Wednesday, 09/07/2025 | 22:12 GMT+7

[EMAGAZINE] Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

18/06/2025

Ngày 18/6/2025, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.


Ngày 18 tháng 6 năm 2025, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ).

425/426 Đại biểu tán thành 

Chiều 18/6, tại Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, với 425/426 ĐBQH có mặt tán thành. Dự thảo Luật đã sửa đổi 19 Điều, bổ sung 01 Điều mới và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.

Dự án Luật đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng khung pháp lý mới, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế gắn với an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. 

Trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ.


Về thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo, Luật rà soát để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 55-NQ/TW, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cụ thể, dự thảo Luật đã có quy định giải pháp đột phá, tháo gỡ các điểm nghẽn đối với hoạt động SDNLTK&HQ, bổ sung mô hình tổ chức dịch vụ năng lượng (Điều 43a), mô hình quỹ, tăng cường khuyến khích, ưu đãi đầu tư, áp dụng các công nghệ SDNLTK&HQ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, trong xây dựng và giao thông vận tải (Điều 41); cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (Điều 34, 39), tăng cường phân cấp, phân quyền (Điều 32, 39).

Kết quả biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ 


Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ đã  giải quyết được các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, đồng thời tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ vướng mắc, rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động SDNL TK&HQ.


Luật được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì phiên họp lần 1 Ban Soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ

Luật SDNL TK&HQ (Luật số 50/2010/QH12) được thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Luật số 50/2010/QH12 đã khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước coi SDNL TK&HQ là chính sách được ưu tiên hàng đầu, giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế gắn với an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. 


Một hệ thống văn bản quy phạm dưới Luật đã được ban hành, tương đối đầy đủ và đồng bộ, tạo nên khung pháp lý cần thiết cho việc triển khai hoạt động, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về SDNL TK&HQ. Hệ thống pháp luật có hiệu lực, đã thúc đẩy sự vào cuộc của hệ thống chính trị trên phạm vi toàn quốc, làm thay đổi nhận thức và hành vi của toàn xã hội.


Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai thi hành, đến nay đã bộc lộ một số bất cập cần phải rà soát để sửa đổi, bổ sung một số nội dung được quy định tại Luật SDNL TK&HQ để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động sử dụng năng lượng, ứng phó với các thách thức mới.

Mục tiêu chính của Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ, nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về việc SDNL TK&HQ và và khắc phục một số vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh trong nước, thế giới hiện nay và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tận dụng, thu hút được các nguồn lực trong và ngoài nước để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Quá trình xây dựng Luật

Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ Công Thương đã đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:

- Ngày 03 tháng 02 năm 2025, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 308/QĐ- BCT thành lập Ban soạn thảo (gồm 29 thành viên) và Tổ biên tập (gồm 38 thành viên) xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ.

- Ngày 11 tháng 2 năm 2025, Bộ Công Thương ban hành lấy ý kiến bằng văn bản của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, cơ quan có liên quan, các hội, hiệp hội, các Tập đoàn, Tổng Công ty; đăng tải toàn văn Dự thảo Luật và Tờ trình trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Công Thương để lấy ý kiến rộng rãi người dân và doanh nghiệp.


- Bộ Công Thương đã tổ chức các hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, đối tác tác phát triển trên phạm vi cả nước.


- Dự thảo Luật sau khi chỉ lý, giải trình, tiếp thu ý kiến đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Công Thương ngày 05 tháng 3 năm 2025.


- Ngày 05 tháng 3 năm 2025, Bộ Công Thương đã có Công văn số 1664/BCT-ĐCK gửi Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định hồ sơ dự án Luật.


- Ngày 14 tháng 3 năm 2025, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo thẩm định gửi Bộ Công Thương. Bộ Công Thương đã tiến hành giải trình, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.

- Ngày 12 tháng 3 năm 2025, Thường trực Chính phủ đã họp, cho ý kiến chỉ đạo đối với dự án Luật. Bộ Công Thương đã tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đầy đủ các ý kiến của Thường trực Chính phủ tại Phiên họp.


- Ngày 19 tháng 3 năm 205, Chính phủ họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3 năm 305 cho ý kiến đối với dự án Luật. Căn cứ Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2025 của Chính Phủ, Bộ Công Thương đã tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.


- Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký ban hành Tờ trình số 76/Ttr-CP ngày 08/4/2025 trình Quốc hội về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ và đã được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) thực hiện thẩm tra sơ bộ đối với dự án Luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến dự án Luật.


- Bộ Công Thương đã tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội và hiệu chỉnh hồ sơ dự án Luật. Ngày 29/4/2025, Ủy ban KH,CN&MT đã tổ chức Phiên họp thẩm tra dự án Luật.

