Wednesday, 23/07/2025 | 20:58 GMT+7

Tác động của tiêu thụ năng lượng đến phúc lợi con người tại Việt Nam

23/07/2025

Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ năng lượng tác động tiêu cực đến phúc lợi con người trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, tác động này đã trở nên tích cực. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa cũng ảnh hưởng tích cực đến phúc lợi con người.

Tóm tắt
Nghiên cứu này nhằm xem xét tác động của của tiêu thụ năng lượng đến phúc lợi con người tại Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020. Sử dụng phân phối trễ tự hồi quy kết hợp với phương pháp kiểm định đường bao, nghiên cứu kiểm định mối quan hệ dài hạn giữa các biến số với phúc lợi con người trong mô hình. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng dùng mô hình hiệu chỉnh sai số theo cách tiếp cận phân phối trễ tự hồi quy để ước lượng tác động ngắn hạn. Kết quả cho thấy, tiêu thụ năng lượng tác động tiêu cực đến phúc lợi con người trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, tác động này đã trở nên tích cực. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa cũng ảnh hưởng tích cực đến phúc lợi con người. Từ các phát hiện này, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp để nâng cao phúc lợi cho người dân Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: Phúc lợi con người, tiêu thụ năng lượng, mô hình độ trễ phân phối tự hồi quy, mô hình hiệu chỉnh sai số
Summary
The objective of this study is to examine the impact of energy consumption on human well-being in Vietnam during the period 1990-2020. Using Autoregressive distributed lag (ARDL) combined with Bound test method, the study tested the long-run relationship between variables and human well-being in the model. In addition, the study uses an error correction model based on the ARDL approach to estimate short-term impacts. The study found that energy consumption negatively impacts human well-being in the short term. But in the long term, this impact has become positive. In addition, the positive influence of urbanization on human well-being is also found through this study. From the research findings, the article proposes some solutions to improve the well-being of Vietnameses in the coming time.
Keywords: Human welfare, energy consumption, Autoregressive distributed lag model, error correction model
GIỚI THIỆU
Nâng cao phúc lợi con người là một trong những mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đặt ra vào năm 2015 và quyết tâm đạt được vào năm 2030. Các nhà kinh tế sử dụng “sự hài lòng về cuộc sống” để mô tả thuật ngữ phúc lợi con người (Collard, 2003). Bên cạnh đó, các thuật ngữ như chất lượng cuộc sống, mức sống, phúc lợi, tiện ích, sự hài lòng về cuộc sống, nhu cầu được đáp ứng, nghèo đói và hạnh phúc có thể được sử dụng thay thế cho nhau khi đề cập đến phúc lợi con người (Schaafsma, 2020). Ngoài ra, Anh Tuan Bui và cộng sự (2019) cho rằng, một loạt các chỉ số bao gồm thu nhập, chi tiêu, nghèo đói, việc làm và di cư là những đặc điểm được dùng để mô tả phúc lợi con người.
Trong khi đó, tiêu thụ năng lượng là một trong những yếu tố đầu vào không thể thiếu và có mối liên hệ chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế của các quốc gia hiện nay. Karekezi và cộng sự (2012) chỉ ra rằng, tiêu thụ năng lượng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện phúc lợi của con người. Tuy nhiên, nghiên cứu về mối liên hệ giữa tiêu thụ năng lượng với phúc lợi của con người gần như chưa được thực hiện ở Việt Nam.
Do vậy, nghiên cứu này là một nỗ lực nhằm lấp đầy khoảng trống đang tồn tại. Để kết quả ước lượng đạt độ tin cậy cao về xem xét tác động ngắn hạn và dài hạn của hành vi tiêu thụ năng lượng đối với phúc lợi của con người, nghiên cứu sử dụng mô hình độ trễ phân phối tự hồi quy (ARDL) của Pesaran và cộng sự (2001). Bên cạnh đó, để giảm các vấn đề về sai lệch biến bị bỏ sót trong ước tính kinh tế lượng, nghiên cứu mở rộng thêm khuôn khổ đa biến đã đề cập ở trên bằng cách đưa tác động của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, giáo dục và đô thị hóa vào mối liên hệ.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
Lý thuyết về tháp nhu cầu của Maslow là một lý thuyết tâm lý được công bố vào năm 1943. Lý thuyết này rất hữu ích cho việc nghiên cứu về phúc lợi của con người. Theo Maslow, hành vi của con người bắt nguồn từ nhu cầu thỏa mãn những mong muốn của bản thân. Có 5 giai đoạn mong muốn của con người, từ cơ bản nhất (cấp thiết nhất) đến tinh vi nhất (ít cấp thiết hơn), bao gồm: nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu tình yêu/thuộc về, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu tự thể hiện. Tháp nhu cầu của Maslow được xây dựng dựa trên các giả định sau: (1) Nhu cầu là cơ sở hình thành động lực thúc đẩy con người hành động. Con người cố gắng thỏa mãn, trước hết, những nhu cầu quan trọng nhất. Tuy nhiên, một khi nhu cầu đã được thỏa mãn, nó không còn là động lực hiện tại nữa và con người lại cố gắng tìm cách thỏa mãn nhu cầu quan trọng tiếp theo; (2) Nhu cầu cấp cao hơn chỉ xuất hiện khi những nhu cầu cấp thấp hơn đã được thỏa mãn.
