Tuesday, 19/11/2024 | 23:40 GMT+7

Tiết kiệm điện cho điều hòa không khí

23/12/2008

Muốn tiết kiệm điện khi dùng máy lạnh (máy điều hòa không khí) thì ta phải làm sao cho có ít nhiệt cần tải từ trong phòng ra ngoài trời và việc tải nhiệt đó thuận lợi nhất (ít tốn công nhất). Dưới đây là một số cách tiết kiệm điện khi dùng máy lạnh. Trong mỗi máy lạnh đều có bốn cái động cơ tiêu thụ điện, trong đó tiêu thụ nhiều điện nhất là động cơ bơm nén. Công dụng của bơm nén là để tải nhiệt từ trong phòng ra ngoài trời.

Nơi gắn máy lạnh

Thường xuyên làm vệ sinh máy lạnh cũng là cách tiết kiệm điện.

 

Khi máy lạnh hoạt động, nó tải nhiệt trong phòng ra ngoài, đồng thời nhiệt bên ngoài cũng truyền vào phòng một cách tự nhiên do bên ngoài nóng hơn trong phòng. Càng ít nhiệt truyền vào phòng thì phòng càng mát và ít hao điện. Muốn vậy thì tường phòng phải cách nhiệt tốt. Nếu mặt tường bên ngoài bị nắng chiếu thì phải che nắng bằng cây xanh hoặc dùng sơn chống nóng, xây tường dày 20 – 30 phân cũng giúp cách nhiệt đáng kể. Một cách cảm nhận thực tế là sờ tay lên mặt tường trong nhà khi trời nắng gắt và không mở máy lạnh mà thấy ấm tay là tường chưa đủ cách nhiệt. Tương tự như tường, trần nhà cũng phải cách nhiệt tốt nếu là phòng sát dưới mái nhà. Mái bê tông thì cần phải làm mái che nắng hoặc trồng cây trên mái bê tông đó. Mái tôn thì nên dùng tôn có lớp xốp cách nhiệt, quét sơn chống nóng, thông gió trên trần cho tốt. Ngoài ra cửa ra vào và cửa sổ cần phải kín để giảm không khí luồn vào phòng. Nếu cửa kính bị nắng chiếu thì nên dán phim chống nóng.

 

Cách lắp đặt máy sẽ ảnh hưởng đến việc tải nhiệt có thuận lợi hay không. Cục lạnh cần được đặt sao cho hơi lạnh dễ dàng thổi đến nơi thường sinh hoạt nhất trong phòng. Độ cao tốt nhất của cục lạnh là khoảng 1,5m, vừa đủ làm mát cho người ngồi hay nằm trong phòng. Gắn máy lạnh quá cao thì phí điện vì nó phải làm mát phần không khí mà người không cần đến. Ngược lại với gắn quá cao, gắn máy lạnh quá thấp thì người trong phòng chỉ thấy lạnh chân mà không mát người. Loại máy lạnh một khối hay rơi vào tình trạng gắn quá thấp hoặc quá cao. Vì nhà phố ở Việt Nam chỉ có thể gắn máy lạnh loại này ở mặt tiền, mà mặt tiền thì vốn đã có cửa sổ và cửa đi chiếm gần hết nên chỉ có thể gắn máy lạnh thấp hơn hoặc cao hơn cửa sổ. Về mặt độ cao thì loại máy lạnh tủ đứng là hợp lý nhất. Ở bên ngoài nhà thì cục nóng của máy lạnh cần được lắp ở nơi thoáng và không bị nắng chiếu để việc thoát nhiệt được thuận lợi.

 

Sử dụng thế nào?

 

Khi chọn mua máy cũng cần phải tính đến công suất thích hợp với kích thước phòng. Đối với công trình nhà ở có phòng cách nhiệt tốt như trên thì có thể dùng cách tính thô là mỗi 30m² phòng sẽ cần công suất máy lạnh cỡ 9.000BTU/h. Mua máy lạnh thừa công suất so với phòng sẽ hao tiền máy hơn cần thiết và còn bị bất tiện khi dùng vì nhiệt độ trong phòng thay đổi quá nhanh giữa khi máy chạy và máy ngừng (dùng máy lạnh inverter thì không gặp sự bất tiện này). Hiện nay, trên thị trường Việt Nam chỉ có bán máy từ 9.000BTU/h trở lên, nên sẽ không tránh khỏi việc thừa công suất khi gắn máy trong các phòng nhỏ.

 

 

Chế độ sử dụng máy là yếu tố thứ ba ảnh hưởng đến việc tiết kiệm điện. Điều cần chú ý nhất là chọn nhiệt độ cho máy làm việc, chỉ nên chọn nhiệt độ từ 25°C trở lên, khi cần mát nhanh thì chỉnh tốc độ quạt đối lưu chứ không nên chỉnh nhiệt độ xuống thấp. Người quen ở vùng nhiệt đới sẽ hoàn toàn cảm thấy dễ chịu trong nhiệt độ khoảng 25 – 27°C, đặt máy lạnh dưới 25°C là phí điện và thậm chí có thể gây bệnh.

 

Để làm thoáng trong phòng thì nên gắn một quạt hút gió ở nơi nóng nhất trong phòng. Quạt hút không khí trong phòng và đẩy ra ngoài; không khí ngoài trời sẽ tự tìm lối vào phòng qua các khe cửa. Cần chọn cỡ quạt hút vừa đủ để làm thoáng phòng, quạt lớn quá cũng sẽ gây hao điện do có quá nhiều không khí nóng vào phòng. Nếu không chọn được quạt hút đủ nhỏ thì có thể cho quạt chạy cầm chừng (vừa chạy vừa nghỉ); hoặc không gắn quạt hút mà thỉnh thoảng mở cửa một lúc cho thoáng rồi đóng lại. Không nên vừa mở máy lạnh cho mát, vừa mở cửa sổ cho thoáng, vì mở cửa sổ ra thì lượng nhiệt truyền vào phòng rất lớn, máy lạnh phải tốn rất nhiều điện để bơm lượng nhiệt đó trở ra ngoài.

 

Những máy lạnh kiểu cửa sổ (máy lạnh một khối, gắn xuyên tường, phần lạnh trong phòng, phần nóng ngoài phòng) có sẵn chức năng thông gió, không cần gắn quạt hút trong phòng. Trên máy lạnh đó có một cần gạt để đóng mở một lỗ thông gió nhỏ chừng 25 – 30cm². Khi mở lỗ ra, một phần không khí trong phòng sẽ bị đẩy ra ngoài qua lỗ đó.

 

Việc cuối cùng để tiết kiệm điện cho máy lạnh là làm vệ sinh máy. Máy không được làm vệ sinh đúng mức sẽ có bụi bám trên lưới lọc ở giàn lạnh, bám trên lá kim loại giàn lạnh và giàn nóng. Những lớp bụi đó sẽ cản trở sự trao đổi nhiệt giữa không khí và giàn lạnh, giàn nóng làm cho việc tải nhiệt không được thuận lợi.

 

(Theo: SGTT)