Friday, 22/11/2024 | 02:54 GMT+7
Theo tính toán của các chuyên gia, để tăng trưởng 1% GDP thì ngành điện phải tăng trưởng từ 1,5 - 1,7 lần. Đây là một thách thức không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam nếu không có biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, nhất là trong công nghiệp.
Cần tăng cường tiết kiệm năng lượng trong sản suất công nghiệp
Giảm năng lực cạnh tranh vì chi phí điện
Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, nhiều năm trở lại đây, mức tăng trưởng điện thương phẩm đều trên 10% mỗi năm. Trong đó cơ cấu sử dụng điện trong lĩnh vực công nghiệp chiếm trên 50% sản lượng, thậm chí ở phía Nam chiếm tới 60%. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là hiệu quả đóng góp cho nền kinh tế không tương xứng.
Ông Phạm Lê Thanh - Tổng Giám đốc EVN - cho biết, năm 2014 điện công nghiệp chiếm 53,9% nhưng chỉ đóng góp 38% GDP, trong khi đó tỷ lệ này ở lĩnh vực thương mại dịch vụ chỉ chiếm 4,9% nhưng đóng góp 44% GDP và nông nghiệp đóng góp 18% GDP với tỷ lệ tiêu dùng điện 1,5%.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, ngoài việc bố trí cơ sở sản xuất, hạ tầng kỹ thuật chưa hợp lý, dây chuyền thiết bị quá cũ kỹ, lạc hậu, thiếu đồng bộ, tiêu tốn nhiều điện năng còn phải kể đến sự phá vỡ quy hoạch ngành. Đơn cử như ngành xi măng, hiện có tới 108 dây chuyền đang hoạt động, công suất khoảng 65 triệu tấn, nếu theo quy hoạch đến năm 2015 tổng công suất đạt 75 triệu tấn thì sẽ dư thừa lên tới 10 triệu tấn. Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất xi măng, thép, giấy, đường... đều thừa nhận suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị sản phẩm thường cao hơn mức bình quân của thế giới từ 1,5 - 2 lần và chiếm từ 20 - 40% giá thành sản phẩm. Điều này vừa gây tốn kém cho chính DN, giảm năng lực cạnh tranh đồng thời gây lãng phí điện và áp lực cho ngành điện. Đó cũng là lý do năm nào các ngành luôn “vật vã” kêu khó vì không thể cạnh tranh cả về chất lượng lẫn giá cả.
Cần tập trung vào các ngành công nghiệp tiêu hao năng lượng lớn; có cơ chế hỗ trợ hợp lý đi đôi với chế tài chặt chẽ, đặc biệt về nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian dài.
Cần sự chủ động của doanh nghiệp
Tại nhiều cuộc họp gần đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh, ngành năng lượng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức khi nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt. Cụ thể đến năm 2017, thủy điện lớn đã khai thác hết; công tác thăm dò, khai thác nguồn than, dầu, khí ngày càng gặp khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ điện cho phát triển ngày càng tăng cao, hệ số đàn hồi điện so với GDP không giảm. Do đó yêu cầu cấp bách là phải giảm hệ số đàn hồi năng lượng và đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước thì sự chủ động của DN cũng rất cần thiết.
Trên thực tế, với vai trò là Bộ chủ trì thực hiện chương trình tiết kiệm điện quốc gia từ nhiều năm qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chính sách văn bản pháp luật; quy định về định mức tiêu hao, dán nhãn, kiểm toán năng lượng đối với nhiều ngành; thành lập các trung tâm hỗ trợ tiết kiệm năng lượng; hợp tác tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền... nên công tác tiết kiệm năng lượng đã đạt nhiều kết quả. Các DN đã từng bước nâng cao nhận thức, tiến hành hàng loạt các giải pháp tiết kiệm năng lượng như cải tạo, thiết kế lại hệ thống nhà xưởng, hệ thống chiếu sáng, xây dựng các quy chế tiết kiệm. Tuy nhiên theo một đại diện DN, tiêu hao năng lượng lớn nhất là do hệ thống dây chuyền máy móc nhưng để thay thế cả hệ thống không hề đơn giản vì cần nguồn vốn rất lớn lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Theo Báo Công Thương