Một lưới điện xuyên ASEAN vì một mục tiêu an ninh năng lượng cho toàn Đông Nam Á đang dần hình thành nhưng giá cả, thuế và các vấn đề kỹ thuật là những trở ngại không dễ dàng giải quyết.
Mục tiêu lớn...
Ý tưởng phát triển hệ thống lưới điện xuyên quốc gia của ASEAN đã có từ năm 1978 nhưng đến năm 1997 mới được chính phủ các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính thức thông qua trong Tầm nhìn ASEAN 2020. Mục tiêu là nhằm tạo ra một hệ thống an ninh năng lượng cho toàn khu vực bằng cách kết nối vào một mạng lưới điện chung mà thông qua đó, các thành viên có thể chia sẻ khả năng cung cấp, truyền tải điện, nước dư thừa điện sẽ có thể bán cho các nước có nhu cầu khác một cách dễ dàng, thuận lợi.
Việc kết nối 10 nước trong ASEAN vào một hệ thống mạng lưới điện chung được các nước đánh giá sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn không chỉ cho nhà đầu tư, mà cho cả người sử dụng điện, tạo cơ hội mở rộng thị trường bán điện, kích thích đầu tư, đặc biệt là bảo đảm an ninh năng lượng cho mỗi nước. Nó có ý nghĩa quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trong quá trình đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa ASEAN khi mà nhu cầu năng lượng sơ cấp của khu vực này được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần trong khoảng từ năm 2005 đến 2030 với 1.252 triệu tấn dầu quy đổi. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 4%, cao hơn so với mức trung bình của thế giới là 1,8%. Bên cạnh đó, với 15 dự án tổng trị giá 5,9 tỉ US, chương trình Kết nối lưới điện ASEAN (APG) được dự báo sẽ giúp tiết kiệm 662 triệu USD đầu tư mới và chi phí vận hành nếu các thành viên ASEAN có thể chia sẻ khả năng cung cấp, truyền tải điện.
Lưới điện ASEAN từ ý tưởng đến hiện thực là cả một chặng đường dài khó khăn.
...Vướng mắc cũng không nhỏ
Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tế là cả một quãng đường dài khó khăn. Việc thực hiện kết nối vào một lưới điện xuyên quốc gia như APG không phải là dễ dàng, nhất là khi xử lý các vấn đề vượt qua biên giới các quốc gia. Hiệu quả năng lượng là mục tiêu chính nhưng hợp tác năng lượng cũng rất quan trọng trong sự thành công của chương trình Kết nối lưới điện ASEAN.
Theo ông Shiva Susarla Prasad, một chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Năng lượng thuộc Đại học Quốc gia Singapore, tới nay chương trình APG đã đạt được một số bước tiến. Ví dụ, Thái Lan đã ký kết thỏa thuận truyền tải điện với Lào và Malaysia, đồng thời, giữa Malaysia và Singapore cũng có một thỏa thuận tương tự. Tuy nhiên, các nước khác như Việt Nam và Myanmar, chưa ghi nhận tiến triển nào đáng kể trong quá trình kết nối vào APG, ông Prasad đánh giá bên lề Tuần lễ Năng lượng Quốc tế tổ chức gần đây tại Singapore.
Mặc dù đánh giá cao các nỗ lực hợp tác của các nước ASEAN trong việc hoàn thành các dự án APG nhưng ông Prasad cũng cho rằng, việc triển khai APG còn gặp nhiều khó khăn phụ thuộc vào năng lực tài chính của mỗi nước, sự không hợp nhất về kỹ thuật hệ thống điện, khoảng cách các nước xa nhau. Mỗi quốc gia lại có thị trường điện, cấu trúc thuế quan và thiết kế thị trường khác nhau. Bên cạnh đó, sự không hợp nhất về tiêu chuẩn hệ thống kỹ thuật điện giữa các quốc gia với nhau cũng là một rào cản. Sự khác nhau này được thể hiện khá rõ giữa Lào và Singapore. Do đó, cần phải xác định và thống nhất một tiêu chuẩn kết nối duy nhất.
Một trở ngại nữa là cấu trúc thuế. Các quốc gia ASEAN phải thảo luận và thống nhất một mức thuế suất mua bán điện qua biên giới rất rõ ràng. Ngoài ra các vấn đề liên quan đến giá điện cũng là một hạn chế. Mỗi quốc gia có một thiết kế thị trường khác nhau. Một số quốc gia có những nhà khai thác điện độc lập nhưng ở một số nước thì lĩnh vực điện năng vẫn còn dựa vào trợ cấp dẫn đến việc giá điện ở các quốc gia này không phản ánh giá thực tế. Do đó, một số quốc gia phải điều chỉnh giá điện về đúng giá thực tế trước khi kết nối thực sự vào lưới điện toàn khu vực. Đây là một vấn đề lớn. Trừ Singapore là nước giàu có ra, các nước khác trong ASEAN đều đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau và đều không muốn tính phí bán điện quá cao cho người tiêu dùng, cho dù là hộ gia đình hay doanh nghiệp. “Tôi nghĩ rằng sẽ mất hơn một thập kỷ nữa để ASEAN có một mạng lưới điện kết nối toàn khu vực thực sự. Các thành viên có thể phải chờ đợi cho đến khi các quốc gia trong khối có sự phát triển đồng đều hơn. Họ sẽ phải phát triển kinh tế cho đến khi có thể sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để mua điện từ các nước thành viên ASEAN khác”, ông Prasad nhận định.
Bên cạnh đó, mâu thuẫn của một số ít quốc gia trong khu vực ASEAN với nhau như xung đột biên giới Thái Lan – Campuchia,… cũng là một cản trở thiết lập đàm phán hợp tác giữa các nước này, theo quan điểm của ông Prasad, tuy rằng, nếu nhìn vào bức tranh tổng thể, ông không nghĩ rằng những xung đột này sẽ làm trì hoãn toàn bộ quá trình hình thành lưới điện ASEAN.
Không chỉ thu hút sự quan tâm chú ý của các chuyên gia năng lượng trong khu vực, chương trình Kết nối Lưới điện ASEAN còn được các tổ chức quốc tế rất quan tâm. Bà Maria van der Hoeven, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của khu vực cần phải xây dựng một chiến lược dựa trên một đánh giá tổng thể hệ thống điện. Việc hình thành các mạng lưới điện thông minh và mạng lưới điện ASEAN là một cơ hội cho khu vực và quá trình này cần phải tiếp thu kinh nghiệm từ những sai lầm khi xây dựng mạng lưới điện khu vực của các khu vực khác trên thế giới như châu Âu. Tây Ban Nha là một ví dụ về một quốc gia có công suất năng lượng tái tạo lớn nhưng thất bại vì không có đủ cơ sở hạ tầng lưới điện để hỗ trợ. Vì vậy, ASEAN cần phải học hỏi từ những thất bại của quá khứ và rút ra những bài học để xây dựng thành công lưới điện toàn khu vực.
Theo Petrotimes