Monday, 23/12/2024 | 16:56 GMT+7
Chương trình tiêu chuẩn và dán nhãn năng lượng bắt đầu từ những năm 1970 được triển khai trên 80 quốc gia trên toàn thế giới (đến năm 2013), bao gồm hơn 50 loại phương tiện thiết bị tùy theo thiết kế và phạm vi áp dụng theo điều kiện của từng quốc gia. Nhãn năng lượng là công cụ hiệu quả trong thúc đẩy thị trường cho các phương tiện và thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.
Thông qua việc đưa ra thông tin trực quan về hiệu suất năng lượng và mức độ hiệu quả sử dụng năng lượng của phương tiện, thiết bị, nhãn năng lượng giúp cho người sử dụng nhận diện và phân biệt được các phương tiện, thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng với các sản phẩm có hiệu suất năng lượng thấp, qua đó giúp cho thị trường các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng chuyển đổi từ hiệu suất thấp sang hiệu suất cao. Việc dán nhãn năng lượng đã đóng góp rất hiệu quả cho mục tiêu tiết kiệm năng lượng của các quốc gia này.
Một vài số liệu thống kê như sau:
- Số lượng các quốc gia áp dụng tiêu chuẩn và chương trình dán nhãn năng lượng đã tăng lên 81 quốc gia (từ 50 quốc gia vào năm 2004).
- Số lượng sản phẩm khác nhau áp dụng các quy định theo tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng bắt buộc là 55 loại sản phẩm (từ 42 loại vào năm 2004).
- Số lượng tất cả các loại Tiêu chuẩn & quy định dán nhãn năng lượng tại nhiều nước trên thế giới (theo đó, các quy định là tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng hoặc một số loại hình dán nhãn năng lượng) đã tăng gần gấp 3 lần lên 3604 quy định vào năm 2013 (từ 1220 quy định năm 2004).
- Số lượng các quy định tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đã áp dụng (hoặc đề xuất áp dụng) đối với tất cả các nhóm đã tăng theo hệ số 3 lên 1453 quy định (từ 431 quy định).
- Dán nhãn so sánh đã áp dụng (hoặc đề xuất áp dụng) đối với tất cả các nhóm tăng gấp ba lần lên 1149 quy định (từ 354 quy định). Nhãn dán so sánh hiện đã vượt số lượng tuyệt đối về nhãn dán được phê duyệt với xu hướng mạnh mẽ rằng sẽ trở thành các nhãn dán bắt buộc (hiện là trên 80%).
- Nhãn dán được phê duyệt đã sử dụng (hoặc đề xuất) đối với tất cả các nhóm cũng tăng gấp đôi lên 1002 quy định (từ 435 quy định) với trên 95% tổng số nhãn được phê duyệt vẫn còn mang tính tự nguyện và áp dụng hoặc hướng tới hầu hết các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Các loại sản phẩm phổ biết nhất bao gồm:
- Tủ lạnh (75 quốc gia với 185 quy định riêng).
- Điều hòa không khí trong phòng (73 quốc gia với 152 quy định).
- Đèn điện hoặc đèn chấn lưu (67 quốc gia với các loại đèn nói riêng, chiếm khoảng 358 quy định riêng áp dụng cho tất cả các loại đèn).
- Máy thu hình (47 quốc gia với 135 quy định, hầu hết hiện đang bắt buộc áp dụng từ cơ sở với chỉ 21 quốc gia áp dụng 41 quy định tự nguyện năm 2004).
Các nước áp dụng chương trình quốc gia năng động nhất bao gồm:
- Trung Quốc với 100 quy định; Mỹ với 86 quy định; Hàn Quốc với 78 quy định; Các nước EU với 77 quy định.
Xu hướng sản phẩm
Top 3 loại sản phẩm hàng đầu được áp dụng chương trình quốc gia vẫn giữ nguyên không đổi, tuy nhiên số lượng tuyệt đối của các quy định đã tăng nhanh chóng. Năm 2004, tủ lạnh là sản phẩm được áp dụng phổ biến nhất với 45 quốc gia quản lý bằng 95 quy định riêng. Năm 2013, tủ lạnh đã được mở rộng triển khai tới 75 quốc gia với 185 quy định riêng. Năm 2004 và 2013, Điều hòa không khí vẫn là sản phẩm phổ biến thứ hai với số nước tăng từ 37 lên 73 và số lượng quy định tăng từ 81 lên 152 quy định. Năm 2004, khoảng 30 quốc gia sử dụng các loại đèn hoặc đèn chấn lưu; con số này tăng lên gần 67 quốc gia vào năm 2013 với lượng đèn nói riêng chiếm tới 149 quy định riêng.
