Friday, 15/11/2024 | 08:19 GMT+7

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hướng đến phát triển bền vững

16/09/2013

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế và nhiều chuyên gia, đến năm 2050, nhu cầu về năng lượng ở nước ta sẽ tăng lên 15 lần và chất thải cacbon phát ra do tiêu dùng năng lượng sẽ tăng 26 lần so với năm 2000.

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế và nhiều chuyên gia, đến năm 2050, nhu cầu về năng lượng ở nước ta sẽ tăng lên 15 lần và chất thải cacbon phát ra do tiêu dùng năng lượng sẽ tăng 26 lần so với năm 2000. Bởi vậy, nếu không kịp thời có những chính sách phát triển năng lượng bền vững, thì Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng và chuyển thành nước nhập khẩu năng lượng trong tương lai.

Những vấn đề đặt ra theo dự báo

Nguy cơ thiếu hụt năng lượng

Theo số liệu thống kê năm 2012 của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có khoảng 756 đô thị các loại; con số này được dự báo sẽ tăng lên 1,5 lần trong giai đoạn 2015 - 2020. Đến năm 2025, dân cư đô thị được dự báo sẽ đạt xấp xỉ 52 triệu người, chiếm khoảng 50% tổng dân số cả nước. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu xây dựng hạ tầng đô thị, đặc biệt là nhà ở tăng cao; kéo theo đó là nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng lớn hơn. Cùng với đó, ô nhiễm môi trường cũng ngày càng trầm trọng hơn.

Với việc phát triển thiếu quy hoạch như hiện nay, tới năm 2025, Việt Nam được dự báo sẽ thiếu hụt tới 70% tổng năng lượng tiêu dùng cần thiết, kéo theo đó là nhu cầu nhập khẩu tăng cao và giá cả năng lượng sẽ biến động rất phức tạp.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cũng đưa ra một dự báo về nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong tương lai. Dự báo đến 2025, Việt Nam về cơ bản sẽ cạn kiệt tài nguyên dầu khí. Năng lượng không tái tạo được đang ngày càng cạn kiệt, nước ta từ vị trí xuất khẩu than ròng đã phải nhập khẩu để phục vụ nhu cầu năng lượng trong nước. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ nhiều năng lượng sẽ làm gia tăng lượng phát thải ra môi trường, gây hiệu ứng nhà kính.

Trong khi hệ thống điện vẫn phát triển chậm và tiềm ẩn khả năng không đảm bảo an toàn cung cấp điện. Hiện nay, tình trạng thiếu điện đã và đang xảy ra, gây thiệt hại cho sản xuất và khó khăn trong đời sống của người dân. Hệ thống điện tuy đã phủ khắp toàn quốc nhưng do nhu cầu tăng nhanh, trong khi tiến độ thực hiện quy hoạch chậm, nên hệ thống điện vẫn tiềm ẩn khả năng không đảm bảo an toàn cung cấp điện. Trong khi đó, việc xây dựng một nhà máy điện phải mất từ 4-6 năm. Vì thế, mục tiêu 10 năm tới phải phát triển thêm gần 50.000 MW điện không phải là việc dễ thực hiện.

Sử dụng còn lãng phí và thiếu hiệu quả

Bên cạnh việc thiếu hụt năng lượng lớn, Việt Nam cũng đang đối mặt với một thực trạng còn đáng lo ngại hơn, đó là sử dụng năng lượng lãng phí và thiếu hiệu quả.

Theo tính toán của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2007, thì Việt Nam phải mất đến 0,463 kg dầu để làm ra 1 USD, số liệu này cao hơn các nước khác khoảng 30-40%. Nếu tăng trưởng GDP ở mức 8-9% thì tăng trưởng về điện của nước ta thường phải gấp đôi, vào khoảng 16-18%, trong khi với các nước khác, tỷ lệ này chỉ là 1:1. Như vậy, nếu GDP càng tăng, thì tiêu tốn năng lượng của chúng ta càng lớn.

Đối với việc sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng - Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), đa số các ngành công nghiệp của nước ta là những ngành thuộc loại tiêu tốn nhiều năng lượng. Cường độ năng lượng trong công nghiệp của Việt Nam cao hơn Thái Lan và Malaysia khoảng 1,5-1,7 lần, có nghĩa là để làm ra cùng một giá trị sản phẩm như nhau, Việt Nam phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5-1,7 lần so với các nước nói trên (Ngọc Loan, 2013).

