Các tác động tích cực của Luật đến người dân, doanh nghiệp và xã hội là rõ ràng nếu được triển khai đồng bộ, có lộ trình và đi kèm hỗ trợ chính sách kịp thời. Tuy nhiên, muốn luật đi vào đời sống một cách hiệu quả, người dân cần được trang bị đầy đủ thông tin, chính sách, kỹ năng và sự hỗ trợ phù hợp. Đây không chỉ là câu chuyện của cơ quan nhà nước - mà còn là trách nhiệm của từng cá nhân, từng cộng đồng trong công cuộc chuyển dịch xanh vì một Việt Nam phát triển bền vững.
Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành, Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) quy định chi tiết, hướng dẫn và triển khai Luật đầy đủ, đúng tiến độ. Đồng thời, các Bộ, ngành sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức thực thi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với các hình thức phù hợp với từng đối tượng, phân công, phối hợp liên ngành để triển khai thực hiện Luật và tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật, bảo đảm nguồn lực thực hiện và giám sát, thanh tra, kiểm tra, theo dõi thi hành luật.
Tác động đến người dân - tiêu dùng dân cư
Nâng cao nhận thức và hình thành hành vi tiêu dùng mới: Luật với các quy định mới như mở rộng đối tượng dán nhãn năng lượng sẽ giúp người dân dễ dàng lựa chọn thiết bị hiệu suất cao, từ đó tạo áp lực ngược buộc nhà sản xuất cải tiến công nghệ. Hành vi tiêu dùng bền vững dần trở thành xu hướng phổ biến trong xã hội.
Nhãn năng lượng giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn thiết bị hiệu suất cao.
Tác động đến chi tiêu hộ gia đình: Ban đầu, việc lựa chọn thiết bị hiệu suất cao có thể khiến chi phí đầu tư ban đầu cao hơn. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, người dân sẽ tiết kiệm được chi phí điện nước, qua đó giảm gánh nặng tài chính.
Tác động gián tiếp từ chính sách ưu đãi và hỗ trợ: Các hộ gia đình nghèo, vùng sâu vùng xa có thể được hỗ trợ thông qua các chương trình do Quỹ tiết kiệm năng lượng tài trợ, giúp tiếp cận thiết bị tiết kiệm điện, nâng cao chất lượng sống.
Tác động đến doanh nghiệp và thị trường lao động
Thúc đẩy đầu tư công nghệ xanh: Luật khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiết giảm tiêu hao năng lượng. Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận tốt hơn các thị trường có yêu cầu khắt khe về năng lượng và phát thải như EU.
Hình thành và mở rộng thị trường dịch vụ năng lượng (ESCO): Với cơ chế pháp lý rõ ràng, các công ty ESCO sẽ có điều kiện phát triển mạnh, kéo theo nhu cầu nhân lực kỹ thuật, tài chính, quản trị tăng mạnh.
Thị trường tài chính xanh phát triển: Quỹ tiết kiệm năng lượng dự kiến sẽ là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển thị trường tín chỉ carbon, trái phiếu xanh. Từ đó hình thành các sản phẩm tài chính sáng tạo, thu hút đầu tư tư nhân.
Tác động đến cộng đồng và xã hội
Giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia: Việc tăng cường hiệu suất sử dụng năng lượng tại cả khu vực dân cư và sản xuất sẽ giúp giảm nhu cầu điện đỉnh, giảm nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm.
Tăng cường công bằng xã hội và tiếp cận năng lượng: Thông qua các chính sách hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương (hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng khó khăn), Luật góp phần thúc đẩy bình đẳng năng lượng, một khía cạnh quan trọng của công bằng xã hội.
Góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống: Giảm tiêu thụ năng lượng đồng nghĩa với giảm phát thải CO2 và các chất ô nhiễm khác, từ đó cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng.
Tăng hiệu suất sử dụng năng lượng, giảm nhu cầu điện
Tác động đến thể chế và quản trị nhà nước
Nâng cao hiệu lực thực thi chính sách năng lượng: Luật tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho kiểm toán năng lượng, xử phạt hành vi vi phạm và giám sát hiệu quả thực thi, góp phần chuyên nghiệp hóa công tác quản lý năng lượng.
Tăng cường phối hợp liên ngành và phân cấp hiệu quả: Luật tạo điều kiện hình thành các cơ chế phối hợp giữa Bộ Công Thương - Bộ Xây dựng - Bộ Nông nghiệp và môi trường - Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Tài chính trong hoạch định và thực thi chính sách liên quan đến hiệu quả năng lượng.
Với việc Luật số 77/2025/QH15 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2026, người dân sẽ là một trong những chủ thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các thay đổi về chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Để quá trình thực thi đạt hiệu quả, người dân cần đặc biệt lưu ý các khía cạnh sau:
1. Lựa chọn và sử dụng thiết bị dán nhãn năng lượng
- Hiểu đúng về nhãn năng lượng: Việc mở rộng diện đối tượng dán nhãn sang vật liệu xây dựng, thiết bị tiêu thụ công nghiệp đòi hỏi người tiêu dùng phải có kiến thức cơ bản về các cấp độ hiệu suất năng lượng.
- Tránh mua nhầm sản phẩm không đạt chuẩn: Người dân cần ưu tiên lựa chọn sản phẩm có dán nhãn năng lượng xác thực và tìm hiểu qua các kênh chính thống (Cổng thông tin của Bộ Công Thương, website của các nhà sản xuất uy tín).
- Thận trọng với hàng giả, nhái: Tăng cường cảnh giác với sản phẩm trôi nổi, dán nhãn năng lượng giả mạo - vốn có thể gây rủi ro vận hành, lãng phí điện năng.
2. Cân đối chi phí đầu tư - lợi ích dài hạn
- Thiết bị tiết kiệm điện thường có giá thành cao hơn so với thiết bị thông thường. Tuy nhiên, hiệu quả vận hành sẽ giúp tiết giảm hóa đơn tiền điện hàng tháng.
- Cần có kế hoạch tài chính hợp lý: Các hộ gia đình nên được hướng dẫn cách tính chi phí đầu tư - thời gian hoàn vốn - lợi ích lâu dài để đưa ra quyết định tiêu dùng đúng đắn.
3. Cập nhật thông tin và chính sách hỗ trợ
- Tận dụng chính sách tài chính từ Quỹ tiết kiệm năng lượng (nếu có): Một số chương trình hỗ trợ đổi mới thiết bị, hỗ trợ lãi suất, trợ giá có thể được triển khai - người dân cần theo dõi để kịp thời tiếp cận.
- Tham gia các chương trình tuyên truyền và đào tạo cộng đồng do các địa phương, hội phụ nữ, hội nông dân… phối hợp tổ chức, để cập nhật thông tin và nâng cao kiến thức sử dụng điện tiết kiệm.
Cập nhật thông tin và nâng cao kiến thức sử dụng điện tiết kiệm
4. Hình thành thói quen tiêu dùng năng lượng hợp lý
- Tắt thiết bị khi không sử dụng, chọn giờ thấp điểm sử dụng điện là những hành động đơn giản nhưng mang lại hiệu quả lớn.
- Ưu tiên giải pháp tự nhiên (thông gió, chiếu sáng…) thay vì sử dụng máy móc công suất lớn trong điều kiện không cần thiết.
- Hướng tới thói quen tiêu dùng bền vững - đây là xu thế tất yếu không chỉ vì lợi ích tài chính mà còn vì trách nhiệm môi trường.
5. Tham gia giám sát và phản hồi thực hiện chính sách
- Báo cáo vi phạm: Khi phát hiện hành vi gian lận dán nhãn, lắp đặt thiết bị không đạt chuẩn hoặc hành vi quảng cáo sai lệch, người dân nên chủ động báo cho cơ quan chức năng địa phương.
- Đề xuất chính sách phù hợp thực tiễn: Thông qua tổ chức chính trị - xã hội, người dân có thể kiến nghị điều chỉnh chính sách để phù hợp với từng nhóm dân cư đặc thù (vùng núi, hải đảo, hộ nghèo...).
Người dân không chỉ là đối tượng chịu tác động mà còn là động lực của thay đổi trong chuyển dịch xanh. Sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của từng cá nhân, từng hộ gia đình - nếu được lan tỏa rộng rãi - sẽ tạo ra chuyển động xã hội quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi thành công Luật 77/2025/QH15.
Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công