Thời điểm này chứng kiến sự dịch chuyển về kiểu loại sản phẩm thường được quy định. Năm 2013, máy thu hình được 47 quốc gia áp dụng với 135 quy định riêng (hầu hết đều là quy định bắt buộc), áp dụng từ cơ sở tại 21 nước vào năm 2004 và 41 quy định (thực tế đây là đều là quy định tự nguyện). Phạm vi áp dụng của bình đun nước nóng cũng tăng từ 12 quốc gia với quy định bắt buộc lên 44 quốc gia vào năm 2013.
Hiện nay, các sản phẩm điện lại được nhiều nước áp dụng tiêu chuẩn, các quy định phổ biến nhất dường như sẽ là nhãn phê duyệt tự nguyệt mặc dù trong thời gian gần đây các sản phẩm như nguồn điện bên ngoài, máy vi tính, bộ giải mã và các thiết bị audio/video khác đã bắt đầu được áp dụng các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng bắt buộc Số lượng các quy định tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng bắt buộc áp dụng cho các loại sản phẩm điện tăng từ 9 quy định năm 2004 lên thành 347 quy định vào năm 2013.
Dữ liệu khu vực và quốc gia
Ở cấp độ khu vực, Khu vực châu Âu hiện chiếm số lượng quy định quốc gia lớn nhất về mặt tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng, nhãn dán so sánh và nhãn dán phê duyệt. Số lượng quy định theo loại quy định được trình bày cho từng khu vực địa lý được sử dụng trong báo cáo này.
(Theo báo cáo của Australia)
Kinh nghiệm quốc tế triển khai thành công chương trình dán nhãn
CHƯƠNG TRÌNH NHÃN NĂNG LƯỢNG CỦA AUSTRALIA
Nhãn năng lượng là Chương trình quốc gia bắt buộc của Australia được triển khai năm 1999 nhằm tránh phải chắp vá các chương trình dán nhãn năng lượng sau khi ba chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc cấp bang được triển khai bởi New South Wales, Victoria và Nam Australia vào những năm 80 và 90.
Đặc điểm của Nhãn năng lượng Australia là có một định mức hình ngôi sao trong đó thể hiện kết quả đánh giá so sánh hiệu suất năng lượng của mô hình và dự báo mức tiêu hao năng lượng hàng năm của mô hình thiết bị. Ban đầu, nhãn có đặc điểm là có mức xếp hạng từ 1 đến 5 ngôi sao, tuy nhiên, thời gian gần đây lại được điều chỉnh để ghi rõ thang đo từ 1 đến 10 ngôi sao áp dụng cho một số dòng sản phẩm, tăng một nửa gia số lên 6 ngôi sao theo sau là các ngôi sao đầy đủ (Dán nhãn Năng lượng Australia, 2017). Các sản phẩm có trên 6 ngôi sao được coi là sản phẩm siêu hiệu quả. Dán nhãn năng lượng là yêu cầu bắt buộc tại tất cả các bang của Australia và các vùng lãnh thổ cũng như New Zealand áp dụng cho 8 nhóm sản phẩm, bao gồm tủ lạnh, tủ cấp đông, máy giặt quần áo, máy sấy quần áo, máy rửa bát, điều hòa không khí, TV và màn hình máy tính. Việc thực hiện dán nhãn được căn cứ theo chứng nhận và đăng ký riêng của nhà sản xuất, tuy nhiên việc kiểm tra trên diện rộng bằng cách lựa chọn sản phẩm mục tiêu để thử nghiệm đã được sử dụng để hỗ trợ giám sát và cưỡng chế thực thi.
