Việt Nam nằm trong khu vực có cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao, nhiều nhất phải kể đến TP.Hồ Chí Minh, tiếp đến là các vùng Tây Bắc (Lai Châu, Sơn La, Lào Cai)… Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tận dụng phát triển năng lượng tái tạo thông qua việc xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời (Led Solar) góp phần đảm bảo an ninh năng lượng những vẫn gìn giữ môi trường.
Trụ đèn chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp với gió tại Khu công nghệ cao TP.HCM
Theo giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Tiến Khiêm - Nguyên Viện trưởng Viện Cơ học, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, trong tất cả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời là phong phú và ít biến đổi nhất trong thời kỳ biến đổi khí hậu hiện nay. Sử dụng năng lượng mặt trời như một nguồn năng lượng tại chỗ để thay thế cho các dạng năng lượng truyền thống, đáp ứng nhu cầu của các vùng dân cư là một kế sách có ý nghĩa về mặt kinh tế, an ninh quốc phòng.
Tiến sĩ Lê Hoài Quốc - Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh khẳng định việc ứng dụng công nghệ Led-Solar cho các ưu điểm như tiết kiệm điện, giảm ô nhiễm môi trường, thiết kế mang tính thẩm mỹ cao, màu sắc đa dạng, hiệu ứng ánh sáng đẹp, có thể sử dụng điện lưới AC/DC, kết hợp với pin năng lượng mặt trời, an toàn cho người sử dụng và hiệu quả kinh tế cao. Các sản phẩm chiếu sáng ứng dụng công nghệ Led sẽ được sử dụng rộng rãi trong dân cư, văn phòng, công nghiệp, khu thương mại, y tế, ngoài trời….
Đã có nhiều DN trong nước tích cực chuyển đổi từ sử dụng giải pháp chiếu sáng truyền thống sang sử dụng đèn Led như Nhà Máy nhiệt điện Ô Môn, Công ty TNHH nhựa Duy Tân, Công ty TNHH Bao bì Thái Dương, Nhà máy sữa Vinamilk,….Hiệu quả mang lại cao cực kỳ rõ rệt giúp tiết giảm chi phí năng lượng trong sản xuất và kinh doanh.
Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng rất quan tâm đến tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời. Đơn cử như dự án sử dụng tấm pin mặt trời của Intel là dự án sử dụng năng lượng mặt trời lớn nhất tính đến thời điểm này tại Việt Nam. Dự án hiện có khả năng phát được 321.000 KWh điện và hạn chế tới 221.300 kg lượng khí CO2 thải ra hằng năm. Đây là hệ thống điện mặt trời đầu tiên và duy nhất của Intel tại châu Á.
Một điển hình thành công nữa trong việc khai thác có hiệu quả cơ hội từ Led Solar phải kể đến khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Khu công nghệ cao đã đầu tư và tiến hành lắp đặt hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời phục vụ cho việc chiếu sáng. Đồng thời tiến hành nhiều cuộc thi nhằm khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo trong việc sử dụng năng lượng mặt trời như cuộc thi đua xe Solar Car, cuộc thi thiết kế ô tô sử dụng năng lượng mặt trời chở khách trong khu công nghệ cao, sản xuất xe điện năng lượng mặt trời….và đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ tích cực từ phía các doanh nghiệp cũng như các trường đại học trên địa bàn TP. Để khuyến khích các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao sử dụng năng lượng tái tạo, Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh đang xúc tiến xây dựng nhà máy điện mặt trời. Nhà máy sẽ được xây dựng trên diện tích 3,5 ha, điện dùng cho hoạt động văn phòng Ban quản lý và chiếu sáng trong nội bộ khu.
Theo các chuyên gia để khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam trong bối cảnh chi phí đầu tư sản xuất điện mặt trời còn cao so với điện gió và quá cao so với điện lưới. Chính sách về năng lượng hiện nay lại chưa có để khuyến khích người dân đầu tư; Các loại năng lượng tái tạo hiện nay được Nhà nước mua với giá thấp nên cần cho phép bán lại phần điện mặt trời dùng thừa của hộ gia đình với giá cao hơn giá điện thông thường nhằm khuyến khích đầu tư. Cách này hiện áp dụng tại Đức, Mỹ và một số quốc gia châu Âu khác…Đồng thời trong giai đoạn đầu, nên triển khai thực hiện đầu tư cục bộ theo từng cụm như các khu công nghiệp, các doanh nghiệp liên kết với nhau để cùng phát triển các dự án chung về điện mặt trời.
Được biết, tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường TP cũng đưa ra những chính sách khuyến khích đầu tư mô hình hệ thống điện mặt trời trang bị cho các hộ gia đình, tòa nhà như vay vốn đầu tư; chính sách giá mua và bán điện. Nếu điện mặt trời được sử dụng thừa trong hộ gia đình được bán lên lưới điện và ngược lại nếu không có điện mặt trời thì gia đình sử dụng điện lưới; xây dựng thí điểm 1 đến 2 trụ sở cơ quan, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp nhà nước sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời để thúc đẩy các thành phần kinh tế khác đầu tư mô hình này.
Theo Ven.vn