Monday, 23/12/2024 | 07:13 GMT+7

2050 Calculator4NDCs - Các kịch bản đóng góp giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sinh hoạt hộ gia đình

25/08/2022

Để đạt các mục tiêu tham vọng về giảm phát thải khí nhà kính, ngoài nỗ lực chung của quốc gia, các ngành lĩnh vực tiêu thụ năng lượng lớn thì lĩnh vực sinh hoạt hộ gia đình đóng góp vai trò quan trọng đối với khả năng đạt được những kết quả, thành tựu cả về năng lượng, môi trường và khí hậu.

Nhu cầu sử dụng năng lượng trong sinh hoạt ngày càng tăng theo tốc độ tăng dân số và thu nhập của người dân. Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhanh năng động, thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể, số hộ gia đình có mức thu nhập cao ngày càng tăng lên. Do đó, nhu cầu sử dụng điện cũng tăng lên nhanh chóng và trong thời gian gần đây phụ tải đỉnh trong một số ngày nắng nóng đã lập những kỷ lục mới. Việc thay đổi thói quen sinh hoạt, sử dụng hiệu quả năng lượng không những góp phần giảm sức ép lên nguồn cung năng lượng, hệ thống điện quốc gia mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. 
Việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong sinh hoạt hộ gia đình được thực hiện bởi nhiều biện pháp bao gồm: sử dụng bình nước nóng NLMT, thay thế hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, thay đổi nhiên liệu trong đun nấu, tận dụng năng lượng sinh khối,….
Công cụ 2050 Calculator4NDCs có khả năng trình diễn mức độ tham gia, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho nhiều biện pháp ở các cấp độ khác nhau. Trong đó lĩnh vực sinh hoạt hộ gia đình có thể chia làm 3-4 cấp độ cho từng giải pháp để chúng ta có thể thấy ý nghĩa của mỗi biện pháp thực hiện của người dân. Cụ thể như sau:
I. Đối với biện pháp sử dụng bình nước nóng sử dụng NLMT - 2050 Calculator4NDCs đưa ra các kịch bản như sau:
Có 3 loại thiết bị cung cấp nước nóng chính: bình đun chạy điện, bình đun chạy LPG và bình nước nóng năng lượng mặt trời. Các bình nước nóng chạy điện được sử dụng khá phổ biến và có hiệu suất khá cao (90%), nhưng việc sử dụng các bình nước nóng NLMT mới thực sự đem lại lượng giảm phát thải đáng kể. Theo tính toán, sử dụng các bình đun nước nóng NLMT kết hợp với bình đun điện giúp giảm trung bình 50% tiêu thụ điện.
Cấp độ 1: Tỷ lệ sử dụng bình nước nóng NLMT không thay đổi trong suốt giai đoạn 2010-2050, khoảng 3,1%, tương đương với khoảng 1,25 triệu bình nước nóng trên tổng số hơn 39,3 triệu thiết bị cấp nước nóng vào năm 2050. Phần lớn các bình nước nóng NLMT được lắp đặt ở khu vực các hộ gia đình thành thị (100% trước năm 2020 và chiếm 92% năm 2050).
Cấp độ 2: Tỷ lệ sử dụng Bình nước nóng NLMT ngày càng tăng, cùng với tốc độ đô thị hóa. Cấp độ 2 đưa ra giả thiết tỷ lệ này sẽ đạt 30% vào 2050, cứ 10 bình đun nước nóng bằng điện sẽ có 3 bình đun nước nóng NLMT. Như vậy số lượng bình NLMT vào khoảng hơn 113 ngàn bình năm 2015 sẽ tăng lên 11,15 triệu bình vào năm 2050 trong đó 9,59 triệu bình được lặp đặt ở khu vực các hộ gia đình thành thị.