CHƯƠNG TRÌNH DÁN NHÃN NGÔI SAO NĂNG LƯỢNG CỦA MỸ
Chương trình Dán nhãn Năng lượng của Mỹ do Ủy ban Thương mại Liên Bang Hoa Kỳ (FTC) xây dựng vào năm 1980 theo lời kêu gọi hợp thức hóa chương trình dán nhãn để cải thiện hiệu quả năng lượng và cung cấp thông tin hỗ trợ người tiêu dùng trong việc ra quyết định mua sắm. Năm 2007, sau khi triển khai đánh giá chương trình bắt buộc kéo dài hai năm, FTC giới thiệu một nhãn EnergyGuide mới, vô cùng đơn giản, theo đó chỉ hiển thị chi phí hoạt động hàng năm dự kiến (về mặt giá điện) ngoài thông tin về mức tiêu thụ năng lượng. Nhãn EnergyGuide thể hiện mô hình cụ thể nằm trong phổ tiêu thụ năng lượng cao nhất và thấp nhất hoặc ước tính hiệu suất của các loại mô hình thiết bị tương tự và chi phí hoạt động hàng năm dự kiến của mô hình đó cũng như mức tiêu thụ năng lượng. Nhãn EnergyGuide được yêu cầu áp dụng cho 12 loại sản phẩm. Chương trình dán nhãn phê duyệt ENERGY STAR được triển khai như là một chương trình chung của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) và Cục Năng lượng (DOE) năm 1992 để tăng cường sử dụng các loại sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS). Hiện nhãn ENERGY STAR được áp dụng cho hơn 70 nhóm sản phẩm, bao gồm thiết bị gia dụng chính, thiết bị văn phòng, đèn chiếu sáng, thiết bị trung tâm dữ liệu và đồ điện tử gia dụng (US EPA, 2017). Năm 2011, chương trình ENERGY STAR triển khai hợp phần: ký hiệu Hiệu quả nhất nhằm ghi nhận mức hiệu suất năng lượng đặc biệt, truyền cảm hứng hoặc hiện đại bậc nhất mà không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng hoặc không tổn hại đến nhãn hiệu ENERGY STAR. Hợp phần này hướng tới một phần rất nhỏ các mô hình hiệu quả cao (ví dụ: top 5% mô hình hiệu quả dành cho TV) trên thị trường và mức tiết kiệm năng lượng dự kiến áp dụng cho các loại sản phẩm chỉ định từ 20% đến 60%.
NHÃN NĂNG LƯỢNG CỦA EU
Chỉ thị EU số 1992/75/EEC áp dụng chương tình dán nhãn thông tin năng lượng so sánh bắt buộc cho các sản phẩm tủ lạnh gia dụng, máy giặt và máy sấy quần áo, máy rửa bát, lò nướng, thiết bị đun nước nóng và bình chứa nước nóng, đèn chiếu sáng, điều hòa không khí và 16 nhóm sản phẩm được áp dụng theo chương trình Nhãn dán năng lượng của EU (Nhãn dán năng lượng của EU, 2017). Chương trình Nhãn dán năng lượng của EU xếp loại hiệu quả năng lượng hàng năm của một sản phẩm so với các mô hình tương tự khác, ban đầu là từ hạng A (hiệu quả nhất) đến hạng G (hiệu quả kém nhất). Theo chỉ thị này, nhà cung cấp sẽ chịu trách nhiệm cung cấp tài liệu kỹ thuật để cung cấp thông tin về nhãn dán. Sau đó, các nước thành viên sẽ phải đảm bảo nhà cung cấp tuân thủ theo các nghĩa vụ dán nhãn, nghiêm cấm sử dụng các loại nhãn dán khác không tuân thủ yêu cầu dán nhãn hoặc có thể gây hiểu lầm hoặc nhầm lẫn cho người tiêu dùng và triển khai chiến dịch giáo dục và quảng cáo nhằm hỗ trợ cho các loại nhãn này. Chương trình Nhãn dán năng lượng EU được triển khai ở cấp quốc gia thành viên và căn cứ theo nguyên tắc tự kê khai của nhà sản xuất. Công tác cưỡng chế thi hành và giám sát thị trường đã được các quốc gia thành viên và một số quốc gia khác triển khai, bao gồm Đan Mạch, Đức, Hungary, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Anh đã triển khai chương trình kiểm tra xác nhận.
