Ngày 6/10, Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia Petronas đã quyết định đầu tư 36 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng của Canada.
Theo kế hoạch, Petronas sẽ tiến hành xây dựng một nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng và tài trợ cho một công ty của Canada để xây dựng một hệ thống đường ống dẫn khí từ nhà máy này ra bờ biển phía Tây của Canada để xuất khẩu sang châu Á.
Canada vẫn đang 'hút' các nước châu Á đầu tư vào lĩnh vực năng lượng
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gặp Thủ tướng Canada Stephen Harper để thảo luận tiềm năng vận chuyển khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Canada qua Thái Bình Dương sang Nhật Bản. Mặc dù không có thỏa thuận chắc chắn nào được tuyên bố, nhưng báo chí Nhật Bản đã đưa ra dự đoán rằng chuyến hàng xuất khẩu LNG đầu tiên của Canada có thể đến Nhật Bản sớm nhất là năm 2018 và không chậm hơn năm 2020.
Điều này phản ánh một khó khăn lớn hơn rằng Canada phải phát triển các cảng xuất khẩu LNG. Giá thấp của khí đốt miền Tây Canada là một vấn đề khác, và mặc dù có lý do để tin rằng giá khí đốt sẽ tăng cao hơn, nhưng các công ty sản xuất Mỹ ít bị ảnh hưởng bởi mức giá hiện nay hơn.
Mặt khác, khi giá khí đốt tăng lên, có những quan ngại tại Canada về một kịch bản từ phá sản tới hưng thịnh điển hình; và quan ngại rằng các công ty sản xuất khí đốt Canada vẫn tiếp tục ít được chuẩn bị, chứ đừng nói đến khả năng được lợi từ sự hưng thịnh đó.
Tuy nhiên, Ấn Độ cũng đang xếp hàng để mua dầu mỏ và khí đốt của Canada. Đại sứ Ấn Độ tại Canada Nirmal Verma mới đây cũng vừa ký kết một hiệp định hợp tác hạt nhân, cho phép bán urani từ Canada cho Ấn Độ để sử dụng cho các lò phản ứng hạt nhân. Ấn Độ đang tìm cách tăng gấp ba sản lượng điện trong thập kỷ tới, một phần bằng việc xây dựng khoảng một chục lò phản ứng hạt nhân mới.
Hiệp định trên đã đạt được từ ba năm trước, nhưng cần thêm thời gian để thiết lập một tiến trình thẩm tra độc lập rằng số nhiên liệu urani trên được sử dụng vì các mục đích hòa bình. Năm 1974, Ấn Độ đã sử dụng một lò phản ứng do Canada cung cấp để làm nhiên liệu cho một vụ thử bom hạt nhân.
Ấn Độ còn muốn xem xét đầu tư vào dự án đường ống năng lượng phía Đông, cho dù công ty TransCanada đã hoãn việc đăng ký với Cơ quan năng lượng quốc gia Canada về dự án này từ năm nay đến sang năm. Lý do trì hoãn là những quan ngại môi trường cần giải quyết trong tiến trình quy định, cũng như việc tăng công suất đường ống từ mức khoảng 850.000 thùng/ngày lên khoảng 1,1 triệu thùng/ngày.
Từ năm ngoái, các cuộc đàm phán năng lượng giữa Canada và Ấn Độ đã lên đến cấp bộ trưởng và Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ dự kiến thăm Canada vào cuối tháng này để tiếp tục thảo luận.
Tình hình ngành dầu cát cũng đang trở nên sáng sủa hơn khi trạm xuất khẩu dầu thô bằng đường sắt dự kiến bắt đầu chuyển 50.000 thùng/ngày sang thị trường Mỹ vào tháng tới. Số dầu xuất khẩu sang Mỹ bằng tàu hỏa có thể tăng gấp 10 lần vào cuối năm 2014.
Theo TTXVN