Easterlin (1974) lập luận rằng, trước một thời điểm nhất định, thu nhập cao hơn có liên quan đến mức độ phúc lợi của con người cao hơn trong một quốc gia. Tuy nhiên, phúc lợi của con người đối với một quốc gia không tăng lên cùng với sự cải thiện thu nhập sau đó. Hơn nữa, nếu một quốc gia có mức độ bất bình đẳng thu nhập, bất bình đẳng xã hội, tham nhũng và mất lòng tin cao, tăng trưởng kinh tế sẽ không cải thiện phúc lợi của con người.
Karekezi và cộng sự (2012) khẳng định rằng phúc lợi con người, giảm nghèo, hòa nhập xã hội và cải thiện kinh tế không thể đạt được nếu không có điện, nhiên liệu, năng lượng cơ học và các dịch vụ mà chúng cung cấp. Các quốc gia có mức độ nghèo đói và thiếu việc làm cao nhất thường là những quốc gia không được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ năng lượng ở mức độ phù hợp và các tiện nghi hiện đại mà năng lượng mang lại. Điều này thể hiện rõ nhất ở châu Phi và Nam Á, nơi hầu hết người dân chủ yếu dựa vào nhiên liệu rắn (than đá và sinh khối truyền thống). Bên cạnh đó, Pachauri và cộng sự (2004) cũng cho rằng, mức độ nghèo đói cao ảnh hưởng đến mô hình tiêu thụ năng lượng cả về số lượng và chất lượng. Người nghèo luôn có xu hướng sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống và kém hiệu quả như gỗ và than đá.
Liên quan đến mối quan hệ giữa năng lượng và phúc lợi, gần đây, khái niệm nghèo năng lượng đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học. Theo Bouzarovski và cộng sự (2012), nghèo năng lượng là tình trạng hộ gia đình không thể tiếp cận các nguồn năng lượng cần thiết. Hơn nữa, tình trạng thiếu năng lượng có tác động lớn đến sức khỏe con người. Việc sử dụng rộng rãi nhiên liệu rắn để nấu ăn đã làm tăng lượng khí thải nhân tạo và gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe do ô nhiễm không khí trong nhà (Lacey và cộng sự, 2017).
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Các biến số chính được lựa chọn cho nghiên cứu này bao gồm Phúc lợi con người (GDP) và Tiêu thụ năng lượng (EC). Ngoài ra, để kết quả phân tích đạt tính vững và tránh việc bỏ sót biến trong mô hình, nghiên cứu đưa thêm các biến: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Giáo dục (MYS) và Đô thị hóa (UR) vào trong khung phân tích. Các biến được chuyển sang dạng logarit tự nhiên để ước lượng.
Mẫu quan sát được thu thập theo năm từ năm 1990-2020 và từ các nguồn hệ thống cơ sở dữ liệu: Liên hợp quốc (United Nations), Quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (U.S. Energy Information Administration), Hội nghị Liên hợp Quốc về thương mại và phát triển (United Nations Conference on Trade and development), Viện Nghiên cứu quản lý Đại học Radboud (Institute for Management Research Radboud University) và Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Nghiên cứu này dùng phương pháp phân tích định lượng tiếp cận mô hình ARDL được đề xuất bởi Pesaran và cộng sự (2001) để xác định tác động của các nhân tố kinh tế vĩ mô đến phúc lợi con người. Mô hình ARDL (p0, p1, p2 , p3 ,..., pn ) có dạng như sau:
Tác động của tiêu thụ năng lượng đến phúc lợi con người tại Việt Nam
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Kiểm định nghiệm đơn vị
Kết quả kiểm định nghiệm đơn vị cho thấy các biến GDP, MYS, FDI, UR cùng tích hợp bậc 0, riêng biến EC tích hợp bậc 1. Các biến không cùng mức liên kết I(0) hoặc I(1) thì áp dụng thủ tục ARDL là phù hợp cho nghiên cứu thực nghiệm hơn các phương pháp khác.
Kết quả ước lượng mô hình ARDL
Kết quả kiểm định đường bao (Bounds Test) ở Bảng 1 cho thấy giá trị thống kê F = 6,41, lớn hơn giá trị I(1) ở mức ý nghĩa α = 5% (có giá trị = 4,01). Như vậy, có tồn tại mối quan hệ dài hạn giữa các biến trong mô hình.
Bảng 1: Kết quả kiểm định Bound test
Sau khi xác định giữa các biến có mối quan hệ dài hạn, nghiên cứu ước lượng được mô hình ARDL theo tiêu chuẩn AIC với độ trễ tối ưu (2,2,1,1,2). Kết quả ước lượng dài hạn ở Bảng 2 cho thấy, hầu hết các biến (Tiêu thụ năng lượng, Giáo dục và Đô thị hóa) đều có quan hệ cùng chiều với Phúc lợi con người, trong khi biến Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có quan hệ ngược chiều với Phúc lợi con người. Tuy nhiên, trong các quan hệ kể trên thì chỉ tìm thấy 2 bằng chứng thống kê ở mức ý nghĩa 10% về mối quan hệ giữa Tiêu thụ năng lượng và Đô thị hóa với Phúc lợi con người.
Bảng 2: Ước lượng hệ số dài hạn của mô hình ARDL
(Biến phụ thuộc lnGDP)

