Saturday, 05/07/2025 | 00:41 GMT+7

[EMAGAZINE] Tiết kiệm năng lượng - Chìa khóa bền vững cho ngành giấy

04/07/2025

Tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp ngành giấy giảm chi phí sản xuất mà còn là chìa khóa để doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.


Tiết kiệm năng lượng giúp ngành giấy giảm chi phí sản xuất,  là "chìa khóa" để doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.


Ngành giấy tiêu tốn nhiều năng lượng

Ngành giấy là một trong 5 ngành công nghiệp có mức độ tiêu thụ nhiều năng lượng lớn nhất thế giới - đứng vị trí thứ 5 và tỷ trọng sử dụng năng lượng chiếm tới 4% năng lượng toàn cầu mỗi năm.


Trong giai đoạn 2019 - 2024, ngành giấy Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ từ 13 - 15%/năm. Cụ thể, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp ngành giấy tăng 10,49%/năm, sản xuất tăng 13,28%/năm, tiêu thụ tăng 5,7%/năm, xuất khẩu tăng 33,64%/năm. Trong đó, các doanh nghiệp ngành giấy tiêu thụ khoảng 5% tổng năng lượng tiêu thụ trong tất cả các ngành công nghiệp, với 3 sản phẩm trọng tâm bao gồm giấy bao bì, giấy tissue, giấy in - viết không tráng phủ.

Theo số liệu khảo sát, đánh giá từ Hiệp hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam (VPPA), năng lượng chiếm tới 20% -30% tổng chi phí sản xuất của một nhà máy sản xuất giấy - một tỷ lệ khá cao nếu so với nhiều ngành công nghiệp khác.


Trong bối cảnh giá điện, than, dầu liên tục biến động, việc tiết kiệm năng lượng không chỉ là yêu cầu cấp bách về môi trường, mà còn là yếu tố sống còn để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.


Nhiều giải pháp hỗ trợ từ
cơ quan quản lý

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP 3) là một chính sách trọng điểm do Bộ Công Thương chủ trì nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực - đặc biệt là các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn. Ngành giấy được xác định là một ngành công nghiệp trọng điểm. Nhiều doanh nghiệp giấy đã được hỗ trợ từ Chương trình VNEEP trong việc tư vấn kỹ thuật, tài chính, và hỗ trợ công nghệ. Các doanh nghiệp có thể tiếp cận các giải pháp tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi nhiên liệu, và nâng cao hiệu suất sản xuất, đồng thời được hưởng các ưu đãi về tài chính và chính sách khuyến khích thúc thẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Hỗ trợ doanh nghiệp giấy nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng

Bên cạnh đó, VPPA cũng phối hợp với Bộ Công Thương và Tổ chức GIZ (CHLB Đức) triển khai Mạng lưới Hiệu quả năng lượng ngành Giấy từ năm 2021. Mạng lưới này được thành lập nhằm mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành giấy nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm chi phí sản xuất và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.


Để thúc đẩy các doanh nghiệp ngành Giấy tiết kiệm năng lượng, ngày 23/11/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 24/2017/TT-BCT quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành sản xuất giấy. Nhờ áp dụng các biện pháp công nghệ, kỹ thuật tiết kiệm năng lượng được đề xuất, các doanh nghiệp ngành giấy đã tiết kiệm được lượng năng lượng lớn. 


Bộ Công Thương đang xây dựng và sửa đổi định mức sử dụng năng lượng ngành giấy đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp ngành giấy trong quá trình thực hiện tiết kiệm năng lượng.

Hiệu quả rõ rệt

Điển hình trong áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng là Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco).


Ông Ngô Tiến Luân - Trưởng phòng kỹ thuật Vinapaco cho biết: Để tiết kiệm năng lượng, tại phân xưởng bột nhà máy giấy, Tổng công ty đã thay 04 thiết bị trao đổi nhiệt nồi nấu đã cũ hỏng nhằm giảm tiêu hao hơi; Dừng các cánh khuấy, thiết bị không cần thiết để tiết kiệm điện năng; Bảo ôn các đường ống bị hỏng, tận dụng nguồn nước ngưng nóng của hệ thống chưng bốc để rửa bột, giảm tiêu hao hơi cho gia nhiệt nước nóng…