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều đã đạt hiệu quả nhất định từ các giải pháp tiết kiệm năng lượng đơn giản, như: cải tạo hệ thống chiếu sáng, giao chỉ tiêu sử dụng điện, lắp biến tần cho thiết bị...  Hơn nữa, tiêu thụ năng lượng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. Chính vì vậy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành này tương đối lớn, theo tính toán của Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng - Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), thì tiềm năng tiết kiệm bình quân trong ngành công nghiệp đến hơn 20%. Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm các ngành công nghiệp chính của nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Ví dụ, để sản xuất 1 tấn thép từ nguyên liệu quặng, các nhà máy thép của nước ta cần 11,32 đến 13,02 triệu Kcal, trong khi mức tiên tiến của thế giới chỉ cần 4 triệu Kcal; luyện thép từ thép phế liệu nước ta cần 2,82 triệu Kcal, thế giới cần 2 triệu Kcal.

Theo khảo sát của Bộ Xây dựng năm 2011, đối với tòa nhà là trụ sở cơ quan hành chính: thiết bị sử dụng nhiều năng lượng là điều hòa không khí trên 70%, đèn chiếu sáng chiếm 10%, thang máy và máy bơm nước gần 20%. Đối với tòa nhà là trung tâm thương mại, siêu thị: thiết bị sử dụng nhiều năng lượng là điều hòa không khí khoảng 75%, thiết bị chiếu sáng là 10%, các thiết bị khác chiếm 15%. Trên thực tế, nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc, sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng; lắp đặt và vận hành các trang thiết bị có hiệu suất năng lượng cao; có cán bộ quản lý năng lượng đủ trình độ; tận dụng không gian và ánh sáng tự nhiên…, thì có thể tiết kiệm từ 30-40% năng lượng tiêu thụ. Đối với các công trình đang hoạt động, hoặc sắp cải tạo, nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, thì có thể tiết kiệm được từ 15-25%.

Nguyên nhân do đâu?

Thực trạng sử dụng năng lượng còn nhiều bất cập như vậy là do:

Tuy Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011 là văn bản luật có tính pháp lý cao, nhưng nhìn chung, hệ thống các văn bản chính sách về tiết kiệm năng lượng còn chưa đồng bộ. Các văn bản pháp luật cũng còn thiếu một số quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn hướng dẫn kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng nói chung và các công trình xây dựng nói riêng. Cụ thể, như: quy định về việc sử dụng hệ thống điều hòa không khí, lớp vỏ công trình có thiết kế và vật liệu không đảm bảo yêu cầu tiết kiệm năng lượng…

Ý thức về tiết kiệm năng lượng của người sử dụng còn hạn chế, nhưng chưa có chế tài xử lý các hành vi vi phạm về sử dụng lãng phí năng lượng.

Việc định giá năng lượng còn nhiều bất cập (còn bù lỗ, bù chéo lớn giữa các nhóm khách hàng…), gây bất lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh và không phù hợp với xu hướng chính sách giá năng lượng của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp còn lạc hậu, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, hiệu suất còn thấp và gây ô nhiễm môi trường. Sâu xa của vấn đề này là do ý thức về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của doanh nghiệp còn chưa tốt, vì thế, đầu tư cho phát triển năng lượng còn thấp. Hơn nữa, trong quá trình tiếp cận với các giải pháp tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn, trong đó rào cản lớn nhất là vấn đề tài chính. Thêm vào đó, đang hoạt động ổn định mà phải thay đổi thói quen, quy trình, đổi ca, đổi giờ làm việc, rất dễ ảnh hưởng đến sản xuất. Không ít doanh nghiệp còn e ngại, khi ứng dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng sẽ phải "khai báo" với đơn vị kiểm toán năng lượng về quy trình sản xuất, thông tin kỹ thuật công nghệ, lượng và chất nhiên liệu...

Số doanh nghiệp có cán bộ chuyên trách về quản lý năng lượng hoặc có kinh nghiệm về quản lý năng lượng còn ít. Hơn nữa, năng lực, trình độ của các cán bộ phụ trách về lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được việc xây dựng một chiến lược tiết kiệm năng lượng bài bản cho doanh nghiệp.

abbd74a27_download_23.jpg

Hướng tới giải pháp hiệu quả và bền vững

Từ thực trạng ngành năng lượng của Việt Nam như trên, cần phải có một kế hoạch phát triển dài hạn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn năng lượng quốc gia. Theo nghiên cứu của chúng tôi, cụ thể, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

Về phía Nhà nước:

Thứ nhất, cần coi an ninh năng lượng là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong chính sách thương mại và chính sách đối ngoại của Nhà nước. Mở rộng đầu tư và trao đổi hàng hoá, dịch vụ liên quan đến năng lượng. Có chính sách ưu đãi về tài chính và mở rộng hợp tác quốc tế để tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò nhằm nâng cao trữ lượng và khả năng khai thác than, dầu, khí đốt, năng lượng mới và tái tạo. Đảm bảo trữ lượng về nhiên liệu hoá thạch trong nước (than, dầu và khí đốt) trên quan điểm tối ưu hoá sử dụng và kéo dài độ sẵn sàng trữ lượng năng lượng.