Ghi chú *: tương ứng với mức ý nghĩa 10%

Nguồn: Kết quả từ phần mềm Stata 17

Để ước lượng kết quả tác động của biến độc lập lên biến phụ thuộc, nghiên cứu sử dụng mô hình hiệu chỉnh sai số (ECM) dựa trên cách tiếp cận ARDL với các độ trễ được lựa chọn và kết quả được trình bày trong Bảng 3. Kết quả cho thấy, Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Đô thị hóa (UR) và Giáo dục (MYS) tác động tích cực đến Phúc lợi con người nhưng chưa tìm thấy bằng chứng thống kê. Tuy nhiên, Tiêu thụ năng lượng tác động tiêu cực đến Phúc lợi con người và bằng chứng thống kê tìm được ở mức ý nghĩa 5%.

Bảng 3: Kết quả tính toán tác động ngắn hạn bằng mô hình ECM

(Biến phụ thuộc ΔlnGDP)

Ghi chú **: tương ứng với mức ý nghĩa 10%

Nguồn: Kết quả từ phần mềm Stata 17

Kiểm định các khuyết tật của mô hình hay mô hình đạt sự chính xác

Nghiên cứu sử dụng các kiểm định Ramsey, Breusch-Godfrey Serial Correlation LM và Breusch–Pagan/Cook–Weisberg. Kết quả được trình bày ở Bảng 4 cho thấy P-value đều lớn hơn 0,05, chứng tỏ mô hình nghiên cứu là tốt và không có sai sót.