NHÃN NĂNG LƯỢNG CỦA NHẬT BẢN
Để tuân thủ theo các yêu cầu dán nhãn theo Luật bảo toàn năng lượng quốc gia, Chương trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng tự nguyện của Nhật Bản đã được triển khai từ ngày 21/08/2000. Chương trình dán nhãn này được liên kết với chương trình tiêu chuẩn Chương trình Sản phẩm tiết kiệm năng lượng hàng đầu của Nhật Bản, trong đó quy định rõ hiệu suất cao nhất hiện có trên thị trường cùng với quy định cải thiện hiệu quả tiềm năng bằng công nghệ giữa thời điểm xác định giá trị và năm mục tiêu. Ngay khi đến năm mục tiêu và áp dụng tiêu chuẩn, các nhà sản xuất sẽ được xem xét mức độ tuân thủ nếu hiệu suất trung bình của tất cả các loại sản phẩm bán ra, chứ không phải hiệu suất của từng sản phẩm đã bán, tuân thủ tiêu chuẩn mục tiêu. Đối với từng dòng sản phẩm, nhãn dán cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về năm mục tiêu áp dụng chương trình Sản phẩm tiết kiệm năng lượng hàng đầu, tỷ lệ hoàn thành của mô hình cụ thể tương ứng với mục tiêu của Chương trình Sản phẩm tiết kiệm năng lượng hàng đầu, và mức tiêu thụ năng lượng hàng năm. Mô hình này cũng có đặc điểm là ký hiệu chữ “e” màu xanh lá cây dùng cho các loại sản phẩm đạt trên 100% mục tiêu và ký hiệu chữ “e” màu da cam dùng cho các loại sản phẩm không đạt mục tiêu. Luật sửa đổi liên quan đến việc sử dụng năng lượng phù hợp năm 2006 quy định các hướng dẫn chung về dán nhãn năng lượng và tạo ra Nhãn dán tiết kiệm năng lượng thống nhất của Nhật Bản, trong đó bao gồm thông tin về nhãn dán năng lượng tự nguyện nhưng cũng cung cấp một hệ thống đánh giá 5 sao cho hiệu quả năng lượng và hóa đơn tiền điện dự kiến. Vào cuối năm 2015, Chương trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng thống nhất được áp dụng cho 6 nhóm sản phẩm còn nhãn dán tiết kiệm năng lượng tự nguyện được áp dụng cho 21 nhóm sản phẩm.
CHƯƠNG TRÌNH CÁC NƯỚC TRONG KHU VỰC:
Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, các nước Brunei, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippine, Thái Lan, Singapore… đã triển khai chương trình dán nhãn từ khá sớm. Năm 2005, Brunei công bố mục tiêu sử dụng hiệu quả năng lượng tổng thể nhằm giảm cường độ sử dụng năng lượng xuống 25% vào năm 2030. Điều hòa Không khí và đèn chiếu sáng được triển khai thực hiện dán nhãn năng lượng tại Brunei.
Tại Ấn Độ, Luật bảo toàn năng lượng năm 2001 là cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn và chương trình dán nhãn. Triển khai tự nguyện từ năm 2006, Hiện chương trình Star Labelling của BEE của Ấn độ đã được áp dụng bắt buộc cho cả bốn thiết bị, bao gồm tủ lạnh chống đóng tuyết, máy điều hòa không khí trong phòng, máy biến áp phân phối và đèn ống huỳnh quang (TFL).
Trong khu vực Đông Nam Á, Chính phủ Indonesia công bố chính thức lần đầu Kế hoạch tổng thể về bảo toàn năng lượng năm 1995, cùng với Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng Indonesia và chương trình dán nhãn dưới sự quản lý của Cục Năng lượng và Khoáng sản. Indonesia đã áp dụng chương trình dán nhãn cho nhiều loại sản phẩm khác nhau (bắt đầu từ năm 2011 với CFL), bổ sung thêm sản phẩm vào năm 2012 và kế hoạch mở rộng áp dụng chương trình này trong thời gian tới. Hiện có bốn sản phẩm tuân thủ theo Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng (máy làm lạnh, hệ thống đèn chiếu sáng, thiết bị đầu cuối trọn gói và tủ lạnh) với các cấp độ quy định cho nhiều loại sản phẩm hơn.
