Monday, 09/09/2024 | 06:42 GMT+7
Mất tiền tỷ vì các thiết bị điện
Theo số liệu kiểm toán năng lượng của nhiều bệnh viện (BV) do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM thực hiện thời gian qua, tỷ lệ điện năng tiêu thụ cho máy điều hòa không khí chiếm đến 38% tổng điện năng tiêu thụ toàn bệnh viện.
Đơn cử như BV Nhân dân 115 là bệnh viện đa khoa hạng nhất trực thuộc Sở Y tế TPHCM có quy mô 2.000 cán bộ, nhân viên và 1.600 giường bệnh. Tuy nhiên, trong tình hình quá tải chung của các BV lớn trên địa bàn thành phố, trong các năm gần đây mỗi ngày BV tiếp đón và điều trị trung bình 2.000 bệnh nhân ngoại trú, 1.800 - 1.900 bệnh nhân nội trú.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chất lượng dịch vụ điều trị, BV đã cố gắng đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, đặc biệt là trang bị máy điều hòa không khí cho toàn bộ các khu vực khám và điều trị. Trong giai đoạn từ 2002 đến 2010, số lượng máy điều hòa không khí hiện có 394 máy cục bộ, 2 hệ thống điều hòa trung tâm (kiểu water chiller) dùng cho phòng mổ và một hệ thống điều hòa trung tâm (kiểu VRV) dùng cho khu khám bệnh.
Cùng với việc đầu tư này, chi phí năng lượng của BV cũng tăng lên. Theo số liệu tiêu thụ điện của BV năm 2013 vừa qua, bệnh viện thuộc danh sách các cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm, đạt gần 9 triệu kWh điện với chi phí gần 12 tỷ đồng tiền điện.
Tương tự, BV Việt Đức (Hà Nội), BV Chợ Rẫy, BV Phạm Ngọc Thạch..., tình trạng sử dụng thiết bị điện cũ nhưng chậm thay mới hoặc thiết kế bố trí vị trí sử dụng thiết bị điện chưa hợp lý, khiến cho các đơn vị này tiêu thụ trung bình từ 3 triệu kWh đến hơn 10 triệu kWh mỗi năm. Đâu là nguyên nhân khiến cho nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng cao, đe dọa vấn đề an ninh năng lượng của thành phố, nhất là vào cao điểm mùa khô - mùa thiếu điện?
Hướng tới mô hình bệnh viện xanh
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, cho biết hầu hết các máy điều hòa không khí hiện có ở một số bệnh viện là máy thế hệ cũ, không có sử dụng công nghệ tiết kiệm điện. Tình trạng máy cũ với tuổi thọ trung bình trên 6 năm.
Ngoài ra, công suất lạnh của các máy điều hòa không khí hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu cần điều hòa không khí của các phòng bệnh khiến các bệnh nhân phải vừa bật máy vừa mở cửa sổ. Điều này gây tổn hao năng lượng rất lớn cho hệ thống điều hòa không khí của BV. Đồng thời không giúp cung cấp nguồn không khí trong lành cho bệnh nhân. Do vậy, việc đầu tư đổi mới công nghệ cho hệ thống điều hòa không khí hiện hữu tại các BV được xem là giải pháp cần thiết để giúp tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, tiết kiệm chi phí sử dụng điện và góp phần cải thiện môi trường không khí xanh sạch trong bệnh viện.
Đồng thuận với quan điểm này, ông Ichirou Tsubota, Vụ trưởng Vụ Công nghệ tiết kiệm năng lượng Nhật Bản, cũng cho biết, khảo sát sơ bộ hiện trạng sử dụng điều hòa tại một số bệnh viện TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung cho thấy đang rất bất cập.
Nhiều thiết bị tại các Bệnh viện đã lạc hậu, hiệu suất sử dụng năng lượng không cao
Hầu hết các trang thiết bị lâu đời, lạc hậu, hiệu suất sử dụng năng lượng không cao, kéo theo chất lượng sử dụng lại không đạt yêu cầu. Đó cũng là lý do tại sao người bệnh điều trị nội trú cũng như ngoại trú vừa sử dụng máy lạnh kết hợp sử dụng khí trời, gây tổn hao năng lượng rất lớn cho hệ thống điều hòa không khí của bệnh viện, nguồn không khí trong lành cũng bị hạn chế. Trên thực tế, nếu chỉ cần đổi mới hệ thống điều hòa không khí hiện hữu bằng hệ thống điều hòa mới có trang bị công nghệ tiết kiệm điện, cũng đã giúp các BV tiết kiệm được ít nhất 35% chi phí điện năng sử dụng. Đó là chưa kể còn nhiều trang thiết bị sử dụng điện khác cần được thay thế và bố trí lại cho hợp lý hơn.
Điều đáng nói là quy định về việc các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm phải thực hiện báo cáo tình hình sử dụng năng lượng định kỳ; đồng thời, phải có phương án giảm thiểu sử dụng năng lượng từng năm đã được ban hành. Thế nhưng, cho đến nay quy định này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.
Hậu quả là cùng với nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng cao, hàng loạt con sông đã bị chặn dòng để xây dựng nhà máy thủy điện để đáp ứng nhu cầu cung ứng năng lượng cho các đô thị đã khiến cho chất lượng môi trường đang bị biến đổi nghiêm trọng. Hàng loạt hệ lụy môi trường đã xảy ra như biến đổi sinh thái, tổn hại nghiêm trọng đến chất lượng môi trường, gây biến đổi dòng chảy và suy giảm chất lượng nguồn nước ngọt phục vụ hoạt động kinh tế xã hội…
Theo nhiều chuyên gia môi trường, nếu trong thời gian tới, Việt Nam không nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng thì không những chất lượng môi trường bị suy giảm nặng nề mà khả năng cạnh tranh giá thành của sản phẩm nước ta trên thị trường cũng bị yếu thế. Do vậy, ngay từ bây giờ, việc buộc các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm phải tuân thủ quy định về tiết kiệm năng lượng là cần thiết, để đảm bảo sự bền vững cho khả năng cung ứng năng lượng trong tương lai.
Theo SGGP Online