Bà Nguyễn Thị  Lâm Giang - Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) trình bày tại    phiên họp thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ

Đánh giá về tác động của dự án Luật, ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: “Về mặt kinh tế, dự án Luật giúp các doanh nghiệp và người dân thay đổi phương thức, sử dụng trang thiết bị hiệu quả hơn, làm sao sử dụng những trang thiết bị xanh hơn, TKNL hơn, bảo vệ môi trường, sử dụng các công nghệ xanh... Về mặt xã hội, Luật sửa đổi một số điều của Luật SDNL TK&HQ làm cho nhận thức của người dân thay đổi tích cực hơn”.

Sửa đổi 19 Điều, bổ sung 1 Điều mới

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ tập trung sửa đổi 04 nhóm chính sách gồm: Chính sách 1: Về nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chính sách 2: Về quản lý, phát triển đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chính sách 3: Quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chính sách 4: Chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng. 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ kế thừa các nội dung được quy định tại 12 Chương và 48 Điều của Luật SDNL TK&HQ ban hành năm 2010. Đồng thời, dự án Luật đã sửa đổi 19 Điều, bổ sung 01 Điều mới. 


Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ không trái với các cam kết và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc xây dựng dự án Luật dựa trên nguyên tắc đảm bảo bình đẳng nam, nữa và không phân biệt đối xử về giới, cụ thể hóa và đảm bảo quyền con người theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.


Những điểm mới đáng chú ý của Luật

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực SDNL TK&HQ

- Luật điều chỉnh tăng cường trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý, kiểm tra tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức tiêu thụ năng lượng của các doanh nghiệp tại địa phương và việc xây dựng kế hoạch SDNL TK&HQ hàng năm và năm năm. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch của địa phương, kiểm tra, giám sát tuân thủ các quy định về SDNL TK&HQ.

- Đơn giản tối đa các thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng và cấp chứng chỉ kiểm toán năng lượng.

- Giao Bộ Xây dựng ban hành định mức sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng.

Thúc đẩy phát triển thị trường ESCO

Tăng cường quản lý, phát triển đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực SDNL TK&HQ


- Hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các cơ chế hỗ trợ và khuyến khích để hình thành hệ thống các tổ chức, dịch vụ tư vấn năng lượng (ESCO). Tổ chức, công ty dịch vụ năng lượng thực hiện đăng ký hoặc khai báo hoạt động đối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.


- Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực tiết kiệm năng lượng bằng cách quy định nội dung, chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ kiểm toán năng lượng, quản lý năng lượng.


- Bổ sung thêm nội dung quy định cụ thể về thời hạn của chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng và chứng chỉ quản lý năng lượng và quy định điều kiện kinh doanh ngành nghề kiểm toán năng lượng để đảm bảo chất lượng dịch vụ.


- Công khai danh sách tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ năng lượng và công bố tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý.

Tăng cường chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực SDNL TK&HQ


- Bổ sung quy định thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hoá, bảo đảm độc lập về tài chính, không trùng lặp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.


- Luật cũng bổ sung, làm rõ các quy định hỗ trợ tài chính đối với hoạt động đầu tư các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó có các dự án nâng cấp, cải tạo dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, mở rộng các ưu đãi về thuế, đất đai để xây dựng cơ sở sản xuất cho tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng

- Bổ sung, làm rõ đối tượng bắt buộc dán nhãn năng lượng cho nhóm vật liệu xây dựng.

- Cập nhật các tiêu chuẩn, định mức hiệu suất năng lượng tối thiểu, tiến tới loại bỏ thiết bị lạc hậu, khuyến khích thị trường sản xuất và tiêu dùng những phương tiện, thiết bị hiệu suất cao, thân thiện môi trường.

Chia sẻ về hiệu quả và sự cần thiết của các điểm mới trong dự án Luật, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng: “Luật sửa đổi, bổ sung với 04 nhóm chính sách với những quy định rất cụ thể và việc chúng ta phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương cũng như nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, các chủ thể quản lý, các đối tượng tiêu hao nhiều năng lượng thì sẽ tạo ra cú hích rất lớn trong quá trình thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của tất cả các lĩnh vực ở Việt Nam".

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với an ninh năng lượng của quốc gia, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững. Đồng thời, dự án Luật cũng giúp Việt Nam kịp thời tận dụng, thu hút và huy động được các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, đạt được các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, đưa quốc gia tiến vào kỷ nguyên vươn mình theo hướng chuyển dịch xanh - tương lai xanh.

Top
QRcode ENG