Tương tự, tại Malaysia đã áp dụng tiêu chuẩn năng lượng bắt buộc cho chấn lưu đèn huỳnh quang, quạt di động và đèn dây tóc, áp dụng tiêu chuẩn tự nguyện cho các loại động cơ điện 3 pha loại nhỏ và vừa.
Còn tại Philippine, Chương trình Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng cũng được phát triển vào đầu những năm 90 và hiện bao gồm tất cả các loại máy điều hòa không khí trong phòng, Tủ lạnh Tủ cấp đông.
Trong khu vực, Thái Lan cũng là quốc gia đi đầu triển khai dán nhãn năng lượng. Sau khi thông qua Quy hoạch Tổng thể Quản lý nhu cầu điện và Luật Tăng cường bảo toàn năng lượng năm 1991 với Quỹ tăng cường bảo toàn năng lượng năm 1992. Hai chương trình này đã thiết lập cơ sở đáng tin cậy để tăng mức sử dụng năng lượng hiệu quả…
Hiện nay, Thái Lan có hai chương trình dán nhãn - nhãn so sánh do Cơ quan Phát điện Thái Lan điều hành áp dụng cho các chương trình DSM và nhãn sinh thái do Viện Môi trường Thái Lan điều hành.
Các thiết bị được dán nhãn năng lượng: lần lượt Năm 1995 máy điều hòa không khí trong phòng tủ lạnh, năm 1998 – chấn lưu đèn huỳnh quang dân dụng (chấn lưu từ). Năm 2000 – tủ lạnh/tủ cấp đông, Năm 2004 – nồi cơm điện, năm 2006 – đèn compact, Năm 2008 – quạt di động, Năm 2009 – chấn lưu đèn huỳnh quang, đèn, Năm 2010 – ấm điện, Năm 2011 – bình đun nước siêu tốc.
Chi tiết Chương trình dán nhãn năng lượng của các nước Brunei, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippine, Thái Lan, Singapore, xem tại đây.
Nhãn năng lượng các quốc gia Châu Á
NHÂN TỐ THÀNH CÔNG VÀ BÀI HỌC CỦA THẾ GIỚI KHI TRIỂN KHAI DÁN NHÃN NĂNG LƯỢNG
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các điểm khác biệt và tương đồng chính trong khung pháp lý của chương trình dán nhãn năng lượng tại Mỹ, Australia, EU và Nhật Bản. Trừ chương trình dán nhãn của Australia được xây dựng từ đề xuất riêng của từng bang, ba chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc còn lại đều được lập từ cơ sở pháp lý mạnh mẽ của luật bảo toàn năng lượng quốc gia. Chương trình dán nhãn Australia cũng được thiết lập và tập trung hóa với quy định GEMS quốc gia vào năm 2012, nhờ đó tăng cường cải thiện chương trình hiện tại bằng sự hỗ trợ mới về mặt pháp lý. Điều này cho thấy rằng các chương trình dán nhãn năng lượng đã được luật pháp quốc gia ghi nhận nhằm ủng hộ việc bảo toàn năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả, hoặc, cắt giảm năng lượng cũng như cắt giảm lượng khí thải nhà kính như trong trường hợp của Australia. Tương tự như vậy, chương trình dán nhãn năng lượng ENERGY STAR của Mỹ cũng được thiết lập bởi luật chất lượng không khí quốc gia, Luật không khí sạch. Về mặt pháp lý để triển khai nhãn dán, luật pháp nước Mỹ và gần đây là Australia đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc triển khai thực hiện và cưỡng chế thi hành. Điểm khác của EU là EU kêu gọi các quốc gia thành viên áp dụng nhãn năng lượng quốc gia, được tạo ra từ các chương trình thực hiện và cưỡng chế thi hành khác nhau với nhiều cấp độ hiệu quả đa dạng. Tại khu vực Châu Á, Sáu quốc gia là Pakistan, Bangladesh, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam thực hiện dự án (BRESL- Dự án "Dỡ bỏ rào cản để thực thi có hiệu quả các tiêu chuẩn và nhãn hiệu suất năng lượng"), trong vòng 5 năm 2009 – 2014, với Các sản phẩm được đánh giá là Điều hòa, tủ lạnh, quạt điện, nồi cơm điện, CFL, Balat và mô - tơ điện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) để đánh giá chương trình Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng áp dụng cho các sản phẩm khác nhau đồng thời hỗ trợ triển khai quy trình dán nhãn. Có thể nói Dự án này đã đạt được mục đích tăng cường hài hòa hóa quy trình kiểm tra, tiêu chuẩn và nhãn tại các nước đang phát triển ở Châu Á.
