Thursday, 26/12/2024 | 18:17 GMT+7
Việt Nam có nhiều tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều công nghệ, thiết bị sử dụng trong các doanh nghiệp công nghiệp hiện nay đã lạc hậu, hiệu quả sử dụng thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng. Để thúc đẩy TKNL trong các ngành công nghiệp, giải pháp về vốn chính là "chìa khoá" cho doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án TKNL.
Thực tế, trong những thập kỷ qua, nhu cầu về năng lượng trong khối công nghiệp ngày càng cao. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng điện trong lĩnh vực này tăng trung bình 13%/năm trong giai đoạn 2001 - 2010, và 10,5%/năm trong giai đoạn 2011 - 2019. Việt Nam đã chuyển từ nước xuất siêu về năng lượng sang nhập siêu từ năm 2015. Điều này đặt ra áp lực rất lớn cho việc phát triển nguồn cung năng lượng, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển ổn định của các ngành kinh tế nói chung, trong đó có ngành công nghiệp.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: Công nghiệp là lĩnh vực có tỷ trọng tiêu thụ năng lượng rất cao (chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng cả nước) thì việc đẩy mạnh sử dụng hiệu quả năng lượng, TKNL, tiết kiệm điện sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương, của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Chương trình VNEEP). Trong giai đoạn hiện nay và các năm sắp tới Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp TKNL ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp.
TKNL được coi là một trong các giải pháp hiệu quả và thiết thực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, ổn định phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc đầu tư TKNL trong các doanh nghiệp công nghiệp nói chung còn chưa tương xứng với lợi ích.
Lý giải thực tế này, ông Chu Bá Thi, Chuyên gia năng lượng cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự thiếu vốn chuyển đổi công nghệ. Việc áp dụng một phần hay đồng bộ các giải pháp TKNL, chẳng hạn như: lắp đặt các thiết bị, hệ thống tiêu thụ năng lượng hiệu suất cao, thu hồi nhiệt thải, tích hợp năng lượng tái tạo… đều cần một nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn tài chính cho đầu tư là một thách thức đối với đa số các doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Chu Bá Thi, ngoài yếu tố tài chính thì còn có yếu tố nhận thức về TKNL hạn chế và rủi ro khi đầu tư trong lĩnh vực này”. Đây là một rào cản khiến đầu tư TKNL ít khi nằm trong danh mục ưu tiên của doanh nghiệp. Ông Chu Bá Thi cũng cho rằng, chi phí năng lượng chưa phản ánh đúng thực tế và các hạn chế ưu đãi cho TKNL trong chính sách cũng là một phần lý do cho việc chậm trễ triển khai các hoạt động TKNL tại doanh nghiệp công nghiệp.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp, trong giai đoạn tới, cần có những cơ chế đẩy mạnh những giải pháp và tháo gỡ các cơ chế khó khăn cho doanh nghiệp nhất là các cơ chế về tài chính để giúp các doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, mạnh dạn hơn, mạnh mẽ hơn đầu tư vào các giải pháp công nghệ TKNL.
Theo ông Trịnh Quốc Vũ, để giảm cường độ sử dụng năng lượng, để giải quyết bài toán phát triển công nghiệp bền vững chính là các doanh nghiệp phải TKNL. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều chương trình thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp. Trong đó, mô hình hỗ trợ vốn thực hiện dự án TKNL thông qua các tổ chức tài chính được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Chương trình cho vay đầu tư TKNL, một hợp phần của dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam - Dự án VSUEE” do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ, Bộ Công Thương phối hợp cùng WB triển khai. Dự án tạo điều kiện cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng tiếp cận Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF) có giá trị 75 triệu USD do GCF tài trợ.
Chia sẻ thêm về Dự án VSUEE, ông Chu Bá Thi cho biết, dự án được xây dựng từ ý tưởng sáng tạo kết hợp hỗ trợ kỹ thuật và Quỹ chia sẻ rủi do lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam nhằm huy động tài chính từ khu vực tư nhân với các điều kiện vay tốt hơn.