Bảng 4: Kết quả các kiểm định bỏ sót biến, tự tương quan và phương sai thay đổi

Nguồn: Kết quả từ phần mềm Stata 17

Ngoài ra, mô hình nghiên cứu cũng được kiểm tra tính ổn định thông qua kiểm định tổng tích lũy phần dư (CUSUM Test) và tổng tích lũy hiệu chỉnh của phần dư (CUSUMSQ Test) (Hình 1). Cả 2 đường tổng tích lũy phần dư và tổng tích lũy hiệu chỉnh phần dư đều nằm trong mức ý nghĩa 5%, do đó có thể kết luận mô hình hoạt động ổn định.

Hình 1: Kết quả kiểm định CUSUM & CUSUMSQ

Nguồn: Kết quả từ phần mềm Stata 17

Như vậy, Tiêu thụ năng lượng có tác động tiêu cực đến Phúc lợi con người trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, Tiêu thụ năng lượng có tác động tích cực. Ngoài ra, trong dài hạn, Đô thị hóa cũng ảnh hưởng tích cực đến Phúc lợi con người.

KẾT LUẬN VÀ GỢI Ý CHÍNH SÁCH

Kết quả phân tích hồi quy cho thấy, các nhân tố kinh tế vĩ mô: tiêu thụ năng lượng và đô thị hóa thực sự có tác động đến phúc lợi con người. Vì vậy, để nâng cao phúc lợi của người dân, các nhà quản lý cần chú ý đến chính sách về tiêu thụ năng lượng trong quá trình sản xuất cũng như trong sinh hoạt của người dân và chính sách về phát triển đô thị.

Đối với tiêu thụ năng lượng, cần chú ý chuyển đổi sang tiêu thụ năng lượng tái tạo, tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn và nâng cao hiệu quả trong sử dụng năng lượng.

Đối với quá trình đô thị hóa, cần chú ý cung cấp đầy đủ các dịch vụ cơ bản như đường đô thị, nước, điện, cơ sở y tế... để có sự phát triển đô thị bền vững và nâng cao được phúc lợi cho người dân.

Tài liệu tham khảo:

1. Anh Tuan Bui, Cuong Viet Nguyen, Thu Phuong Pham (2019). Impact of foreign investment on household welfare: Evidence from Vietnam, Journal of Asian Economics, 64(C).

2. Bouzarovski, S., Petrova, S., & Sarlamanov, R. (2012). Energy poverty policies in the EU: A critical perspective, Energy Policy, 49(C), 76-82.

3. Collard, D. (2003). Research on wellbeing: Some advice from Jeremy Bentham, Wellbeing in developing countries (ESRC Research Group Working Paper No. 2), University of Bath.

4. Easterlin, R. A. (1974). Does economic growth improve the human lot? Some empirical evidence, In P. A. David & M. W. Reder (Eds.), Nations and households in economic growth: Essays in honor of Moses Abramowitz, Academic Press.

5. Karekezi, S., McDade, S., Boardman, B., Kimani, J., Lustig, N. (2012). Energy, poverty, and development, In Global energy assessment toward a sustainable future (pp. 151-190), Cambridge University Press.

6. Lacey, F. G., Henze, D. K., Lee, C. J., van Donkelaar, A., Martin, R. V. (2017). Transient climate and ambient health impacts due to national solid fuel cookstove emissions, Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America, 114(6), 1269-1274.

7. Maslow, A. H. (1943). A theory of human motivation, Psychological Review, 50(4), 370-396.

8. Pachauri, S., Mueller, A., Kemmler, A., & Spreng, D. (2004). On measuring energy poverty in indian households, World Development, 32(12), 2083-2104.

9. Pesaran, M. H., Shin, Y., & Smith, R. J. (2001). Bounds testing approaches to the analysis of level relationships, Journal of Applied Econometrics, 16(3), 289-326.

10. Schaafsma, M. (2020). Natural environment and human well-being, In W. Leal Filho, A. Anabela Marisa, B. Luciana, Ö. Pinar Gökcin, W. Tony (Eds.), Encyclopedia of the UN sustainable development goals life on land (pp. 1-11), Oxford University Press.

TS. Đặng Bắc Hải (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn: kinhtevadujbao.vn

QRcode ENG