CHƯƠNG TRÌNH DÁN NHÃN NĂNG LƯỢNG TẠI VIỆT NAM
Tại Việt Nam, Chương trình dán nhãn năng lượng bắt đầu triển khai từ năm 2008, Bộ Công Thương đã triển khai theo hình thức tự nguyện, bắt buộc thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.
Mục tiêu Chương trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu sẽ tiết kiệm tiêu dùng tích lũy khoảng 10 nghìn tỷ đồng (480 triệu USD) tương đương sẽ giảm lượng khí thải carbon dioxide của 34 triệu tấn vào năm 2030. Lượng tiết kiệm điện quốc gia hàng năm sẽ vào khoảng 6.000 GWh / năm, giảm được nhu cầu tương đương với khoảng hai nhà máy điện đốt than 500 MW (Tương đương 1 tỷ USD đầu tư nhà máy điện).
Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu được quy định tại Quyết định 51/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gồm: 1- Nhóm thiết bị gia dụng gồm: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình; 2- Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại gồm: Máy phôtô copy, màn hình máy tính, máy in, tủ giữ lạnh thương mại; 3- Nhóm thiết bị công nghiệp gồm: Máy biến áp phân phối, động cơ điện; 4- Nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm: Xe ô tô con loại 7 chỗ trở xuống.
Bộ Công Thương phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam bao gồm 44 TCVN về phương pháp đo và đánh giá hiệu suất năng lượng cho phương tiện, thiết bị thực hiện dán nhãn năng lượng.
Nhãn năng lượng với hai loại nhãn là (1) Nhãn xác nhận sản phẩm đạt mức hiệu suất năng lượng cao và (2) Nhãn so sánh cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin về hiệu suất năng lượng tương ứng mức từ 1 sao đến 5 sao. Số sao càng nhiều, hiệu suất năng lượng càng lớn. Người tiêu dùng, khi chọn mua các sản phẩm thuộc nhóm đối tượng phải dán nhãn năng lượng có thể căn cứ vào nhãn năng lượng được dán trên thiết bị để so sánh hiệu suất năng lượng từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc từ ngày 01 tháng 7 năm 2013, tính đến tháng 6/2018, đã có khoảng 15.000 mã sản phẩm thuộc 19 chủng loại thiết bị đã được dán nhãn năng lượng. Lượng sản phẩm bán ra của các thiết bị gia dụng có dán nhãn năng lượng như quạt điện, máy thu hình, máy điều hòa chiếm hơn 90% tổng số sản phẩm bán ra trên thị trường.
Báo cáo của Hội Điều hòa không khí Việt Nam, ước tính lượng điện năng tiết kiệm được hàng năm do người tiêu dùng chuyển hướng sang chọn mua và sử dụng các loại sản phẩm điều hòa không khí có hiệu suất cao vào khoảng trên 100 triệu kWh/năm. Theo báo cáo của tổ chức CLASP Mỹ tới năm 2017 gần như toàn bộ 100% các sản phẩm điều hòa tại Việt Nam đã được dán nhãn trên thị trường; Số mẫu đạt 4 sao và 5 sao chiếm 62.8%.
Năm 2015, với tổng thị trường bóng đèn chiếu sáng 150 triệu bóng, ước tính lượng điện năng tiết kiệm được do loại bỏ đèn sợi đốt có công suất trên 60 W khoảng 1.5 tỷ kWh/năm.
