Luật số 77/2025/QH15 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực hướng tới phát triển bền vững và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam. Luật không chỉ mang ý nghĩa pháp lý mà còn là công cụ chiến lược thúc đẩy chuyển dịch xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và định hình hành vi tiêu dùng của toàn xã hội.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ) đã bám sát theo 04 chính sách được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bao gồm: Chính sách 1: Về nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chính sách 2: Về quản lý, phát triển đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chính sách 3: Quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chính sách 4: Chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.
Luật sửa đổi, bổ sung 19 Điều và bổ sung 01 Điều của Luật SDNL TK&HQ ban hành năm 2010.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ thúc đẩy chuyển dịch xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên
Kế thừa Luật năm 2010
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật SDNL TK&HQ - Luật số 50/2010/QH12) được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.
Việc ban hành Luật đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật về SDNL TK&HQ ở nước ta. Luật đã cơ bản thể chế hóa chủ trương, đường lối quan điểm nhất quán của Đảng, và Nhà nước, xác định SDNL TK&HQ là chính sách được ưu tiên hàng đầu, giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế gắn với an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Về cơ bản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ kế thừa hầu hết các quy định về quản lý năng lượng hiện tại của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành năm 2010, trong đó gồm các nội dung được quy định tại 12 Chương và 48 Điều, trong đó có 29 Điều được giữ nguyên.
Lần sửa đổi này tập trung vào việc xây dựng các công cụ tài chính, kỹ thuật tăng cường trong hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, tuân thủ các yêu cầu mới của thị trường quốc tế (Chính sách 2, 3), Chính sách 1, 4 tiếp tục kế thừa các quy định của Luật Sử SDNL TK&HQ năm 2010, tuy nhiên có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định mới ban hành.
Tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật tập trung hoàn thiện các chính sách của nhà nước và tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng; tăng cường trách nhiệm của cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; bổ sung đối tượng dán nhãn năng lượng là vật liệu xây dựng; cũng như hoàn thiện các quy định cho mô hình tổ chức dịch vụ năng lượng.
Đặc biệt, Luật mới ban hành đã bổ sung các ưu đãi và quy định thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đây được xem là cơ chế tài chính tạo sự linh hoạt, thông thoáng nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tăng cường phân cấp, phân quyền
Nội dung Luật liên quan tới việc phân cấp, phân quyền tại 04 khoản của 04 Điều của Luật năm 2010 (Điều 30, Điều 32, Điều 39, Điều 40) và cải cách thủ tục hành chính tại 04 khoản của 03 Điều (Điều 34, Điều 35, Điều 39).
Các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã được rà soát, đảm bảo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ và xem xét thực hiện phân cấp tối đa. Thực hiện phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với nội dung ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Thực hiện phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng về nội dung ban hành danh mục phương tiện, thiết bị, vật liệu xây dựng phải dán nhãn năng lượng và lộ trình thực hiện.
Đặc biệt, Luật Bãi bỏ nội dung Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm.
Cắt giảm 50% thủ tục hành chính
Qua rà soát, Luật năm 2010 bao gồm 04 thủ tục hành chính. Luật sửa đổi, bổ sung đã thực hiện cắt giảm 02 thủ tục hành chính (tỉ lệ cắt giảm 50%) về cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng và cấp chứng chỉ kiểm toán năng lượng, giữ nguyên 02 thủ tục cấp chứng chỉ người quản lý năng lượng và chứng nhận phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng.
Tương thích các điều ước, cam kết quốc tế
Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát các điều ước, cam kết quốc tế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và nhận thấy các nội dung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ không trái với các cam kết hay điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nội dung này đã được Bộ Công Thương đánh giá tác động cụ thể tại Báo cáo đánh giá tác động dự án Luật.
Thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ được dựa trên nguyên tắc bảo đảm bình đẳng nam, nữ và không phân biệt đối xử về giới, cụ thể hóa và đảm bảo quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 “nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới là một căn cứ quan trọng của việc rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật” (Khoản 2, Điều 20 Luật Bình đẳng giới). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ không có nội dung quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới như ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới trong thực hiện quy định. Các quy định của Luật được áp dụng chung, không mang tính phân biệt.
Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Vì vậy, cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ bản nguồn năng lượng hợp lý theo hướng giảm thiểu nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, tăng mạnh nguồn năng lượng tái tạo, tăng cường thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ tiếp tục quán triệt, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước giải quyết được các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, đồng thời tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ vướng mắc, rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công