Saturday, 23/11/2024 | 03:47 GMT+7

Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

29/08/2011

TPHCM sẽ thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ rác, gió và điện mặt trời, để vừa sản xuất điện năng, vừa giải quyết các vấn đề môi trường.

Trong Quy hoạch phát triển điện lực TPHCM giai đoạn 2015, có xét đến 2020 vừa được Bộ Công Thương phê duyệt, TPHCM sẽ thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ rác, gió và điện mặt trời, để vừa sản xuất điện năng, vừa giải quyết các vấn đề môi trường.

0ea8c1890_tintuctphcm350x233.jpg

Hệ thống điện mặt trời tại xã Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ

Nguồn năng lượng từ rác ở các chợ đầu mối

Sở Công Thương TPHCM đã bắt tay nghiên cứu khả thi dự án xây các nhà máy sản xuất điện từ rác hữu cơ thu gom tại 3 chợ đầu mối lớn của thành phố là Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền.

Theo đánh giá sơ bộ của sở, hiện mỗi ngày một chợ đầu mối lớn thải ra khoảng 50 tấn rác. Các ban quản lý chợ phải chi trên dưới 300 triệu đồng/tháng cho việc thu gom, vận chuyển đi nơi khác xử lý. Nguồn rác từ các chợ đầu mối nói trên có đến 95% là rác hữu cơ, rất thích hợp cho việc ủ thu khí để phát điện. Ngoài ra việc dự án sẽ giúp cắt giảm chi phí thu gom rác ở các chợ.

Một cán bộ Phòng Quản lý năng lượng thuộc Sở Công Thương TPHCM cho biết, vừa qua sở có tham khảo dự án tương tự của Công ty Năng lượng và Môi trường Boras (Thụy Điển) triển khai tại một chợ rau quả nhỏ ở Indonesia, với khoảng 5 tấn rác mỗi ngày. Dự án này có vốn đầu tư khoảng 340.000 đô la Mỹ, sản xuất 550 kWh/ngày.

Còn tại Việt Nam, ước tính vốn đầu tư cho một dự án điện từ rác tại mỗi chợ mất khoảng 3-4 triệu đô la Mỹ. Nếu thành công tại 3 chợ đầu mối lớn, sẽ nhân rộng cho các chợ nhỏ khác của thành phố.

Điện gió, điện mặt trời cho Cần Giờ

Trong khi đó, Sở Công Thương TPHCM cũng đang tiến hành đo để thu thập số liệu về nguồn năng lượng gió ở huyện Cần Giờ nhằm đánh giá tiềm năng và khả năng phát triển điện gió tại vùng ven biển của thành phố trong những năm tới.

Trước mắt, thành phố chi khoảng 1,2 tỉ đồng xây dựng trạm đo gió ở các độ cao 30 mét, 50 mét và 70 mét, số liệu gió sẽ được thu thập trong vòng hai năm tới. Trên cơ sở đó, sẽ lập kế hoạch sản xuất nguồn điện gió Cần Giờ.

Cũng theo Quy hoạch phát triển điện lực TPHCM, các vùng ven biển Cần Giờ như xã đảo Thạnh An, thị trấn Cần Thạnh, xã Lý Nhơn… là những nơi có điều kiện thuận lợi phát triển các dạng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió.

Đặc biệt là xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, vẫn chưa có điện lưới quốc gia, hiện có 1.096 hộ với hơn 4.500 người, lại là xã có tiềm năng phát triển năng lượng gió lớn nhất thành phố bởi tốc độ gió ổn định, phù hợp cho các turbine nhỏ.

Theo tính toán, nếu được lắp đặt các turbine loại công suất 1,5 MW, thì hàng năm có thể phát ra lượng điện khoảng 3,5 triệu kWh. Cần Giờ có 3 vị trí có thể lắp đặt 8-10 turbine gió 1,5 MW, đó là các vị trí dọc bờ biển xã Thạnh An, dọc bờ biển thị trấn Cần Thạnh, khu vực đuôi Sam tại xã Lý Nhơn.

Bên cạnh việc đẩy mạnh việc phát triển sản xuất điện rác, điện gió, thành phố cũng đang khuyến khích phát triển sản xuất điện mặt trời. Cách đây hơn một năm, Tổng công ty Điện lực TPHCM cũng đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời, cung cấp đủ điện cho 204 hộ dân ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An ở huyện Cần Giờ. Nhờ đó, hiện nay mỗi gia đình ấp Thiềng Liềng được cung cấp khoảng 50 kWh/tháng.

Theo tính toán, điện mặt trời đang trở nên dễ tiếp cận hơn bởi chi phí lắp đặt điện mặt trời đã giảm rất nhiều so với trước. Ba năm trước, chi phí sản xuất điện mặt trời khoảng 10.000 đô la Mỹ cho 1 kW công suất thì nay đã giảm xuống còn khoảng 3.000 đô la Mỹ.

Theo Thời báo KTSG Online