Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Việt Nam vào tuần tới. Theo nhận định của tờ Wall Street Journal, cho rằng, trong chuyến thăm Việt Nam này của nhà lãnh đạo Nga, hai bên có thể sẽ ký kết nhiều thỏa thuận về năng lượng và đây là điểm nhấn trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin.
Dự kiến Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tập đoàn Rosneft sẽ ký kết hợp tác khai thác dầu khí ở Nga và Việt Nam
Trong số các thỏa thuận được dự kiến ký kết bao gồm: thỏa thuận giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tập đoàn Rosneft về hợp tác khai thác dầu khí ở Nga và Việt Nam, và một biên bản ghi nhớ trong đó Rosneft sẽ cung cấp dầu lửa cho PetroVietnam trong vòng 3 năm tới.
Ngoài ra, phía Việt Nam cũng đang hợp tác với Công ty điện lực Rosatom của Nga để được hỗ trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên Ninh Thuận 1. Việt Nam đặt mục tiêu điện hạt nhân sẽ đáp ứng 6,6% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của cả nước vào năm 2030. Việt Nam cần chuyên môn, không chỉ để xây dựng mà còn để vận hành 8 nhà máy điện hạt nhân được xây dựng theo như mục tiêu đề ra.
Tờ Wall Street Journal cho rằng, Việt Nam có thể trở thành thị trường điện hạt nhân mới lớn nhất thế giới, và Nga đang chiếm ưu thế dẫn đầu trên thị trường này. Nga đã nhất trí cung cấp một khoản vay trị giá 8 tỷ USD để giúp Việt Nam phát triển điện hạt nhân. Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cũng phát đi tín hiệu quan tâm tới thị trường điện hạt nhân của Việt Nam.
Nhật Bản thì đang trong quá trình đàm phán với phía Việt Nam về cung cấp vốn cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai mang tên Ninh Thuận 2. Vào năm 2011, Việt Nam đã ký hợp đồng với công ty điện hạt nhân Japan Atomic Power của Nhật về nghiên cứu khả thi cho dự án này. Việc xây dựng nhà máy này, được dự kiến sẽ sử dụng công nghệ Nhật, có thể bắt đầu vào năm 2015, và việc phát điện sẽ bắt đầu vào năm 2021.
Trong khi đó, Hàn Quốc có thể sẽ xây nhà máy điện hạt nhân thứ ba ở Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, nói rằng, Hàn Quốc quan tâm tới việc giới thiệu công nghệ hạt nhân của mình ở Việt Nam, đồng thời cho biết, hai bên đã bắt đầu cùng nghiên cứu dự án để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.
Trong chiến lược điện hạt nhân của mình, Việt Nam được tờ Wall Street Journal nhận xét là có một hướng đi khác so với các quốc gia Đông Nam Á khác - những nước còn ngần ngại khả năng phải đối mặt với những rủi ro mà điện hạt nhân có thể mang lại, như trường hợp nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.
Vì lo ngại vấn đề an toàn, Philippines đã quyết định đóng cửa nhà máy điện hạt nhân duy nhất của nước mình. Đây là máy điện hạt nhân đã xây xong, nhưng chưa bao giờ được sử dụng có tên Bataan Nuclear Power Plant, công suất 620 megawatt và chi phí xây dựng 2,3 tỷ USD. Trong khi đó, Malaysia gần đây phát tín hiệu Chính phủ nước này sẽ tạm dừng các kế hoạch điện hạt nhân.
“Việt Nam cần xây dựng một chương trình điện hạt nhân để có đủ điện dùng, và quá trình này cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực ở các ngành khoa học khác nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế”, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu.
Ninh Thuận 1, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, dự kiến sẽ đưa lò phản ứng đầu tiên đi vào hoạt động vào năm 2020 và lò phản ứng thứ hai hoạt động từ năm 2021.
Nhà chức trách Việt Nam nhấn mạnh nhu cầu tiêu thụ năng lượng như lý do chính để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Nhu cầu năng lượng của Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ hơn 10% mỗi năm, trong khi các nguồn năng lượng khác của Việt Nam không còn dồi dào.
Dầu khí đáp ứng 31% nhu cầu năng lượng của Việt Nam, nhưng sản lượng dầu thô đã đạt đỉnh. Các nhà máy thủy điện đáp ứng 40% nhu cầu và theo dự kiến, số nhà máy thủy điện sẽ được tăng nhanh từ con số 260 nhà máy hiện nay với tổng công suất 13.694 megatwatt. Việt Nam muốn bổ sung thêm 211 nhà máy thủy điện nữa với tổng công suất là 6.713 megawatt. Than là nguồn nhiên liệu đáp ứng 20% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của cả nước, nhưng nguồn tài nguyên than là hữu hạn và dự kiến, Việt Nam sẽ bắt đầu phải nhập khẩu than vào năm 2015.
Tổng sản lượng điện của Việt Nam năm nay dự kiến đạt 130 tỷ kilowatt giờ. Đến năm 2030, khi tất cả 13 lò phản ứng hạt nhân đi vào hoạt động theo dự kiến, sản lượng điện sẽ tăng gấp hơn 6 lần hiện nay, lên mức 834 tỷ kilowatt giờ.
Chính phủ Việt Nam chưa tính tới chi phí cho các dự án điện hạt nhân. Tuy nhiên, theo ông Vương Hữu Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử, chi phí xây dựng một nhà máy điện hạt nhân 2.000 megawatt với hai lò phản ứng giống như nhà máy điện hạt nhân đầu tiên mà Việt Nam định xây ít nhất sẽ là 8 tỷ USD, tương đương 6% GDP của Việt Nam năm 2012.
Ông Trần Chí Thành cho rằng, Việt Nam sẽ phải đào tạo nguồn nhân lực đủ tiêu chuẩn để vận hành an toàn các nhà máy điện hạt nhân. “Đào tạo nguồn nhân lực cho kế hoạch phát triển điện hạt nhân đã được thực hiện dần”, ông Thành cho biết. Ông nói thêm rằng, Việt Nam hiện còn thiếu nhân lực được đào tạo hiểu về công nghệ điện hạt nhân và có thể làm việc với các đối tác nước ngoài.
Theo NangluongVietnam