Friday, 08/11/2024 | 03:52 GMT+7
Theo Bộ trưởng năng lượng của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Suhali Al Mazrouei, nước này đang tìm cách nâng mục tiêu năng lượng sản xuất từ các nguồn năng lượng sạch lên 30% vào năm 2030.
Bộ trưởng Suhali Al Mazrouei phát biểu: “Chúng ta biết rằng ít nhất 25% điện năng sẽ được sản xuất từ mặt trời và hạt nhân. Nhưng hoàn toàn có tiềm năng nâng mức này lên 30%, phụ thuộc vào số lượng dự án chúng ta có và đang đánh giá.”
Theo kế hoạch hiện tại của chính phủ, điện hạt nhân là nguồn năng lượng không carbon chính. Bốn lò phản ứng hạt nhân do Hàn Quốc thiết kế dự kiến được đưa vào vận hành trong khoảng từ năm 2017 đến 2020. Mỗi lò phản ứng có công suất khoảng 1.400 megawatt, ước tính đáp ứng 25% nhu cầu điện năng vào năm 2020 và thay thế nguồn điện hiện đang được sản xuất bằng khí gas.
Nguồn điện năng khác của nước này chủ yếu đến từ năng lượng mặt trời.
Bộ trưởng Al Mazrouei nhấn mạnh rằng hiệu quả kinh tế của năng lượng mặt trời đang dần được cải thiện, giá bán điện mặt trời của một nhà máy công suất 100 MW tại Dubai năm 2014 là 5,98 USD/KWh. Đây là mức giá khá cạnh tranh so với khí tự nhiên bất chấp sự sụt giảm của giá dầu và gas trên thị trường thế giới.
Năm ngoái, chính phủ ước tính rằng nếu đạt được mục tiêu về năng lượng tái tạo, họ có thể tiết kiệm được từ 1 tỉ đến 3,7 tỉ USD. Hiện họ tin rằng còn có thể tiết kiệm được nhiều hơn trước sự thay đổi của triển vọng giá nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo.
Bộ trưởng Al Mazrouei đã tỏ ý ủng hộ kế hoạch tăng công suất lên 3.000 MW tại công viên năng lượng mặt trời Sheikh Mohammed bin Rashid Maktoum.
Ông cho biết: “Hiện tại đang là thời điểm đáng chú ý của ngành công nghiệp năng lượng mặt trời khi tầm quan trọng của năng lượng tái tạo được đẩy lên cao chưa từng thấy sau hội nghị COP21 và giá dầu sụt giảm mạnh. Năng lượng mặt trời còn phải cạnh tranh xét trên độ ổn định chứ không chỉ trên giá thành sản xuất. Khi việc sản xuất tăng từ 25% lên 40% hoặc 50%, chúng ta cần tìm hiểu công nghệ nhằm giảm giá thành tích trữ năng lượng, khi đó, chúng ta có thể xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.”
Hạnh Nguyễn (Theo The National)