Saturday, 23/11/2024 | 11:38 GMT+7
Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2030, điện sản xuất từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm 30% cơ cấu năng lượng quốc gia. Chính vì vậy Chính phủ khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Đó là thông tin được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra tại buổi làm việc giữa cơ quan này và các đại sứ, phó đại sứ của nhiều quốc gia tại Việt Nam vào chiều 5-10, nguồn tin từ bộ này cho biết.
Tại buổi làm việc trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, theo điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, điện sản xuất từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm 30% cơ cấu năng lượng quốc gia.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, từ nay đến năm 2030 nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ rất lớn. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đang xem xét, cân đối giữa năng lượng tái tạo và năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, than, khí thiên nhiên…). Để phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ đã vận hành thử nghiệm một số dự án điện gió, triển khai xây dựng thử nghiệm nhà máy điện mặt trời, ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo…
Vẫn theo ông Hà, giá điện từ năng lượng tái tạo còn cao so với giá điện từ năng lượng truyền thống cũng dẫn đến việc khó phát triển ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Song sản xuất điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường tăng lên hiện nay… Đây chính là điều Việt Nam cần phải cân nhắc trong đẩy mạnh đầu tư để sử dụng năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường.
Tại buổi làm việc, ông Haike C. Manning, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong kế hoạch cắt giảm sử dụng năng lượng hóa thạch và chuyển sang năng lượng tái tạo. Điều này thể hiện dấu hiệu tích cực cũng như bước tiến của Việt Nam chung tay với cộng đồng quốc tế cắt giảm khí nhà kính, góp phần thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Ông Haike C. Manning cũng cho biết, theo Tuyên bố chung cải cách chính sách trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, đến nay đã có 40 nước tham gia ủng hộ việc loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, các nước thành viên của G20 (19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất và Liên minh châu Âu) cũng đang cân nhắc, xem xét về định hướng xóa bỏ trợ cấp đối với năng lượng hóa thạch từ năm 2025.
Về việc tham gia Tuyên bố chung của Việt Nam về cải cách chính sách trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thảo luận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo http://www.thesaigontimes.vn