Saturday, 16/11/2024 | 02:41 GMT+7

Triển vọng từ…rác

04/06/2014

Nhằm giảm áp lực lên các nguồn năng lượng hóa thạch, ngoài việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng mới cũng đang được nghiên cứu và khai thác. Trong đó sản xuất điện từ rác thải là một trong những giải pháp bắt đầu đem lại hiệu quả.

Theo tính toán của Viện Năng lượng, trong 10 năm qua, nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng trung bình 10% mỗi năm. Riêng nhu cầu về điện tăng 14,5 %. Nhằm  giảm áp lực lên các nguồn năng lượng hóa thạch, ngoài việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng mới cũng đang được nghiên cứu và khai thác. Trong đó sản xuất điện từ rác thải là một trong những giải pháp bắt đầu đem lại hiệu quả.

Kinh nghiệm từ thế giới

Tại các nước phát triển, rác thải không còn là nỗi ám ảnh mà trở thành một nguồn năng lượng thay thế. Ở Đan Mạch, những nhà máy sản xuất điện năng và nhiệt năng từ rác được xây dựng trên khắp đất nước. Rác thải không thể tái chế được đưa vào lò đốt để phục vụ cho các nhà máy sản xuất nhiệt điện hoặc lấy nhiệt sưởi ấm cho khu dân cư.

Những nhà máy rác này đã giúp Đan Mạch cung cấp đáng kể năng lượng sử dụng, qua đó, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt. Ngoài ra, nó còn giúp giảm diện tích đất sử dụng bãi rác và lượng khí CO2 phát thải. Trước những hiệu quả đáng kể mà rác mang lại, Đan Mạch thậm chí còn nhập khẩu rác để sản xuất điện.


c2d8076f6_xulyraccuanguoinhat.jpg

Rác được phân loại nghiêm ngặt tại Nhật Bản

Nhật Bản cũng là một quốc gia đi đầu trong công nghệ biến rác thải thành năng lượng. Người Nhật có câu “ Khi để lẫn lộn, rác vẫn là rác. Khi phân loại, rác là tài nguyên”. Bởi thế, ở nước này, rác được phân loại nghiêm ngặt trước khi đưa vào xử lý. Các loại thức ăn thừa, rác nhà bếp được dùng để sản xuất phân hữu cơ. Rác không thể tái chế, nhưng có thể cháy được đưa vào làm chất đốt trong các nhà máy sản xuất xi măng hay luyện gang thép. Ngay đến lượng dầu ăn thu gom được từ rác nhà bếp cũng được các nhà máy chế biến thành nhiên liệu cho động cơ diesel.

Gian nan áp dụng công nghệ

Theo thống kê từ Bộ Xây Dựng, năm 2007, Việt Nam có khoảng 31 triệu tấn rác. Dự kiến đến năm 2020, con số này là 81 triệu tấn và đến năm 2025 là 110 triệu tấn. Rác là nguồn năng lượng tiềm năng, nhưng trên thực tế, khoảng 80% rác thải ở nước ta vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt bỏ ngoài trời. Chỉ khoảng 20% rác thải được xử lý triệt để, đem tái chế hoặc sử dụng để sản xuất điện.

Biến rác thải thành năng lượng là bài toán còn nhiều vướng mắc. Trong đó, thu gom và phân loại rác chưa tốt đang là nguyên nhân hàng đầu cản trở việc sản xuất nguồn năng lượng mới này. Nhiều nơi, đặc biệt là các vùng vùng nông thôn vẫn còn thiếu các phương tiện thu gom rác thải. Theo thống kê từ Trung tâm Thông Tin, Tư Vấn và đào tạo Tài nguyên và Môi trường, lượng rác thải rắn ở nông thôn được thu gom mới chỉ đạt mức từ 20-30%.