Thứ hai, cần coi trọng vai trò của quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và quy hoạch xây dựng đô thị trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, cần xây dựng một quy hoạch chung nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bởi hiện nay, tuy Việt Nam đã có 7 quy hoạch ngành điện, 5 quy hoạch ngành than, 3 quy hoạch ngành dầu khí, 1 dự thảo Quy hoạch phát triển năng lượng mới và tái tạo và Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2007; nhưng các quy hoạch này lại xây dựng độc lập, sự liên kết, cân đối chung về nhu cầu và khả năng đáp ứng nguồn cung năng lượng giữa các ngành còn yếu. Bên cạnh đó, hệ thống đô thị phải được phát triển và phân bố hợp lý trên địa bàn cả nước, tạo ra sự phát triển cân đối giữa các vùng lãnh thổ và phải đảm bảo phát triển bền vững. 

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo, như: mặt trời, gió, thủy điện, sinh học, đại dương… Việt Nam với lợi thế là một trong những nước nằm trong dãi phân bổ ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ của thế giới, với bờ biển dài hơn 3.000 km và  lượng  gió  tại  nhiều  vùng  miền  rất  dồi  dào, chúng ta cần nghiên cứu, tiếp  cận những công nghệ mới hơn, hiện đại hơn để loại bỏ được những nhược điểm của nguồn năng lượng tái tạo và đưa chúng trở thành nguồn cung cấp năng lượng chính trong tương lai.

Thứ tư, vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay đó là việc huy động vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng tiết kiệm năng lượng. Vì vậy, Bộ Công Thương cần phối hợp với các sở, ban, ngành, các trung tâm tiết kiệm năng lượng tạo cơ chế nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn khi thực hiện các hoạt động tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp giảm thiểu tối đa chi phí năng lượng trong bối cảnh sản xuất khó khăn và chi phí năng lượng đang tăng cao.

Thứ năm, ngoài việc tuyên truyền rộng rãi, tăng cường tư vấn để người dân và doanh nghiệp có ý thức và nắm vững các giải pháp tiết kiệm năng lượng, Chính phủ phải có chế tài xử lý nghiêm minh, kiểm tra, giám sát tiêu thụ điện ở các doanh nghiệp. Có chính sách giá bán điện hợp lý theo giờ cao điểm, thấp điểm; giá điện theo mùa và theo nhóm đối tượng sử dụng.

Thứ sáu, từng bước loại bỏ rào cản về thể chế, cơ chế tài chính cho đầu tư năng lượng mới và tái tạo, khai thác hiệu quả nguồn thu từ cơ chế phát triển sạch. Đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng chính sách, giải pháp thích hợp cho chương trình sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ bảy, áp dụng các biện pháp khuyến khích và bắt buộc đổi mới công nghệ, thiết bị của các ngành sử dụng nhiều điện như thép, xi măng, hóa chất...; cấm nhập khẩu các thiết bị, máy móc, dây chuyền, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện năng…

Về phía doanh nghiệp:

Cần thay đổi nhận thức về vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Coi tiết kiệm năng lượng là một hoạt động đem lại lợi nhuận không nhỏ trong bài toán thu-chi và tiết kiệm năng lượng là tiết kiệm tiền cho chính doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, trên địa bàn Hà Nội có 5.310 doanh nghiệp lớn, nhỏ, tỷ lệ năng lượng tiêu thụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn chiếm 70% tổng năng lượng tiêu thụ của toàn Thành phố. Nếu chỉ cần 30% doanh nghiệp ứng dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, thì lượng điện nói riêng và năng lượng nói chung của Hà Nội tiết kiệm được rất lớn.

Cần xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với trình độ công nghệ và cần có chiến lược dài hạn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phù hợp với từng đơn vị.

Chú trọng đầu tư các thiết bị mới, hiện đại; đảm bảo tối ưu hóa quy trình công nghệ sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến mà các nước trên thế giới đã áp dụng thành công. Theo đó, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế; sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng; lắp đặt và vận hành các trang thiết bị có hiệu suất năng lượng cao. Thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng máy móc để tăng tuổi thọ, giảm tiêu hao năng lượng cho động cơ…

Mỗi doanh nghiệp cần có cán bộ chuyên môn phụ trách về quản lý năng lượng. Đồng thời, tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ này.

Về phía người dân: Việc sử dụng tiết kiệm năng lượng là cách vừa tiết kiệm vì lợi ích cho cá nhân, cho gia đình, cho con cháu mai sau, vừa làm giảm những nguy gây hại cho môi trường. Vì vậy, mỗi cá nhân ngoài việc tiết kiệm những nguồn năng lượng mà mình đang sử dụng, thì cần chung tay góp sức cùng cộng đồng, doanh nghiệp ủng hộ, tham gia các hoạt động tiết kiệm năng lượng, như: hưởng ứng Giờ Trái đất, thi đua “Gia đình tiết kiệm điện”…

                                                Hoàng Minh Lâm 
(Phó Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội)