Thương quy định dán nhãn năng lượng bắt buộc đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng mà còn cho môi trường, xã hội. Đồng thời giúp doanh nghiệp sản xuất, phân phối có thêm một lần chứng nhận về xuất xứ, chất lượng, uy tín và giúp người bán hàng không phải giải thích với khách hàng nhiều như trước. Người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm vì đa số sản phẩm đều có chất lượng, tính ổn định cao, đặc biệt giảm được lượng điện tiêu thụ, bảo vệ sức khỏe, môi trường. Ví dụ: sản phẩm điều hòa của Daikin, Panasonic có khí gas sạch, rất tốt cho người già và trẻ em…
Cần sự chung tay của cộng đồng
Theo ông Shinji Miyata - Tổng giám đốc hãng điều hòa Daikin (Vietnam), các sản phẩm có dán nhãn năng lượng, dù giá cao hơn so với thông thường, nhưng để cạnh tranh, các nhà sản xuất đã tập trung nghiên cứu, đưa ra nhiều loại sản phẩm, mẫu mã phù hợp với điều kiện khí hậu, đặc thù của các công trình, nhà cửa và thói quen sử dụng của người Việt Nam. Đặc biệt, các sản phẩm đều có các mức giá khác nhau để khách hàng lựa chọn, tùy thuộc vào khả năng tài chính của mình.
Nhiều chuyên gia cho rằng, dù có đẩy mạnh tuyên truyền đến đâu nhưng nếu không có sự tham gia trực tiếp của người tiêu dùng thì chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả sẽ không được bền vững. Vì vậy, bên cạnh việc đưa ra các cơ chế khuyến khích nhà sản xuất cần đưa thông tin tuyên truyền tới người dân về lợi ích của những sản phẩm tiết kiệm điện trong gia đình, bởi phụ tải tăng cao chủ yếu là các thiết bị điện, đèn thắp sáng chỉ chiếm sản lượng nhỏ.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người tiêu dùng lo ngại về việc doanh nghiệp lợi dụng việc này sẽ tự ý dán nhãn cho các sản phẩm, nhất là sản phẩm nhập khẩu, hoặc sản phẩm không có đủ hiệu suất năng lượng như mức được dán nhãn. Về vấn đề này, ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng- Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương - cho biết, sẽ thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để bảo vệ quyền lợi người dân; tập trung kiện toàn việc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng của các thiết bị và tiêu chuẩn thử nghiệm để chứng nhận nhãn năng lượng cho các thiết bị.
“Thời gian tới, Bộ sẽ tổ chức tập huấn về nhãn năng lượng cho cán bộ quản lý thị trường tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm nâng cao nhận thức cho lực lượng này về nhãn năng lượng. Đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi nhãn năng lượng của các doanh nghiệp. Nếu phát hiện sai phạm sẽ được xử lý triệt để” – ông Vũ nói.
Lựa chọn một sản phẩm có dán nhãn năng lượng, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người tiêu dùng mà còn góp phần giảm áp lực cho lưới điện quốc gia, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. |
Theo Báo Công Thương