Saturday, 23/11/2024 | 06:58 GMT+7

Học hỏi gì từ chiến lược năng lượng của Đức?

02/09/2011

Đạo luật năng lượng mới tập trung vào hai nội dung chính: một là thỏa thuận loại bỏ năng lượng hạt nhân nhưng với khung thời gian chậm hơn trước bằng cách kéo dài “tuổi thọ” của 17 nhà máy điện hạt nhân của Đức từ 8 – 12 năm; hai là thỏa thuận thực hiện một loạt mục tiêu chính sách về khí hậu và năng lượng ngắn và dài hạn,

Sau thảm họa hạt nhân hồi tháng 3 tại Nhật Bản, nước Đức đã đi đến quyết định sẽ loại bỏ năng lượng hạt nhân trong vòng 10 năm tới. Trong bối cảnh thế giới vẫn đang phải dựa vào năng lượng hạt nhân như một giải pháp để đáp ứng nhu cầu năng lượng, giảm lượng khí thải nhà kính và chống lại biến đổi khí hậu, thì quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân của nước Đức được coi là một lựa chọn táo bạo và đầy can đảm. Quyết định này cũng đi kèm với một chiến lược chuyển đổi hệ thống năng lượng đáng để các quốc gia khác học tập.

57e634448_duc_new.jpg

Đạo luật năng lượng mới tập trung vào hai nội dung chính: một là thỏa thuận loại bỏ năng lượng hạt nhân nhưng với khung thời gian chậm hơn trước bằng cách kéo dài “tuổi thọ” của 17 nhà máy điện hạt nhân của Đức từ 8 – 12 năm; hai là thỏa thuận thực hiện một loạt mục tiêu chính sách về khí hậu và năng lượng ngắn và dài hạn, trong đó bao gồm:

- Giảm 40% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2020 và 80 – 95% vào năm 2050 (so với con số năm 1990)

- Mở rộng quy mô năng lượng tái tạo trong mọi lĩnh vực, ví dụ tăng sản lượng điện tái tạo từ 17% năm 2010 lên 35% năm 2020 và 80% năm 2050

- Đặt mục tiêu giảm 20% lượng tiêu thụ năng lượng từ các toà nhà năm 2020 và 80% năm 2050

- Hướng tới giảm 10% lượng tiêu thụ năng lượng trong ngành giao thông – vận tải năm 2020 và 25% năm 2050.

Ngược dòng lịch sử

Trên thực tế, ngay từ giai đoạn 1998 – 2005, các chính sách nhằm thúc đẩy nguồn năng lượng tái tạo và loại bỏ năng lượng hạt nhân đã được Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Xanh của Đức đưa ra. Song, phải đến năm ngoái, Chính phủ Đức mới chính thức thông qua đạo luật năng lượng mới (*).

Đặc biệt, sau sự cố hạt nhân Fukushima (Nhật Bản), Đức đã quyết định trở lại với lịch trình loại bỏ năng lượng hạt nhân của năm 2000, đồng thời giữ nguyên mục tiêu năng lượng và khí hậu Chính phủ đưa ra trong năm vừa qua. Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ của 85% nghị sĩ Quốc hội Đức.

Ba giải pháp chiến lược

Quá trình chuyển đổi năng lượng của Đức dựa chủ yếu vào ba giải pháp chiến lược:

Sử dụng năng lượng hiệu quả

Đức chủ trương cải thiện hiệu suất năng lượng ở tất cả mọi lĩnh vực, trong đó tập trung mạnh hơn cả vào ngành xây dựng bởi đây là ngành quan trọng nắm giữ một lượng vốn lớn với các công trình có tuổi đời dài. Nói cách khác, cơ hội thay đổi những tòa nhà tồn tại nhiều thập kỷ không phải lúc nào cũng xuất hiện nên nếu bỏ lỡ thì hẳn là việc áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả đối với những công trình ấy sẽ trở nên tốn kém hơn và có khi còn không thực hiện được.

