Theo dự kiến, tháng 1/2014 là thời điểm khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, việc chuẩn bị khởi công nhà máy điện hạt nhân chưa hoàn tất.
Phối cảnh nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.
Bởi vậy, nhà máy điện hạt nhân sẽ không thể khởi công xây dựng đúng như dự kiến mà phải chậm lại khoảng 2 - 3 năm.
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân với phóng viên báo chí đầu năm mới 2014.
Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vừa có chuyến thị sát địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Xin Bộ trưởng cho biết, phía IAEA đánh giá như thế nào về địa điểm do Việt Nam lựa chọn, bởi trước đó các chuyên gia Nga cho rằng, Ninh Thuận chưa phải địa điểm tối ưu?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Rất khó đánh giá thế nào là tối ưu. Nhiều khi tối ưu về mặt kĩ thuật lại chưa chắc tối ưu về mặt xã hội. Ở đâu dân đông quá, giải phóng mặt bằng nhiều quá thì rất khó. Ninh Thuận được coi là địa điểm chấp nhận được, chứ chưa phải tối ưu. Tổng Giám đốc IAEA cũng cho rằng, địa điểm trên, về cơ bản đáp ứng được những tiêu chí do Việt Nam đặt ra cũng như được cộng đồng quốc tế chấp thuận. Tuy nhiên, IAEA còn băn khoăn về địa điểm ở nhà máy số 2 của Nhật Bản, bởi khảo sát địa chất cho thấy có khả năng có đứt gãy. Phía Nhật Bản đang tiếp tục khảo sát, thăm dò. Nếu có dấu hiệu đứt gãy thì cần phải tăng cường các yếu tố an toàn, như thế đầu tư phải lớn hơn. Việt Nam mới bắt đầu thẩm định báo cáo đầu tư của Nga, Nhật Bản. Khi có kết quả chính thức mới kết luận lựa chọn địa điểm nào.
PV: Phía Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) cho rằng, ước tính, tổng kinh phí cho dự án vào khoảng hơn 10 tỉ USD, nghĩa là chiếm khoảng 10% GDP của Việt Nam. Phía Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Phải đến năm 2025, tổ máy điện hạt nhân đầu tiên mới đi vào hoạt động. Cả Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 đều được Nga và Nhật cho vay. Tuy nhiên, Nhật không cho phép dùng ODA làm điện hạt nhân. Do vậy, Việt Nam phải vay bằng tín dụng, mức độ ưu đãi không được như ODA. Giá thành trên vẫn chỉ là tính toán của Nga, Nhật Bản. Khi thẩm định xong báo cáo đầu tư, đi vào thiết kế kĩ thuật, khi đó mới đàm phán về giá để có con số cuối cùng. Việt Nam muốn các nhà máy phải ở mức an toàn cao nhất, như thế, chi phí đầu tư sẽ tốn kém hơn.
PV: Ninh Thuận 1 dự kiến sử dụng công nghệ lò phản ứng thế hệ thứ 3. Tuy nhiên, các chuyên gia của Rosatom cho rằng, các nhà máy mới xây dựng ở Nga đều sử dụng công nghệ lò phản ứng thế hệ 3+. Như vậy, công nghệ của nhà máy Ninh Thuận cũng chưa phải là tối ưu nhất, có đúng không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Hiện nay, phía Việt Nam vẫn chưa lựa chọn công nghệ. Các đối tác Nga, Nhật đều giới thiệu rất nhiều công nghệ. Trên cơ sở yếu tố địa chất, điều kiện cụ thể, phía Việt Nam sẽ cân nhắc lựa chọn công nghệ phù hợp.
PV: Như vậy, Ninh Thuận 1 sẽ không thể khởi công xây dựng vào đầu năm 2014 như dự kiến, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chắc phải lùi lại khoảng 2 - 3 năm. Năm 2014, phía Việt Nam mới hoàn thành việc thẩm định báo cáo đầu tư, sau đó mới lựa chọn công nghệ, đàm phán tài chính. Năm 2015, sẽ mời thầu thiết kế. Đơn vị nào trúng thầu cũng phải mất 1 năm mới hoàn thành thiết kế. Khi duyệt thiết kế mới bước vào giai đoạn đấu thầu vật tư, lựa chọn nhà thầu thi công. Nhanh nhất cũng phải năm 2025, tổ máy đầu tiên mới đi vào hoạt động.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Báo ĐT Đảng Cộng sản