Nhãn năng lượng đã tạo được thói quen tiêu dùng, mua sắm các sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng. Người tiêu dùng khi chọn mua sản phẩm trước đây chỉ căn cứ vào giá cả, mẫu mã thì nay đã chủ động tìm hiểu các thông tin về kỹ thuật, tiêu thụ năng lượng để lựa chọn sản phẩm bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế khi tiết kiệm đáng kể lượng điện tiêu thụ trong quá trình sử dụng. Dự báo lượng điện tiết kiệm từ các sản phẩm dán nhãn năng lượng sẽ đạt khoảng 10% vào năm 2020 và con số này có thể lên tới 30% vào năm 2030.
Trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg tiếp tục bổ sung thêm 05 sản phẩm vào danh mục lộ trình dán nhãn năng lượng bắt buộc bao gồm: đèn LED, máy tính xách tay, bình đun nước nóng có dự trữ, xe ôtô con loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ, xe mô tô và xe gắn máy, Khẳng định chủ trương nhất quán của Chính phủ về quản lý hiệu suất của các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng về tăng cường việc kiểm soát, quản lý các dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên, bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia.
Chương trình dán nhãn năng lượng do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện đã nhận được sự triển khai đồng bộ, tích cực, được phối hợp bởi nhiều Bộ, ngành có liên quan; được triển khai đồng bộ từ trung ương tới địa phương trong hoạt động kiểm tra sản xuất, nhập khẩu và giám sát sản phẩm sau chứng nhận khi sản phẩm lưu thông trên thị trường. Trong đó, đóng góp vào thành công của chương trình Nhãn Năng lượng phải kể đến sự tham gia tích cực của của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cơ quan thanh tra và quản lý thị trường tại Sở Công Thương các tỉnh thành phố...
Trong quá trình triển khai, ngoài những thành quả đạt được như nâng cao nhận thức cho người dân, nhận diện sản phẩm tiết kiệm năng lượng, loại bỏ các thiết bị hiệu quả thấp, tiêu tốn năng lượng, chuyển dịch thị trường sang các sản phẩm ít tiêu hao năng lượng, bảo vệ môi trường, góp phần giảm tiêu thụ điện năng quốc gia… chương trình còn tồn tại những vướng mắc, bất cập. Một số các doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng quy trình cấp chứng nhận và dán nhãn tại Thông tư 07/2012/TT-BCT như: quy trình Chứng nhận còn rườm rà, nhiều thủ tục, tốn kém thời gian, chi phí khi chứng nhận dán nhãn năng lượng theo lô hàng hóa nhập khẩu, hiệu lực của phiếu thử nghiệm hiệu suất năng lượng chỉ kéo dài trong 06 tháng. Trong khi cơ sở hạ tầng thử nghiệm hiệu suất năng lượng của các phòng thử nghiệm trong nước còn hạn chế.
Cuối năm 2016, thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan tới chương trình dán nhãn năng lượng, Thủ tục dán nhãn năng lượng được chuyển đổi từ hình thức tiền kiểm sang hậu kiểm, các doanh nghiệp đăng ký dán nhãn năng lượng được tự công bố mức hiệu suất năng lượng và tự dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị, Cho phép doanh nghiệp sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model sản phẩm, áp dụng cho các tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ và cùng đặc tính kỹ thuật (không giới hạn thời gian hiệu lực của phiếu thử nghiệm); việc thử nghiệm dán nhãn năng lượng được thực hiện bởi các Tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc các phòng thử nghiệm đạt chuẩn , đủ điều kiện thực hiện.
Đồng thời Bộ Công Thương cũng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 cho thủ tục dán nhãn năng lượng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giảm tối đa thời gian và chi phí cho việc dán nhãn năng lượng cho các thiết bị. (tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến năm 2017 là 38%, tăng lên 46% trong 9 tháng đầu năm 2018).
Về công tác thử nghiệm, hiện nay, đã có 09 cơ sở thử nghiệm được Bộ Công Thương chỉ định để thử nghiệm các sản phẩm đăng ký dán nhãn năng lượng dựa theo các tiêu chuẩn Việt Nam đã được ban hành. Chính vì thế, người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm về các thông tin hiệu suất tiêu thụ năng lượng được công bố trên nhãn năng lượng. Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ luôn tích cực phối hợp cùng các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc hậu kiểm, giám sát thực hiện việc dán nhãn năng lượng của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững