Monday, 18/11/2024 | 21:30 GMT+7
Đó là nhận định của đa số các kiến trúc sư (KTS) khi đánh
giá về nền kiến trúc Việt Nam hiện nay. Theo các KTS, năng lượng tiêu thụ cho
khu vực các toà nhà, đặc biệt là các công trình nhà ở và công trình công cộng
cao tầng tại Việt Nam luôn chiếm trên 25% trên tổng số năng lượng tiêu dùng. Tỷ
lệ này tăng lên rất nhiều trong thời gian gần đây.
Xanh không chỉ là cây xanh
Nguyên nhân được đưa ra là do các chủ đầu tư chưa quan tâm đến những biện pháp để tiết kiệm năng lượng cũng như chưa tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội của các biện pháp này. Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS VN: Chúng ta nhận thức chưa đầy đủ về “kiến trúc xanh” nên về mặt thiết kế kiến trúc, chưa phát huy được các lợi thế của điều kiện tự nhiên, các kinh nghiệm truyền thống của ông cha trong việc tạo dựng môi trường ở xứ nhiệt đới. Trong tương lai, chúng ta cần hướng đến một nền kiến trúc thân thiện hơn.
Ở Việt Nam mới chỉ có 1 công trình công quyền đầu tiên được giải thưởng Kiến trúc xanh BCI Green Design Award 2010 do BCI Asia trao tặng (công trình trụ sở UBND & Khối QLNN thị xã Châu Đốc). Do thiết kế dựa theo điều kiện tự nhiên (tận dụng hướng giao thông đường bộ và đường thủy) nên công trình có 70% thời gian trong ngày không dùng đèn chiếu sáng. Một công trình thật sự ý nghĩa trong thời buổi thiếu điện triền miền của nước ta hiện nay. Tiếc thay, chúng ta chưa có nhiều những công trình như vậy!
Chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM đã có hàng trăm dự án các KĐT mới và rất nhiều công trình nhà ở, căn hộ cao tầng được xây dựng hoàn thiện, trong đó phần lớn đã đi vào sử dụng. Song các chủ đầu tư chưa quan tâm đến những biện pháp để tiết kiệm năng lượng cũng như chưa tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội của các biện pháp này. Còn các công trình công cộng như các toà nhà hành chính, trường học, bệnh viện… được xây dựng trước đây đều dựa trên tiêu chuẩn thiết kế thấp, sử dụng các thiết bị lạc hậu có hiệu suất năng lượng chưa cao. Và do hạn chế của điều kiện kinh tế - xã hội, việc sử dụng năng lượng trong những công trình này kém hiệu suất, gây lãng phí.
KTS Nguyễn Văn Tất chia sẻ: “Xanh ở đây không chỉ là màu xanh của cây, hoa, rừng… Xanh là đem lại không gian dễ chịu, thoáng đãng cho người sử dụng. Xanh trong nền kiến trúc còn mang tính nhân văn, tức là công trình được cộng đồng dân cư chấp nhận nó như một tác phẩm nghệ thuật, đóng góp tích cực cho vẻ mỹ quan đô thị”.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Thời gian gần đây, trước thực tế đòi hỏi của cuộc sống, người ta bắt đầu nói nhiều đến kiến trúc xanh trong xây dựng. Thế nhưng nói và thực hiện vẫn còn một khoảng cách khá xa, nhất là quyền lợi của kiến trúc xanh va chạm quyền lợi của chủ đầu tư. Trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, các chủ đầu tư dự án tìm mọi cách để khoanh vùng ngày càng gọn diện tích dành cho công viên, cây xanh. Hơn nữa, khi thiết kế, chủ đầu tư cũng thường ít chú ý đến việc lấy ánh sáng, theo hướng gió… mà chỉ tập trung làm thế nào để diện tích xây dựng cao nhất, tiết kiệm nguyên vật liệu nhất để tăng lợi nhuận. Không ít chung cư hiện nay, ban ngày cũng như ban đêm đều phải xài đến đèn, quạt máy, máy lạnh. Ngay cả ở khu vực nhà riêng tình trạng này cũng vậy.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là thị trường VLXD tại Việt Nam hiện thiếu hụt các loại vật liệu thân thiện với môi trường. Hiện tại, chúng ta chưa xây dựng được thị trường tiêu thụ vật liệu thân thiện môi trường, chưa khích lệ tiêu dùng, đầu tư công nghệ chưa tương xứng dẫn đến năng suất thấp, chủng loại không phong phú. Kết quả là giá bán cao và người tiêu dùng không chấp nhận.
Mặt khác, trong công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc và phát triển đô thị hoàn toàn chưa quan tâm tới vấn đề hiệu suất năng lượng của công trình xây dựng cao tầng và thương mại, chưa có những hướng dẫn và quy định cụ thể trong thẩm định cấp giấy phép xây dựng, vì cho đến nay Việt Nam chưa có luật và văn bản dưới luật để bảo tồn và tiết kiệm năng lượng.
Trong danh mục TCVN hiện nay, xem xét riêng các tiêu chuẩn về VLXD, chúng ta hiện có 31 tiêu chuẩn về xi măng và phụ gia xi măng, 24 tiêu chuẩn về cát sỏi, 42 tiêu chuẩn về gạch ngói, 57 tiêu chuẩn về bêtông vữa, 23 tiêu chuẩn về gỗ và gỗ xẻ, 8 tiêu chuẩn về bột màu và vecni, 4 tiêu chuẩn về gốm sứ vệ sinh, 26 tiêu chuẩn về kim loại. Đồng thời có 25 tiêu chuẩn về thuỷ tinh và kính trong xây dựng, 4 tiêu chuẩn về vật liệu lợp, 17 tiêu chuẩn về vật liệu chịu lửa.
Các tiêu chuẩn về VLXD đã bao trùm lên hầu hết các chủng loại VLXD. Tuy nhiên, để quy hoạch và hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn về VLXD theo hướng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và thân thiện với môi trường hiện vẫn chưa được nghiên cứu và đặt ra đúng với vai trò của nó trong xây dựng. Trong khi đó kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy, nếu quản lý tốt khâu thiết kế xây dựng công trình theo hướng sử dụng năng lượng có hiệu quả sẽ tiết kiệm được 20 - 30% năng lượng tiêu thụ trong khu vực này.
Theo Báo Xây dựng