Friday, 22/11/2024 | 23:21 GMT+7
Để giảm
phát khí thải nhà kính gây tác động đến biến đổi khí hậu thì các dự án đầu tư
cần sử dụng các vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng và chú trọng tới yếu tố
hiệu quả năng lượng ngay từ giai đoạn thiết kế và giám sát thi công.
Đây là
ý kiến được đưa ra trong chương trình Năng lượng sạch Việt Nam - Nâng cao hiệu
quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực xây dựng, chương trình do Bộ Xây dựng
phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ vừa tổ chức tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ Bộ Xây
dựng, cho biết chương trình nằm trong chiến lược phát triển khí thải thấp hơn với
mục đích giảm tiêu thụ điện trong cả nước bằng cách cải thiện hiệu quả sử dụng
năng lượng trong lĩnh vực xây dựng thông qua triển khai bộ quy chuẩn xây dựng
Việt Nam.
Bước đầu, dự án sẽ hợp tác với 5 Sở Xây dựng là Hà Nội, Hải
Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, những nơi có tốc độ đô thị
hóa ngày càng nhanh để thực hiện thí điểm.
Tại hội nghị, các chuyên gia nhận định để giảm khí phát thải
khí nhà kính thì các tòa nhà cần thỏa mãn bốn tiêu chí là sự tiện dụng, thiết kế,
độ bền và thẩm mỹ.
Việc thẩm định tòa nhà cần xem xét các khía cạnh về chiếu
sáng tự nhiên, nhiệt độ, thông gió, điều hòa.
Các dự án đầu tư cần sử dụng thiết bị, vật liệu thân thiện với
môi trường và ngay từ khi thiết kế phải chú trọng đến yếu tố tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam còn thiếu nhân lực, cán bộ kỹ thuật về hiệu quả năng
lượng.
Việc tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ cho tòa nhà còn
gặp nhiều khó khăn trong khi giá thành của các thiết bị hiện đại còn quá cao và
người sử dụng chưa thực sự quan tâm tới tiết kiệm năng lượng.
Do đó, ngoài việc chú trọng đào tạo nâng cao trình độ nguồn
nhân lực cho ngành xây dựng, dự án sẽ thu thập số lượng và việc sử dụng năng lượng
của các tòa nhà, ông Joseph Deringer Trưởng đoàn tư vấn dự án chia sẻ.
Đây là cơ sở để có các giải pháp tiết kiệm năng lượng cũng
như hệ thống phần mềm theo dõi việc sử dụng điện phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Theo TTXVN