Wednesday, 13/11/2024 | 03:23 GMT+7
Nhiều năm qua giới khoa học khẳng định tảo - loài thực vật mỏng manh nhưng lớn nhanh và có hàm lượng chất béo cao - có thể trở thành nguồn cung cấp năng lượng tái sinh vô tận. Tảo được giới chuyên gia môi trường đánh giá cao vì hấp thụ rất nhiều CO2 - một sản phẩm phụ của quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch.
Trên thực tế mỗi cá thể tảo là một nhà máy sinh học nhỏ xíu sử dụng quá trình quang hợp để chuyển hóa CO2 và ánh sáng mặt trời thành năng lượng. Hoạt động chuyển đổi của tảo hiệu quả và mạnh mẽ đến nỗi trọng lượng của chúng có thể tăng nhiều lần trong một ngày. Trong quá trình quang hợp tảo còn tiết ra dầu thực vật.
Bên cạnh đó tảo có thể sinh trưởng tốt ở những nơi các loại cây lương thực không thể sống. Chúng ưa những ao, đầm lầy nhiều muỗi và thậm chí cả những bể chứa nước thải công nghiệp.
Mark White, giáo sư tài chính tại Đại học Virginia, khẳng định nếu việc sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo trở nên phổ biến, chi phí xử lý và chôn lấp CO2 sẽ giảm đáng kể. Thậm chí chất thải rắn có thể trở thành mặt hàng mua bán vì người ta có thể dùng chúng nuôi tảo.
Ngoài ra, do tảo có khả năng tách nitơ ra khỏi không khí và nước nên các phòng thí nghiệm có thể tạo ra nitơ nguyên chất với chi phí cực rẻ.
Nhiều trường đại học và công ty trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, đang tìm cách sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo trên quy mô lớn, sau đó bơm nhiên liệu này vào xe hơi, xe tải, máy bay và các phương tiện cơ giới khác.
"Chúng ta có thể trồng tảo trong những buồng kín rồi dẫn khí thải của nhà máy vào đó. Biện pháp này sẽ góp phần giảm hiệu ứng nhà kính", George Philippidis, giám đốc nghiên cứu ứng dụng của Đại học Quốc tế Florida (Mỹ), nói.
Nhiều công ty lại đi theo hướng khác trong nỗ lực sản xuất nhiên liệu từ tảo. Họ nghiên cứu cách "vỗ béo" cá bằng tảo, sau đó chế biến mỡ cá thành dầu sinh học.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng tảo không thể thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch. Thậm chí một số người còn tỏ ra nghi ngờ về khả năng sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo. Ngay cả giám đốc Philippidis của Viện Nghiên cứu Midwest cũng thừa nhận loài người sẽ còn phải phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong khoảng thời gian rất dài. Tuy nhiên, ông nhìn thấy triển vọng sáng sủa trong tương lai, đặc biệt khi nhiều công ty lớn tham gia nghiên cứu tảo.
(Nguồn: Tuổi Trẻ)