“Qua dự án này chúng tôi kỳ vọng sẽ thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh tín dụng đối với các dự án đầu tư về TKNL, tháo gỡ một số rào cản, vướng mắc hiện tại về quy định tiếp cận các nguồn vốn thương mại. Đồng thời tạo động lực huy động các nguồn lực tài chính, thúc đẩy các bên liên quan gồm doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại triển khai các dự án, phát triển thị trường đầu tư cho TKNL”, ông Chu Bá Thi, Chuyên gia năng lượng cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) - Đơn vị quản lý quỹ RSF của Dự án VSUEE cho biết: Dự án nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại (NHTM) để đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng và TKNL trong quá trình sản xuất.
Qua việc tiếp cận các khoản vay ưu đãi, doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn để nâng cao năng lực tài chính, sẵn sàng cho việc chuyển đổi các công nghệ TKNL hiện đại. Thông qua đó tiết giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các khu vực kinh tế phát triển đang ngày càng coi trọng việc tối ưu hiệu quả sử dụng tài nguyên. Hàng hoá Việt Nam sẽ thiếu sức cạnh tranh nếu vẫn giữ phương thức sản xuất truyền thống.
Mặt khác, việc tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng không chỉ có ý nghĩa thiết thực với doanh nghiệp, mà còn đóng góp đáng kể cho các mục tiêu giảm phát thải chung của cả nền kinh tế.
Xi măng là một trong những ngành công nghiệp tiêu thụ than và điện lớn nhất, nhiệt lượng dư thừa khí thải trong khâu sản xuất được sử dụng một phần cho khâu nghiền sấy nguyên liệu và than, nhưng lượng nhiệt dư theo khí thải phát tán ra môi trường chưa được khai thác triệt để. Điều đó dẫn tới tiêu hao điện năng cho một đơn vị sản phẩm xi măng ở Việt Nam còn lớn.
Với ngành xi măng, công nghệ thu hồi nhiệt khí thải để phát điện có hiệu quả rất cao giảm phát thải bụi, nhiệt lượng ra môi trường và cung cấp đến 30% điện năng sử dụng trong các nhà máy xi măng.
Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có một số nhà máy lắp công nghệ này trong đó có Công ty Cổ phần Xi măng Tân Thắng. Với mục tiêu tiết kiệm tối đa nguyên liệu, năng lượng cho sản xuất, hạn chế tối đa phát thải khí gây ô nhiễm môi trường, hướng đến giảm giá thành sản phẩm tăng sức cạnh tranh, xi măng Tân Thắng đã triển khai nhà máy nhiệt điện khí thải theo hình thức BOT.
Anh Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng phòng Công nghệ, Công ty Cổ phần Xi măng Tân Thắng cho biết: “Tổng điện năng tiêu thụ nhà máy từ 23 - 25 MW/h, sử dụng nhiệt điện khí thải công suất phát 7 MW/h, như vậy, tiết kiệm được tới 30% tổng điện năng tiêu thụ. Việc triển khai dự án phát nhiệt điện khí thải để tận dụng nguồn nhiệt dư sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải bụi, giúp hoạt động sản xuất thân thiện hơn với môi trường”.
Công ty Cổ phần Gạch Granit Nam Định (Công ty VID) là một điển hình trong việc áp dụng các giải pháp TKNL nhằm giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh. Các giải pháp được Công ty áp dụng mang lại hiệu quả bao gồm: đầu tư dây chuyền công nghệ lò nung mới, thu hồi nhiệt thải để tận dụng cho lò sấy, quản lý nội vi, tận dụng ánh sáng tự nhiên...
Ông Nguyễn Kim Túc, Tổng giám đốc VID chia sẻ: Ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là gạch tấm lớn và gạch granite thì nhiên liệu sử dụng trong sản xuất để cấu thành lên giá sản phẩm chiếm tỉ trọng rất cao. Do đó việc quan tâm và chú trọng đến TKNL trong đầu tư thiết bị, công nghệ cũng như vận hành là nhiệm vụ số 1 được Công ty VID đặt ra. Công ty luôn sẵn sàng đầu tư điều kiện tối ưu nhất để công tác TKNL, bảo vệ môi trường đạt hiệu quả.
Lợi ích kinh tế đã rõ ràng. Ngoài lợi ích kinh tế, đầu tư hệ thống để TKNL giúp các doanh nghiệp sản xuất hướng tới giảm phát thải khí ra môi trường. Các nguồn vốn vay vốn ưu đãi là cú hích lớn với các doanh nghiệp để mạnh dạn thay đổi.