Trong ấn bản Triển vọng Năng lượng Thế giới năm 2012 của mình, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết trọng tâm kịch bản về chính sách mới chỉ ra rằng: “những xu hướng còn tồn tại bao gồm: nhu cầu năng lượng và lượng khí thải CO2 ngày một tăng cao hơn; các nền kinh tế mới nổi ngày càng quyết định động lực thay đổi của thị trường năng lượng; nhiên liệu hóa thạch vẫn là những nguồn năng lượng chiếm ưu thế; và việc cung cấp năng lượng cho các nước nghèo trên thế giới vẫn tiếp tục là những mục tiêu khó đạt được".
IEA dự đoán nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng từ khoảng 12.380 triệu tấn dầu tương đương trong năm 2010 tới khoảng 16.730 triệu tấn dầu tương đương vào năm 2035. Riêng Trung Quốc góp phần lớn nhất trong lượng gia tăng trên,với nhu cầu tăng tới 60% vào năm 2035, tiếp theo là Ấn Độ và Trung Đông. Nhu cầu năng lượng của các nước trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế - OECD năm 2035 dự kiến sẽ chỉ cao hơn 3% so với năm 2010. Nhu cầu về dầu, khí đốt và than đá có xu hướng gia tăng đến 2035, nhưng phần đóng góp của những nguồn năng lượng này trong cơ cấu năng lượng toàn cầu sẽ giảm từ 81% xuống 75% trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2035.
IEA dự báo nhu cầu điện năng toàn cầu tăng trên 70% vào năm 2035 đạt mức khoảng 36.637 TWh - hơn một nửa của sự gia tăng này sẽ là thuộc về Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng than "vẫn là nguồn cung cấp điện năng chính trên toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia ngoài OECD, nhưng đóng góp của than sẽ giảm dần từ hai phần năm xuống còn một phần ba".
IEA cũng cho thấy “năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn phát điện lớn thứ hai trên thế giới vào năm 2015 và than đá không còn đóng vai trò là nguồn năng lượng chính vào năm 2035”. Phần đóng góp của năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 20% năm 2010 đến 31% vào năm 2035. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh này còn phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ liên tục từ chính phủ các nước.
Phát triển không bền vững
Theo IEA, lượng khí thải CO2 liên quan đến sản xuất năng lượng ước tính sẽ tăng từ 31,2 giga tấn (năm 2011) lên 37,0 giga tấn vào năm 2035, cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu về lâu dài sẽ tăng khoảng 3,6°C.
IEA tuyên bố “xét chung tất cả các sự phát triển và chính sách mới, thế giới vẫn đang thất bại trong việc đưa hệ thống năng lượng toàn cầu vào một con đường phát triển bền vững hơn. Điều này được thể hiện bằng sự gia tăng ngân sách trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch lên tới 30%, khoảng 523 tỷ USD trong năm 2011. Nhà kinh tế học hàng đầu của IEA, ông Fatih Birol cho rằng “thế giới đang đi sai hướng và bị trượt ra khỏi các chính sách kiểm soát về biến đổi khí hậu".
Kim Anh theo WNN