Tại phân xưởng giấy nhà máy giấy, đã lắp biến tần cho mô tơ cánh khuấy, bể trục bung để điều chỉnh tốc độ động cơ; Chuyển đổi động cơ quạt hút lề và bơm cao áp sang loại có công suất nhỏ hơn nhằm tiết kiệm năng lượng; Chuyển đổi các động cơ có công suất lớn hơn tải định mức sang động cơ phù hợp với công suất đang sử dụng…

Tại nhà máy điện, các giải pháp được áp dụng bao gồm: San tải, ghép tải và thay thế các máy biến áp non tải bằng máy áp có công suất thấp hơn, tăng hệ số công suất; Lắp biến tần cho các động cơ có tải thay đổi (các cánh khấy, bơm…); Tận dụng bộ trao đổi nhiệt cũ, tận dụng nguồn nước ngưng nóng của hệ thống chưng bốc để dùng gia nhiệt cho nước cấp lò hơi; Lắp các lá chắn điều chỉnh cửa gió của các quạt khói, gió cho lò hơi động lực, nâng cao hiệu quả cháy của lò…


Tại nhà máy hóa chất, Tổng công ty đã tận thu nhiệt năng từ nước sau làm nguội Clo khu vực sấy Clo để vận hành bình nước nóng khu vực hóa hơi Clo.


Để cải thiện hiệu suất năng lượng, bao gồm việc sử dụng, tiêu thụ và hiệu quả năng lượng, Vinapaco đã xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018. 

Công ty CP Giấy Việt Trì cũng là doanh nghiệp thu được nhiều lợi ích từ tiết kiệm năng lượng.


Ông Phạm Ngọc Cường - Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Giấy Việt Trì cho biết: Tại Giấy Việt Trì, chi phí năng lượng chiếm từ 8-10% chi phí sản xuất. Để giảm chi phí giá thành cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thời gian qua Công ty CP Giấy Việt Trì đã nghiêm túc thực hiện quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Bên cạnh những giải pháp mang tính nội vi như: ban hành những quy định, hướng dẫn có liên quan đến vận hành; sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng; nâng cao ý thức cán bộ công nhân viên về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị định kỳ… Công ty cũng luôn chú trọng đầu tư chiều sâu về thiết bị mới, công nghệ hiện đại, nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp, áp dụng công nghệ mới nhằm tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng.


Cụ thể, Công ty đã lắp đặt biến tần cho các động cơ công suất lớn để giảm tiêu hao năng lượng. Năm 2021, Giấy Việt Trì đã đầu tư dây chuyền sản xuất giấy bao bì với công suất 100.000 tấn/năm với công nghệ hiện đại, tự động hóa cao giúp giảm tiêu hao năng lượng. 


Đối với hệ thống bơm, Công ty đã thay bơm chân không vòng chất lỏng truyền thống bằng bơm turbo có công suất rất lớn và hiệu suất cao. Giải pháp này đã giúp hệ thống bơm giảm 40-45% chi phí điện năng so với trước đó.


Đối với chiếu sáng, Công ty đã tận dụng ánh sáng tự nhiên và sử dụng bóng đèn Led tiết kiệm điện.

Tiết kiệm năng lượng không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật, mà đã trở thành chiến lược phát triển then chốt đối với doanh nghiệp ngành giấy trong bối cảnh biến động giá năng lượng và áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng. Những kết quả tích cực từ các mô hình tiên phong như Vinapaco hay Giấy Việt Trì cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng rất lớn nếu doanh nghiệp quyết liệt đầu tư vào đổi mới công nghệ, cải tiến vận hành và ứng dụng quản lý năng lượng hiệu quả.


Trong thời gian tới, việc tiếp tục hoàn thiện khung chính sách, cập nhật định mức tiêu hao năng lượng phù hợp với trình độ sản xuất mới, cùng với sự đồng hành của các chương trình hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quốc tế, sẽ là động lực quan trọng để ngành giấy Việt Nam chuyển đổi theo hướng xanh, tiết kiệm và bền vững hơn. 


Tiết kiệm năng lượng không chỉ là giải pháp tình thế, mà là chìa khóa giúp doanh nghiệp nâng cao nội lực, tạo lợi thế dài hạn và đồng hành cùng mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia.

QRcode ENG