Cấp độ 3: Cấp độ 3 đặt kỳ vọng cao hơn: tỷ lệ sử dụng Bình nước nóng NLMT đạt 40% số lượng vào năm 2050. Như vậy số lượng bình NLMT sẽ đạt 14,87 triệu bình vào năm 2050, trong đó 11,9 triệu bình được lắp đặt ở khu vực các hộ gia đình thành thị và 2,97 triệu bình được lắp đặt tại khu vực các hộ gia đình nông thôn. Theo kịch bản này, tới năm 2050 ở khu vực thành thị cứ 10 bình lắp nước nóng chạy điện thì có 4 bình đun nước nóng NLMT và ở khu vực nông thôn là 3 bình NLMT. 
Cấp độ 4: thể hiện kỳ vọng cao nhất về sử dụng thiết bị đun nước nóng NLMT. Theo đó, tới 2050, sử dụng Bình nước nóng NLMT đạt 50% tương đương với 18,6 triệu bình vào năm 2050 trong đó 14,87 triệu bình được lắp đặt ở khu vực các hộ gia đình thành thị và 3,7 triệu bình được lắp đặt tại khu vực các hộ gia đình nông thôn.
II. Đối với thiết bị chiếu sáng - 2050 Calculator4NDCs đưa ra các kịch bản như sau:
Có hai loại hình chiếu sáng trong Hộ gia đình dựa trên không gian là chiếu sáng chung và chiếu sáng cục bộ. Chiếu sáng chung chủ yếu sử dụng các đèn HQ, trong khi chiếu sáng cục bộ chủ yếu sử dụng các loại đèn sợi đốt, CFL và đèn LED. Một hộ gia đình năm 2015 có 6,6 chiếc đèn , trong đó đèn CFL có tỷ lệ lớn nhất 45%, theo sau là đèn huỳnh quang T10 với 38%, đèn sợi đốt 12%, còn lại là đèn huỳnh quang T8. Đèn LED chưa được sử dụng.
Tổng tiêu thụ năng lượng cho chiếu sáng năm 2015 là 5,36 tỷ kWh trong đó tiêu thụ của các hộ gia đình thành thị chiếm 34% và của các hộ gia đình nông thôn chiếm 66%. Dự kiến, số lượng đèn trung bình 1 hộ gia đình trang bị tăng cùng với cải thiện về thu nhập, đạt 10,1 bóng năm 2050. Tổng số bóng đèn dự kiến tăng tương ứng từ 136,4 triệu chiếc năm 2015 đạt 369,1 triệu chiếc năm 2050. Dưới đây là các kịch bản chuyển đổi các loại đèn.
Cấp độ 1: giả định tỷ lệ các lọa đèn được giữ nguyên trong suốt giai đoạn 2010-2050. Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng cho chiếu sáng của kịch bản này là 16,95 tỷ kWh năm 2050, tăng trung bình 3,3%/năm, trong đó nhu cầu của khu vực thành thị chiếm 66%, của khu vực nông thôn là 34%, tương ứng với quá trình đô thị hóa.
Cấp độ 2: Đèn sợi đốt đã bị loại bỏ hoàn toàn kể từ năm 2015 và được thay thế bởi LED và CFL, theo đúng lộ trình của Chính phủ. Đồng thời đèn T8,T5 và LED-tube cũng tăng dần tỷ trọng, dần thay thế cho đèn T10, nhưng vẫn ở mức độ thấp. Cơ cấu chiếu sáng đến 2050 như sau: LED-8%, CFL49%, T10-17%, T8-12%, T5-8%, và Led-tube-6%. Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng cho chiếu sáng của kịch bản này là 12,3 tỷ năm 2050, giảm 27,4% so với cấp độ 1.
Cấp độ 3: Cấp độ 3 giả thiết là tới năm 2050, công nghệ LED và đèn T5 sẽ chiếm ưu thế trong chiếu sáng dân dụng, tuy nhiên vẫn còn CFL và đèn T10. Cơ cấu chiếu sáng đến 2050 như sau: LED-50%, CFL-7%, T10-4%, T8-6%,T5-25%, và Led-tube-8%. Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng cho chiếu sáng của kịch bản này là 10,3 tỷ năm 2050, giảm 38,8% so với cấp độ 1
Cấp độ 4: Cấp độ 4 giả thiết là đến năm 2050 hầu hết nhu cầu chiếu sáng trong khu vực Hộ gia đình được cung cấp bởi công nghệ LED và đèn T5. Cơ cấu chiếu sáng đến 2050 như sau: LED-57%, T5-5%, và Led-tube-38%. Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng cho chiếu sáng của kịch bản này là 8,7 tỷ năm 2050, giảm 48,7% so với cấp độ 1.