3ce245bce_rac.jpg

Thu gom và phân loại rác ở nước ta vẫn còn lạc hậu

Bên cạnh đó, ý thức phân loại rác của người dân vẫn chưa cao. Các loại rác tái chế và không tái chế, cháy được và không cháy được, thường không phân loại. Vì vậy, cách giải quyết phổ biến nhất được nhiều địa phương áp dụng vẫn là mang đi chôn lấp hoặc đốt.

Trong lượng rác mang đi chôn lấp, có từ 50-70% rác thải có thể cháy như gỗ, giấy vụn, bìa, vải... Đây là sự lãng phí rất lớn vì vừa tốn diện tích, gây ô nhiễm môi trường lại không tận dụng được nguồn nhiệt mà lượng rác này mang lại. Việc tự đốt các bãi rác ngoài trời chưa qua xử lý cũng gây hao phí nhiệt năng và phát thải các loại khí độc hại với môi trường.

Tại Việt Nam, nhiều nhà máy xử lý rác thải với công nghệ biến rác thành năng lượng đã và đang được xây dựng và phát triển. Hiện, cả nước có khoảng 20 nhà máy sản xuất phân composte từ rác thải hữu cơ với công suất từ vài chục đến 1 ngàn tấn rác mỗi ngày. Mỗi tấn rác đưa vào sản xuất, sẽ cho ra 600 kg phân hữu cơ, đồng thời phân loại ni lông, kim loại để tái chế, cũng như thu gom được khí mê tan để sản xuất điện.

cc196a20a_sx_phan_tu_rac.jpg

Sản xuất phân compost từ rác thải

Tuy nhiên, việc chưa phân loại rác thải cũng đang ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của các đơn vị này. Theo Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam, mỗi ngày công ty này xử lý khoảng 3 ngàn tấn rác của TP. HCM. Công ty này hiện chưa hoạt động hết công suất. Một dây chuyền phân loại rác tái chế có công suất 500 tấn/ngày vẫn phải nằm “đắp chiếu”. Nguyên nhân là phải chờ TP. HCM phân loại rác tại nguồn.

Mới đây, công ty Nhật Bản Urenco và Ichikawa đã triển khai xây dựng nhà máy sản xuất viên RPF (viên nhiên liệu rắn chất lượng cao được sản xuất từ rác) tại Sóc Sơn, Hà Nội để bán cho các nhà máy đường, xi măng, nhiệt điện... Dự án dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2014. Dù thừa nhận Việt Nam có nhiều tiềm năng về sử rác, nhưng các nhà đầu tư Nhật Bản cũng lo ngại, việc người dân phân loại rác chưa tốt sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc lựa chọn dây chuyền sản xuất.

Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ

Để thu hút và khuyến khích nhiều nhà đầu tư vào các dự án sản xuất năng lượng từ rác, Chính Phủ cần có nhiều hơn nữa những chính sách hỗ trợ. Trong đó, có nhiều ưu tiên cho các dự án sản xuất điện từ rác.

Dự kiến trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Quyết định về “Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện từ chất thải rắn tại Việt Nam”. Trong đó, dự kiến quy định giá mua bán điện tại điểm giao nhận đối với các dự án đốt chất thải rắn trực tiếp là 2.160 đồng/kWh (tương đương hơn 10 USD/kWh). Mức giá này sẽ giúp nhà đầu tư có lãi, bước đầu khuyến khích được việc phát triển sản xuất điện từ rác tại Việt Nam. Đầu tư sản xuất điện từ rác thành công sẽ góp phần đảm bảo thực hiện đúng định hướng phát triển điện tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

d34347c07_sx_dien_rac.jpg

Nhà máy sản xuất điện rác tại Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, sản xuất điện từ rác thải là công nghệ khá mới mẻ ở Việt Nam. Ðể kêu gọi đầu tư, các địa phương cần phối hợp cùng các cơ quan chức năng sớm tháo gỡ những rào cản, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này. Bộ Công Thương sẵn sàng cùng các bên tìm kiếm giải pháp, xây dựng cơ chế chính sách cụ thể để sớm có nhà máy xử lý chất thải rắn, đặc biệt là các nhà máy từ rác. 

Hải Yến