Friday, 29/03/2024 | 16:40 GMT+7

Đề phòng điện giật từ thiết bị điện gia đình

19/09/2006

Khả năng an toàn của các thiết bị điện gia đình hiện được đặt lên hàng đầu. Các nhà kỹ thuật lưu ý, ba nhóm thiết bị dễ phát sinh nguy cơ gây cháy nổ điện là bàn ủi, bếp điện, lò nướng, lẩu điện; ăng-ten xoay và micro. Theo giới chuyên môn, nhóm đồ điện gia dụng có khả năng gây rò rỉ, cháy nổ điện cao là bàn ủi, bếp điện, lò nướng điện, ấm điện, bình thủy điện và nồi cơm điện.

Nguyên lý hoạt động chung của nhóm thiết bị này là đều sử dụng dây đốt (điện trở) để làm nóng trực tiếp hoặc gián tiếp, nên nguy cơ rò rỉ điện rất cao nếu nhà sản xuất sử dụng nguyên liệu không bảo đảm chất lượng hoặc lắp ráp không đúng kỹ thuật. Dây dẫn sử dụng vỏ bọc bằng nhựa kém chất lượng, không đúng kỹ thuật dễ dẫn đến giòn, nứt hoặc bị chảy. Dây dẫn điện không đạt chuẩn dẫn đến tình trạng quá tải gây nóng, chảy, chạm mạch. Dây đốt sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, lắp ráp không đúng kỹ thuật sẽ chạm vào thành bao, hoặc mâm nhiệt gây chập điện. Ngoài ra, do sử dụng trong môi trường nhiệt cao, các linh kiện dễ bị lão hóa, gỉ sét cũng dẫn đến chập điện.
Các loại bếp điện, lẩu điện, lò nướng, lò vi ba đều được sản xuất bằng kim loại, nếu điện bị rò rỉ sẽ tác động nhanh chóng đến người sử dụng. Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có bán khá nhiều loại bình nấu nước siêu nhanh, chỉ mất khoảng 3 phút nước sẽ sôi. Do loại bình này có công suất lớn đến 2.000W nên nếu ổ cắm, dây dẫn không bảo đảm chất lượng rất dễ gây chập điện.
Đối với các loại ăng-ten xoay, do chủ yếu là hàng trôi nổi có xuất xứ từ Trung Quốc chất lượng sản phẩm phức tạp nên thường không bảo đảm an toàn điện. Nhóm thiết kế ăng-ten VK 994 cho biết, do sử dụng ngoài trời cho nên dây dẫn, mô-tơ dễ bị hư hỏng sau một thời gian ngắn.
Khi lắp đặt, đa số đều sử dụng loại dây dẫn thông thường (sử dụng trong nhà), nên chỉ sau một thời gian do tác động môi trường ngoài trời vỏ bọc nhựa bị lão hóa dẫn đến chạm điện dễ gây cháy nổ. Nguy hiểm hơn, khi điện bị rò rỉ sẽ truyền sang dây ăng-ten, người sử dụng sẽ bị điện giật khi vô tình chạm phải đầu cắm ăng-ten nối vào tivi, nhất là vào mùa mưa.
Nhiều người khi hát karaoke thường hay bị điện giật từ micro. Ông Lê Quang Hải, Trưởng Phòng Kỹ thuật, trung tâm sửa chữa bảo hành hãng điện tử Panasonic Việt Nam, cho biết: Bản thân micro không phải là tác nhân chính dẫn đến tình trạng bị điện giật. Hiện tượng bị điện giật từ micro là do các thiết bị điện khác như ampli, đầu đĩa... bị rò rỉ điện truyền lên micro.
Kỹ sư Tống Kim Ty, Phó Giám đốc Trung tâm Dân Sinh, Công ty Cổ phần thương mại Bến Thành, cho biết cần phải kiểm tra dây dẫn điện thường xuyên, xem có khả năng chịu tải được hay không. Có thể sử dụng bút thử điện để kiểm tra các thiết bị điện xem có bị rò rỉ điện, nếu cần đem thiết bị điện đến thợ điện tử kiểm tra bằng đồng hồ đo điện để khắc phục. Tuyệt đối không nên sử dụng nếu thiết bị có biểu hiện bị rò rỉ điện.
Khi sử dụng không nên trực tiếp tiếp xúc với thiết bị, nồi, bình nấu điện (nên lót tấm cách điện). Khi nấu, nướng xong nên ngắt nguồn điện. Một số biện pháp phòng ngừa khác là sử dụng ổ, phích cắm 3 chấu, hoặc đấu thêm bộ chống rò rỉ điện, bộ phận chống giật ELCB.
(Nguồn: NLĐ)
Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện