Friday, 08/11/2024 | 10:20 GMT+7

Phát triển năng lượng: Kiên quyết loại bỏ bao cấp, độc quyền

27/04/2020

Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Bộ Chính trị ký ban hành ngày 11.2.2020 tạo nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia. Nghị quyết nhấn mạnh: Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.

Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Bộ Chính trị ký ban hành ngày 11.2.2020 tạo nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia. Nghị quyết nhấn mạnh: Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.

Tư duy mới, cởi trói cho kinh tế tư nhân

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã huy động được các nguồn lực xã hội, tư nhân phục vụ cho phát triển năng lượng. Về điện năng, có 28% tổng công suất nguồn điện đến từ khu vực tư nhân, dưới các hình thức đầu tư đa dạng, hiệu quả như hợp đồng BOT, IPP…

Sự ra đời của Nghị quyết 55 sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội mới, to lớn và tiềm năng cho khu vực tư nhân trong tham gia phát triển năng lượng thời gian tới. “Nghị quyết đã nêu rõ các định hướng quan trọng, nguyên tắc mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tất cả ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng nói riêng. Đồng thời, xác định rõ, nguyên tắc để phát triển các nguồn năng lượng một cách hiệu quả là dựa trên yếu tố của giá cả, công nghệ, an toàn” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Và bộ trưởng lưu ý, cần phải kể đến quan điểm rất mới, mang tính quyết sách là tiếp tục xem xét và hình thành những trung tâm năng lượng tái tạo dựa trên nền tảng lợi thế của công nghệ, vị trí địa lý, tiềm năng.

Về những điểm nổi bật của Nghị Quyết 55, nhiều chuyên gia năng lượng cho biết: Nghị quyết 55 cũng tập trung nhấn mạnh về phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo, kết nối với thị trường khu vực và thế giới. Xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định. Không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền. Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, các công cụ có tính thị trường để đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng: Nghị quyết 55 mở ra cánh cửa cho kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng là phù hợp với diễn biến thực tế, khi các loại hình điện năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Theo đó, cần tách bạch chức năng kinh doanh với chức năng quản lý nhà nước; áp dụng các mô hình và thông lệ quản trị tiên tiến, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc tế, triệt để thực hiện công khai, minh bạch hoá trong hoạt động.

TS Nguyễn Hồng Minh – Hội đồng Khoa học Công nghệ (Viện Dầu khí Việt Nam) - cho hay, tinh thần “cởi trói” cho doanh nghiệp tư nhân trong Nghị Quyết 55 thể hiện rất rõ ở những nội dung: Tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch. Công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư, xoá bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước, chú trọng những dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường. Tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng và hiệu quả cho ngành năng lượng. Đẩy nhanh cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành điện. Xây dựng cơ chế đầu tư thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính để bảo đảm tiến độ các công trình điện.

Chủ trương "xanh hóa" ngành năng lượng

Theo Bộ Công Thương, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mang tư duy mới trong phát triển năng lượng quốc gia. Riêng với phát triển năng lượng tái tạo, Nghị quyết 55 đã tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện. Khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.

“Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế. Sớm nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thuỷ triều, hải lưu…” - Nghị quyết 55 nêu rõ. 

Phân tích về vấn đề này, TS Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh: Trong các giải pháp, ngoài việc nêu rõ “ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện”, Nghị quyết 55 lần đầu tiên đề cập đến “xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu”, “thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro” và “xây dựng và triển khai Đề án tích hợp mô hình kinh tế tuần hoàn vào chiến lược phát triển các doanh nghiệp năng lượng”.

Trong phạm vi nhiệm vụ của mình, để thực hiện chủ trương này, ngành Dầu khí cần đi đầu trong nghiên cứu đánh giá tiềm năng và xây dựng chiến lược khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo khác liên quan đến biển, các nguồn năng lượng tái tạo có thể sản xuất tại các cơ sở công nghiệp dầu khí. “Một cơ hội khác là xem xét khả năng thu gom CO2 từ các cơ sở chế biến dầu khí và sản xuất điện dùng cho nâng cao thu hồi dầu, hoặc chôn lấp trong các mỏ dầu khí cạn kiệt, như là một giải pháp giảm phát thải của công nghiệp dầu khí đón đầu kỷ nguyên thuế carbon” - TS Nguyễn Hồng Minh nêu ý kiến.

Nguồn năng lượng bền vững và mục tiêu cụ thể

Nói về khả năng phát triển nguồn năng lượng sạch trong tương lai, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam - cho hay, điện gió (đặc biệt điện gió xa bờ - offshore) và điện mặt trời áp mái còn dư địa rất lớn để phát triển. Nghị quyết số 55 cũng đề cập tới việc sửa đổi, hoàn thiện các luật chuyên ngành về dầu khí, điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và các luật khác liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường. Nghiên cứu, thực hiện luật hoá việc điều hành giá điện và một số ưu đãi cho dự án được khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng. Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm soát và điều phối điện lực...

Nghị quyết 55 đã đưa ra những mục tiêu cụ thể: Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030. Trong đó, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175-195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, đạt khoảng 320-350 triệu TOE. Tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỉ KWh. Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045.

"Hiện nay, chúng ta mới tiêu thụ năng lượng tính theo bình quân đầu người về điện là khoảng 2.200 kWh/người, trong khi bình quân của thế giới là khoảng 3.450 kWh/người. Dự báo đến năm 2030, dân số Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 104 triệu người. Quy mô nền kinh tế của chúng ta cũng sẽ tăng, do đó, nhu cầu về điện sẽ tăng hơn gấp đôi hiện nay và đạt khoảng 550-600 tỉ kWh điện. Mặc dù trong thời gian vừa qua, ngành Năng lượng cũng đã đạt được những thành tựu rất đáng kể để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhưng chúng ta cũng đứng trước rất nhiều những thách thức trong tương lai. Ví dụ, giai đoạn từ 2020 – 2024 được dự báo sẽ bị thiếu điện trầm trọng do một số nhà máy nguồn điện có công suất lớn bị chậm tiến độ, một số dự án truyền tải đang gặp một số khó khăn…" - TS Đoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Nguồn: Báo Lao động