Hơn nữa, việc triển khai giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả có thể coi là một mũi tên trúng hai đích. Thứ nhất, Chỉ thị Hiệu quả Năng lượng của Tòa nhà (Energy Performance of Buildings Directive – EPBD) mà Liên minh Châu Âu đưa ra vốn chỉ rõ kể từ năm 2020, mọi tòa nhà xây dựng mới phải có mức tiêu thụ năng lượng gần bằng 0. Đức cũng nằm trong số các nước phải thực thi chỉ thị trên. Thứ hai, bản thân nước Đức đang tiến hành các chương trình hỗ trợ cải tạo các tòa nhà. Bên cạnh việc sử dụng doanh thu bán đấu giá từ Cơ chế Mua bán Khí thải của Liên minh Châu Âu (EU ETS) vào các chương trình cải tạo, Đức cũng thực hiện chính sách giảm thuế đặc biệt cho hoạt động cải tạo các tòa nhà, đồng thời còn chi 3,4 tỷ euro cho kế hoạch hiện đại hóa ngành xây dựng, giảm mức tiêu thụ năng lượng của các công trình.

Đưa năng lượng phi các-bon vào trong mọi lĩnh vực

Để vươn tới mục tiêu dài hạn loại trừ các-bon, tất cả các lĩnh vực đều phải chuyển đổi nhiên liệu sang các nguồn năng lượng phi các-bon. Riêng ngành điện cần tập trung vào năng lượng tái tạo nhằm đạt được các mục tiêu đầy tham vọng nói trên.

Trong giai đoạn quá độ, nhiều khả năng Đức sẽ xây mới các nhà máy điện khí hiệu suất cao nhằm khai thác nguồn điện hỗ trợ thay vì các nhà máy nhiệt điện chạy than. Trước vai trò quan trọng của điện trong quá trình phi các-bon hóa ở mọi lĩnh vực, việc chuyển đổi sớm và nhanh của ngành điện sang các nguồn năng lượng tái tạo được coi là trọng tâm của quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng.

Đối với ngành giao thông – vận tải, Đức áp dụng các tiêu chuẩn hiệu quả về động cơ của EU. Vừa qua, nước Đức đã tiến hành chương trình cải cách mạnh mẽ trong ngành vận tải điện với mục tiêu đến năm 2030 sẽ tung ra thị trường 6 triệu xe điện.

Tập trung chiến lược vào các mục tiêu lâu dài

Chính sách của Đức cho thấy rõ nước này đang tập trung giảm khí thải trong các lĩnh vực nắm giữ lượng vốn dài hơi, như các công trình xây dựng và các nhà máy điện. Những lĩnh vực ấy duy trì nhu cầu năng lượng và phát thải khí nhà kính trong một thời gian dài. Vì vậy, để bảo đảm có sẵn cơ sở hạ tầng cho việc chuyển giao, Đức đã khởi động các đạo luật mới nhằm phát triển “mạng lưới điện mục tiêu đến năm 2050”, tiến tới xây dựng một hệ thống điện chủ yếu từ các nguồn tái tạo.

Quá trình hoạch định này đã tạo nền tảng cho các quy định cấp phép đầu tư, từ đó đảm bảo tương lai của cả mạng lưới điện. Chưa hết, Đức còn đặc biệt nỗ lực trong việc điều chỉnh và trang bị cơ sở hạ tầng thiết yếu, bao gồm mạng lưới truyền tải điện gió từ miền Bắc xuống miền Nam; mạng lưới phân phối thông minh có thể phục vụ một số lượng xe điện lớn và quản lý sản lượng điện từ các nguồn khác nhau, đồng thời cũng là phương án lưu trữ đáp ứng được nhiều nguồn điện khác nhau.

Nhìn chung, con đường mà Đức lựa chọn chính là sự kết hợp của một loạt các chính sách với việc lập kế hoạch và đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng. Trong khi các giải pháp kết hợp này có thể chưa hoàn toàn trùng khít với bối cảnh của mỗi quốc gia, các quốc gia khác chí ít cũng có thể học tập điều gì đó từ gói giải pháp của nước Đức để chuyển đổi sang một nền kinh tế bền vững, các-bon thấp.

Theo Thiennhien.net