Sunday, 28/04/2024 | 02:27 GMT+7

Chiếu sáng bản làng bằng đèn năng lượng mặt trời

24/01/2024

Không cần người vận hành do đèn tự bật chiếu sáng khi trời tối và tự tắt khi trời sáng; không mất chi phí tiền điện hằng tháng; không phụ thuộc vào điện lưới... Mô hình chiếu sáng bản làng bằng đèn năng lượng mặt trời đang được nhiều địa phương triển khai và nhân rộng, đem lại hiệu quả thiết thực trong phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, khoảng 18 giờ ánh đèn năng lượng mặt trời dọc các tuyến đường của các bản đồng loạt bật sáng, làm cho miền quê “Cổ tích” thêm lung linh, huyền ảo. Là một trong những địa phương làm tốt việc vận động xã hội hóa triển khai mô hình chiếu sáng bằng đèn năng lượng mặt trời ở tất cả các bản. Giờ đây, việc đi lại của nhân dân thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự vào ban đêm được tăng cường, thúc đẩy phát triển du lịch của xã.
Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, chia sẻ: Đầu năm 2023, xã được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tặng 40 đèn năng lượng mặt trời lắp đặt tại khu vực trung tâm xã. Nhận thấy có nhiều ưu điểm, xã đã tổ chức họp dân, đồng thuận đóng góp xã hội hóa, triển khai đồng loạt ở tất cả các bản. Sau 1 năm triển khai, đến nay, xã lắp đặt 918 đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng 18km các tuyến đường chính và nhiều tuyến đường ngõ, xóm ở các bản, tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng hoàn toàn từ nguồn vận động xã hội hóa. Dự kiến, trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, xã lắp đặt thêm 100 đèn năng lượng mặt trời.
Hệ thống đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng tại bản Tông, xã Chiềng Xôm, Thành phố.
Mô hình chiếu sáng bản làng bằng đèn năng lượng mặt trời cũng được xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La triển khai từ giữa năm 2023, đến nay, xã lắp đặt gần 230 đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng gần 6 km đường nội bản, liên bản, ngõ xóm, với tổng mức đầu tư gần 600 triệu đồng do nhân dân, các nhà hảo tâm đóng góp.
Ông Lèo Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Xôm, phấn khởi: Xã đã họp bàn, triển khai ở tất cả các bản, thống nhất về kích thước cột, khoảng cách lắp đặt, đảm bảo tính thẩm mỹ. Sau đó, giao cho Đoàn xã phối hợp các bản thực hiện lắp đặt. Đối với các cột đèn năng lượng mặt trời lắp tại các tuyến đường chính của bản và dọc quốc lộ 279D được lắp thêm giá treo cờ Tổ quốc, tạo mỹ quan sạch đẹp ở địa phương, nhất là dịp lễ, Tết.
Anh Lò Văn Hồng, bản Panh, xã Chiềng Xôm, nói: Bỏ ra số tiền đóng góp 1-2 triệu đồng/hộ để lắp đặt đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng ngõ, xóm, sử dụng được lâu dài mà không cần phải tăng thêm bất cứ khoản chi phí nào nữa, nhân dân rất ủng hộ, thấy rất tiết kiệm. Những ngày nắng to, đèn trữ nhiều năng lượng, đèn sẽ chiếu sáng từ 18 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, lau chùi các tấm pin để hấp thu năng lượng tốt hơn, tăng độ bền và kéo dài tuổi thọ sử dụng.
Đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời sử dụng công nghệ bóng đèn led, đảm bảo độ chiếu sáng với chi phí điện 0 đồng; có tuổi thọ và độ bền cao; tự động điều chỉnh độ sáng và thời gian chiếu sáng từng khu vực và không cần nhân công vận hành; việc lắp đặt hệ thống này cũng không quá phức tạp. Thường thì trong điều kiện trời nắng, cần 5 giờ để các tấm pin mặt trời nạp đầy pin; khi trời âm u, ít nắng, việc tích trữ năng lượng sẽ kéo dài hơn. Khi được sạc đầy, thời gian đèn chiếu sáng đạt 8-12 giờ.
Ngoài huyện Mường La, thành phố Sơn La, mô hình chiếu sáng bản làn bằng đèn năng lượng mặt trời đang được nhân rộng tại các huyện Thuận Châu, Sông Mã, Mai Sơn, Bắc Yên... thay thế hệ thống đèn chiếu sáng bằng điện lưới, nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của nhân dân, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông vào ban đêm cho nhân dân.
Theo: Báo Sơn La


Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện