Saturday, 23/11/2024 | 07:06 GMT+7

Việt - Nga và tầm nhìn chiến lược điện hạt nhân

11/11/2013

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin chứng tỏ Nga đang tìm cách khẳng định vị thế là đối tác tin cậy và thích hợp trong việc cung cấp công nghệ hạt nhân cho Việt Nam.

Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist (Anh) cho hay: Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin chứng tỏ Nga đang tìm cách khẳng định vị thế là đối tác tin cậy và thích hợp trong việc cung cấp công nghệ hạt nhân cho Việt Nam.
ec0749012_46_forbes.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Nga V. Putin (tháng 5/2013) trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trước chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin cũng đã có bài viết về sự phát triển quan hệ Nga-Việt, với đầu đề "Nga-Việt Nam: Cùng nhau đi tới những chân trời hợp tác mới". Tổng thống Putin khẳng định: "Sự hợp tác của chúng ta trong lĩnh vực năng lượng không chỉ hạn chế ở khai thác dầu khí. Nga đang giúp đỡ xây dựng một ngành công nghiệp hoàn toàn mới mẻ đối với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - đó là ngành công nghiệp nguyên tử.

Tập đoàn Rosatom sẽ xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh Ninh Thuận. Theo tiến độ, hai tổ máy năng lượng của nhà máy này dự kiến sẽ được khởi động lần lượt vào năm 2023 và 2024. Hai bên cũng đang thảo luận kế hoạch hợp tác xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân".

Nguồn tin của The Economist khẳng định: Chuyến thăm của Tổng thống Putin sẽ giúp Nga củng cố hơn nữa vị trí dẫn đầu trong cuộc đua giành các hợp đồng phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.

Trước đó, tờ Wall Street Journal cho rằng, Việt Nam có thể trở thành thị trường điện hạt nhân mới lớn nhất thế giới, và Nga đang chiếm ưu thế dẫn đầu trên thị trường này. Nga đã nhất trí cung cấp một khoản vay trị giá 8 tỷ USD để giúp Việt Nam phát triển điện hạt nhân. Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cũng phát đi tín hiệu quan tâm tới thị trường điện hạt nhân của Việt Nam.

Nhật Bản thì đang trong quá trình đàm phán với phía Việt Nam về cung cấp vốn cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai mang tên Ninh Thuận 2. Vào năm 2011, Việt Nam đã ký hợp đồng với công ty điện hạt nhân Japan Atomic Power của Nhật về nghiên cứu khả thi cho dự án này. Việc xây dựng nhà máy này, được dự kiến sẽ sử dụng công nghệ Nhật, có thể bắt đầu vào năm 2015, và việc phát điện sẽ bắt đầu vào năm 2021.

1f652887a_hive_894445_leningradskaya_nuclear_power_plant.jpg

Các nhà khoa học Nga đang thiết kế tấm pin khổng lồ nặng 38 tấn, có chiều cao ngang tòa nhà ba tầng có khả năng “trẻ hóa” vỏ bọc kim loại của các lò phản ứng điện hạt nhân.

Trong khi đó, Hàn Quốc có thể sẽ xây nhà máy điện hạt nhân thứ ba ở Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, nói rằng, Hàn Quốc quan tâm tới việc giới thiệu công nghệ hạt nhân của mình ở Việt Nam, đồng thời cho biết, hai bên đã bắt đầu cùng nghiên cứu dự án để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.

Trong chiến lược điện hạt nhân của mình, Việt Nam được tờ Wall Street Journal nhận xét là có một hướng đi khác so với các quốc gia Đông Nam Á khác - những nước còn ngần ngại khả năng phải đối mặt với những rủi ro mà điện hạt nhân có thể mang lại, như trường hợp nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.

Theo NangluongVietnam.vn