Monday, 23/12/2024 | 07:24 GMT+7

Trên 85% người tiêu dùng quan tâm, sử dụng sản phẩm dán nhãn năng lượng

03/11/2022

Theo khảo sát của Bộ Công Thương, tính đến năm 2020 tỷ lệ người dân quan tâm sử dụng sản phẩm có dán nhãn năng lượng đạt khoảng 85%.

Từ đầu năm 2022 đến nay, cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới đang diễn ra phức tạp và khó lường, giá dầu thô trên thế giới đã có lúc bị đẩy lên đến hơn 130 USD/thùng. Việc đảm bảo cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân ngày càng trở nên khó khăn và cấp bách.
Chính vì vậy, song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế. Đây được coi là giải pháp quan trọng giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. 
Một trong những giải pháp quan trọng để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Bộ Công Thương khuyến cáo là sử dụng các sản phẩm, thiết bị có dán nhãn năng lượng, đặc biệt là nhãn năng lượng hiệu suất cao nhất.
Những sản phẩm được dán nhãn năng lượng là những sản phẩm đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn bắt buộc về hiệu suất năng lượng, giúp người mua biết được các thông tin, chỉ số và khả năng tiết kiệm điện của các thiết bị, từ đó có thể lựa chọn được sản phẩm chất lượng, hiệu suất năng lượng cao, tốn ít điện năng.

Ba loại nhãn năng lượng trên thị trường hiện nay: Nhãn năng lượng nhận biết, nhãn năng lượng so sánh và nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất (từ trái qua phải)
Thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về lợi ích của các sản phẩm có dán nhãn năng lượng, tính đến năm 2020, theo khảo sát của Bộ Công Thương đã có trên 85% người tiêu dùng quan tâm, sử dụng sản phẩm có dán nhãn năng lượng. Đặc biệt, người tiêu dùng đang có xu hướng và ngày càng yêu thích, mong muốn, thậm chí là sẵn sàng chi ra một khoản tiền không nhỏ để được sử dụng những sản phẩm chất lượng tốt, tiết kiệm năng lượng, hiệu suất cao. Đây là một tín hiệu đáng mừng về ý thức tiết kiệm năng lượng của người dân.
Tuy nhiên, để việc tiết kiệm năng lượng thật sự hiệu quả, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết ngoài việc lựa chọn các sản phẩm có dán nhãn năng lượng, người tiêu dùng cần phân biệt rõ các loại nhãn năng lượng để chọn được sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao, phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Hiện nay trên thị trường, có 3 loại nhãn năng lượng đó là nhãn năng lượng nhận biết, loại nhãn này cho biết mức năng lượng tiêu thụ tối thiểu mà doanh nghiệp đã đạt được để sản phẩm được phép lưu thông trên thị trường. Loại thứ 2 là nhãn năng lượng so sánh, càng nhiều sao càng tiết kiệm, giữa các mức sao sẽ có sự khác nhau về hiệu suất năng lượng, từ 1 sao đến 5 sao. Loại thứ 3 là nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận diện sản phẩm hiệu suất cao nhất và tra cứu thông tin từ mã QR dán trên sản phẩm, thiết bị”, ông Trịnh Quốc Vũ cho biết.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến những sản phẩm dán nhãn năng lượng
Người tiêu dùng nên cân nhắc lựa chọn mua những sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng, ví dụ gia đình có từ 4 - 5 thành viên nên chọn mua tủ lạnh có công suất từ 120 - 150 lít, không nên sử dụng tủ lạnh quá lớn, tiêu hao nhiều điện năng. Hay như phòng ngủ có diện tích dưới 15m2 nên lựa chọn điều hòa không khí công suất 9.000 BTU. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần quan tâm đến bộ quy trình chứng nhận đối với sản phẩm thiết bị để có thể lựa chọn được những sản phẩm chất lượng nhất.
Trước bối cảnh thế giới có nhiều biến động về năng lượng, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả càng trở nên quan trọng và cần thiết. Sử dụng hiệu quả năng lượng không những giúp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí điện năng mà còn góp phần giảm áp lực nguồn cung cho ngành điện.
Chương trình dán nhãn năng lượng và quản lý hiệu suất năng lượng tối thiểu tại Việt Nam được bắt đầu triển khai từ năm 2011 theo hình thức tự nguyện và chính thức áp dụng bắt buộc 2 năm sau đó (năm 2013). Chương trình này được thực hiện thông qua việc xây dựng 50 bộ tiêu chuẩn quốc gia quy định hiệu suất năng lượng cho 19 chủng loại thiết bị tiêu thụ năng lượng, trong đó có 4 chủng loại chính: sản phẩm gia dụng, các sản phẩm dùng trong khu công nghiệp, các sản phẩm dùng trong kinh doanh và các các sản phẩm trong phương tiện giao thông. 
Ông Đặng Hải Dũng - Phó Chánh Văn phòng ban chỉ đạo tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đang rà soát hệ thống tiêu chuẩn hiện hành và cơ sở hạ tầng phục vụ dán nhãn năng lượng. Sắp tới dự kiến sẽ bổ sung khoảng 6 sản phẩm vào chương trình quản lý hiệu suất năng lượng, chương trình dán nhãn cũng như chương trình hiệu suất năng lượng tối thiểu.
Sản phẩm mục tiêu lớn trong giai đoạn này là sản phẩm bếp từ, bếp hồng ngoại, điều hòa VRV (điều hòa công suất lớn), bóng đèn led và một số sản phẩm khác cũng đang trong quá trình nghiên cứu và sẽ trình Chính phủ để ban hành trong thời gian tới. Dự kiến đến năm 2025 sẽ công bố những quy định về sản phẩm hiệu suất năng lượng mới này.​
Minh Khuê