Thursday, 26/12/2024 | 21:38 GMT+7

Tiết kiệm điện: Hành động nhỏ để tạo thay đổi lớn

30/03/2023

Không khó để hình thành thói quen tốt, chỉ cần thay đổi ý thức, thay đổi từ hành động nhỏ sẽ góp sức trong tiết kiệm điện, qua đó chung tay bảo vệ môi trường.

Là một người hưu trí, ông Đỗ Văn Bảo (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Cá nhân tôi và gia đình luôn quan tâm, theo dõi các thông tin liên quan đến việc sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm. Sự kiện Giờ Trái đất hằng năm, gia đình tôi đều hưởng ứng bằng việc tắt toàn bộ các thiết bị điện trong gia đình 1 tiếng đồng hồ. Chúng tôi coi đó là trách nhiệm của mình với xã hội, với cộng đồng và với môi trường".
Không chỉ thời gian hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất, trong sinh hoạt hằng ngày, tôi luôn giáo dục các con, cháu phải sử dụng tiết kiệm năng lượng. Đối với việc này, theo tôi, chúng ta phải giáo dục dần dần theo phương pháp "mưa dầm thấm lâu". Và khi việc sử dụng tiết kiệm năng lượng đã ăn sâu vào ý thức của trẻ nhỏ, lúc đó chúng sẽ tự có những hành động để thực hiện và lan tỏa công việc đó đến những người khác.
Doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm tiết kiệm năng lượng trong Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023. 
Cuối tuần vừa qua (25/3), gia đình chị Đỗ Thị Linh (Ba Đình, Hà Nội) đã có kỷ niệm đáng nhớ khi cả nhà cùng tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất. Chị Lan chia sẻ: "Cả gia đình lên tầng thượng kê một chiếc bàn nhỏ cùng trò chuyện, cùng vui chơi. Bọn nhỏ nhà mình rất háo hức. Điều này vừa khiến các thành viên trong gia đình có thời gian dành cho nhau, vừa góp phần tiết kiệm điện, "bật tương lai xanh cho Trái đất".
Ngoài gia đình ông Bảo, chị Linh, cũng có rất nhiều gia đình, cơ quan, doanh nghiệp... trên địa bàn TP. Hà Nội cũng đã thực hiện tắt đèn hưởng ứng. "Tiết kiệm điện-thành thói quen" chính là chủ đề của sự kiện Giờ Trái đất năm nay, nhằm lan tỏa tinh thần chung tay tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường tới cộng đồng.
Năm 2023, đánh dấu năm thứ 15 Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam. Chiến dịch đã tạo chuyển biến tích cực trong cộng đồng về nhận thức ý nghĩa, lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 diễn ra với chủ đề "Tiết kiệm điện - Thành thói quen". Trong 60 phút, từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút tối 25/3, TP.  Hà Nội đã tiến hành tắt đèn chiếu sáng, trang trí, biển quảng cáo và các thiết bị điện không cần thiết tại một số khu vực công cộng, cơ quan như Đền Ngọc Sơn-Tháp Rùa-cầu Thê Húc, vườn hoa Lý Thái Tổ; khu vực chung quanh hồ Gươm, Nhà hát Lớn Hà Nội, hồ Trúc Bạch; trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, trụ sở các sở, ban, ngành... Mỗi quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã chọn một số điểm công cộng phù hợp để tắt đèn chiếu sáng.
Nhiều nhà hàng, doanh nghiệp tắt đèn hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất
Trong sự kiện Giờ Trái đất năm nay, nhiều doanh nghiệp đã giới thiệu các thiết bị, công nghệ mới, hiện đại, vừa tiết kiệm năng lượng, vừa đạt hiệu suất sử dụng cao. Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển thương mại dịch vụ kỹ thuật Thăng Long Cao Xuân Tuấn cho biết, năm nay, đơn vị tham gia Chiến dịch Giờ Trái đất với các sản phẩm biến tần hiệu suất cao, muốn giới thiệu đến các doanh nghiệp sản xuất bởi qua quá trình sử dụng thực tế, việc gắn biến tần cho động cơ có thể giúp giảm điện năng tiêu thụ rất nhiều, từ 20% đến 30%, thậm chí với một số ứng dụng đặc biệt thì có thể giảm tới 40%-50%.
Tuy nhiên, việc tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng không chỉ thực hiện trong 60 phút mà còn cần thực hiện trong cả năm, bằng những hành động thiết thực, hiệu quả. Đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) khuyến nghị các hộ gia đình, chung cư, cơ quan, trụ sở... nên lựa chọn mua các thiết bị điện có chỉ số hiệu suất cao và đánh giá độ tiết kiệm năng lượng, sử dụng các thiết bị điện thông minh để tự động tắt khi không sử dụng hoặc khi không có người trong phòng, thay thế đèn LED cho các loại đèn truyền thống khác.
Đối với doanh nghiệp sản xuất nên bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị điện có công suất lớn (như máy nghiền, máy nén khí...) vào giờ cao điểm. Doanh nghiệp nên đầu tư, cải tiến, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm điện.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, sự kiện Giờ Trái đất là hoạt động mở màn trong chuỗi các sự kiện triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023 trên địa bàn thành phố.
Nối tiếp Giờ Trái đất, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức phát động hội nghị cao điểm hè về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, sẽ vận động các doanh nghiệp tham gia tiết giảm phụ tải góp phần giảm công suất phụ tải đỉnh; vận động các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất, cơ quan, công sở, tòa nhà văn phòng, trường học, bệnh viện, các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng tiết kiệm, cải tạo hệ thống điện bảo đảm an toàn và sử dụng một phần năng lượng tái tạo...
Năm 2009, Việt Nam chính thức tham gia Giờ Trái đất và TP. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên triển khai các hoạt động hưởng ứng sự kiện này. Trong nhiều năm qua, Chiến dịch Giờ Trái đất đã được lan tỏa tới khắp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, tới cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mỗi công dân của Thủ đô.
Năm nay, sản lượng tiết kiệm Giờ Trái đất của TP. Hà Nội đạt 34.278kWh, giúp giảm 24,75 tấn CO2, bằng 11,5% so với sản lượng tiết kiệm điện của cả nước (đạt 298.000kWh).
Theo: Chinhphu.vn