III. Đối với các thiết bị gia dụng – 2050 Calculator4NDCs trình diễn các kịch bản như sau:
Ngoài nhu cầu sử dụng năng lượng cho chiếu sáng, đun nấu, đun nước nóng, khu vực hộ gia đình còn nhu cầu năng lượng cho sử dụng các thiết bị điện khác, bao gồm: Tủ lạnh, Máy giặt, Nồi cơm điện, Quạt, Điều hòa nhiệt độ, bơm nước, DVD, bàn là, máy tính…). Tỷ lệ sở hữu các thiết bị này cho khu vực thành thị và nông thôn được khảo sát trong Chương trình điều tra mức sống hộ gia đình do Tổng cục thống kê thực hiện theo chu kỳ 2 năm từ năm 2002. Theo đánh giá, tỷ lệ sở hữu và số lượng sở hữu các thiết bị này của các hộ gia đình phụ thuộc vào mức thu nhập,tăng cùng với mức tăng thu nhập. Như vậy trong tương lai, cùng với tăng dân số, thu nhập tăng sẽ làm số lượng thiết bị gia dụng các hộ gia đình sở hữu tăng, theo ước tính từ 112 triệu thiết bị năm 2015 đạt 289 triệu thiết bị năm 2050. Dưới đây là các giả định về mức độ thâm nhập của các thiết bị có hiệu suất cao và các thiết bị thông thường.   
Cấp độ 1: Cấp độ này giả thiết rằng các thiết bị thông thường vẫn tiếp tục được sử dụng. Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng cho nhu cầu này của kịch bản này là 15.477 KTOE năm 2050, tăng trung bình 4,7%/năm, trong đó nhu cầu của khu vực thành thị chiếm 60%, của khu vực nông thôn là 40%, tương ứng với quá trình đô thị hóa.   
Cấp độ 2: Cấp độ 2 có tính khả thi cao, giả thiết tỷ lệ xâm nhập các thiết bị gia dụng hiệu suất cao sẽ tăng dần từ đạt 50% vào năm 2050. Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng cho nhu cầu này của kịch bản này là 13.663 KTOE năm 2050, giảm 11,6% so với cấp độ 1
Cấp độ 3: Cấp độ 3 giả thiết tỷ lệ xâm nhập các thiết bị gia dụng hiệu suất cao sẽ tăng dần đạt 80% vào năm 2050. Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng cho nhu cầu này của kịch bản này là 13.153 KTOE năm 2050, giảm 14,9% so với cấp độ 1
Cấp độ 4: Tỷ lệ xâm nhập các thiết bị gia dụng hiệu suất cao đạt 100% vào năm 2040. Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng cho nhu cầu này của kịch bản này là 12.898 KTOE năm 2050, giảm 16,5% so với cấp độ 1.
Để đạt các mục tiêu tham vọng về giảm phát thải khí nhà kính, ngoài nỗ lực chung của quốc gia, các ngành lĩnh vực tiêu thụ năng lượng lớn thì lĩnh vực sinh hoạt hộ gia đình đóng góp vai trò quan trọng đối với khả năng đạt được những kết quả, thành tựu cả về năng lượng, môi trường và khí hậu. Đóng góp giảm phát thải khí nhà kính từ sinh hoạt hộ gia đình đến từ những thói quen tiết kiệm năng lượng của từng người dân, hộ gia đình, sự quan tâm đầu tư của cộng đồng đối với các thiết bị điện hiệu suất cao, cũng như sự tối ưu trong quá trình quản lý sử dụng điện năng và các nguồn năng lượng khác phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Công cụ 2050 Calculator4NDCs đã trình diễn cho ta sự thay đổi, mức độ đóng góp của mỗi biện pháp, nỗ lực của người dân, cộng đồng và xã hội đối với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong NDCs của Việt Nam năm 2020 đã trình Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cũng như cam kết của Việt Nam tại COP26.
TS Nguyễn Quốc Khánh – Chuyên gia dự án Calculator 2050