Friday, 22/11/2024 | 20:01 GMT+7
TS. Phương Hoàng Kim
Vụ trưởng Vụ TKNL&PTBV, Bộ Công Thương
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. Chương trình triển khai đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
1. Nỗ lực chuyển đổi chất lượng sử dụng năng lượng thông qua các Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, bảo tồn tài nguyên năng lượng là giải pháp quan trọng trong chính sách an ninh năng lượng quốc gia. Ở khía cạnh kinh tế, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín nghiên cứu về an ninh năng lượng cho rằng, việc đầu tư hiệu quả 01 đồng vốn cho sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mang lại lợi ích tương đương với việc đầu tư 04 đồng vốn cho phát triển nguồn cung. Ở khía cạnh bảo tồn tài nguyên năng lượng, cho dù Việt Nam được coi là quốc gia có nguồn tài nguyên năng lượng phong phú, đa dạng (thủy điện, than, dầu khí, gió, mặt trời…) nhưng qua thực tế phát triển đất nước, chúng ta đã phải chuyển từ trạng thái xuất khẩu ròng năng lượng sang nhập khẩu vào năm 2015. Từ đây có thể thấy rằng, bên cạnh việc khai thác, mở rộng nguồn cung năng lượng việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, gắn với bảo tồn tài nguyên năng lượng là yếu tố then chốt trong đảm bản an ninh năng lượng quốc gia. Vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện, tối ưu hóa chất lượng sử dụng năng lượng của nền kinh tế đã được Chính phủ nhận thức từ rất sớm và chuyển hóa yêu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào cuộc sống thông qua xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi hệ thống chính sách, luật pháp phù hợp.
Ở phạm vị quốc gia, các hoạt động cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng đã được thống nhất hóa trong khung hành động tổng thể thông qua Chương trình mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, được tổ chức triển khai liên tục trong 10 năm (2006 – 2015). Báo cáo tổng kết việc thực hiện Chương trình mục tiêu này cho thấy, Việt Nam đã thu nhận những thành tựu bước đầu rất khả quan nhằm cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng. Chúng ta đã ban hành và tổ chức triển khai Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2011) và các văn bản dưới luật gồm nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư. Mặc dù việc hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần tiếp tục phải rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển của đất nước trong giai đoạn mới nhưng có thể thấy rằng, việc nhanh chóng ban hành và đưa vào thực thi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng là kết quả tạo nền tảng pháp lý quan trọng nhằm điều tiết hoạt động xã hội theo hướng trách nhiệm với tài nguyên năng lượng của đất nước. Rất nhiều các tổ chức quốc tế uy tín đồng hành cùng sự phát triển ngành năng lượng của Việt Nam đánh giá rất cao kết quả này. Các đánh giá khách quan cũng chỉ ra rằng, khoảng 16 triệu TOE tương đương với khoảng 103,7 tỷ kWh giờ điện mà Việt Nam đã tiết kiệm được so với nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội nếu không thực hiện Chương trình mục tiêu này. Hiệu quả các hoạt động thuộc Chương trình không chỉ dừng lại trong thời gian Chương trình diễn ra mà nó tiếp tục đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của cả nước nhiều năm tiếp theo.
2. Sử dụng năng lượng lãng phí, một nguyên nhân làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia
Theo dữ liệu công bố của Ngân hàng Thế giới, chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp tính theo MJ/USD theo giá cơ sở 2015 cho năm 2019 của Việt Nam vào khoảng 5,94 thấp hơn so với Trung Quốc (6,69) nhưng cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN (Malaysia: 4,68; Indonesia: 3,53; Philippines: 312) và Ấn Độ (4,73), cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế hiện đại. Điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam không hiệu quả về mặt năng lượng so với ngay cả các nền kinh tế khác trong khu vực. Nhiều đánh giá của chuyên gia và các tổ chức nghiên cứu uy tín quốc tế cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội kỹ thuật để giảm thiểu tình trạng thất thoát và lãng phí ở khâu sử dụng năng lượng tại tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ cho đến tại hộ gia đình. Các khảo sát, tính toán cho thấy, hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện tuabin hơi đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28% đến 36%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 8 - 10%; hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% năm 2010, và được nâng lên xấp xỉ 70% vào năm 2014. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 10% và nếu so với các nước phát triển thì còn thấp hơn nữa. Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp của nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong công nghiệp sản xuất xi măng, thép, sành sứ, đông lạnh, hàng tiêu dùng... của nước ta có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể tới trên 30%; khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ tiềm năng tiết kiệm cũng không nhỏ. Kinh nghiệm của các quốc gia thành công khi xây dựng một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm phát thải, cho thấy các hoạt động tổng thể về tiết kiệm năng lượng cần được duy trì, củng cố và hoàn thiện liên tục cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, việc duy trì các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam cần thiết phải tiếp tục thực hiện với một kế hoạch và chiến lược dài hạn có định hướng rõ ràng, nhằm loại bỏ những rào cản và kiểm soát nguy cơ phát sinh về gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng quốc gia, đồng thời trực tiếp giải quyết 05 vấn đề cốt lõi sau trong yêu cầu phát triển bền vững, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia: (i) Giảm áp lực đầu tư nguồn điện mới; (ii) Bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia; (iii) Giảm cường độ năng lượng quốc gia; (iv) Bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính; và (v) Đem lại lợi ích kinh tế, xã hội và xây dựng môi trường sống an toàn, văn minh, hiện đại cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng. Trên cơ sở đó, “Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030” (sau đây gọi là Chương trình) là bước triển khai nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển năng lượng, một thành tố quan trọng trong Chiến lược phát triển bền vững quốc gia, với mục tiêu tiến tới đưa Việt Nam trở thành một quốc gia sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.
3. Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. Kỳ vọng đột phá về cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng của Việt Nam.
Ngày 13 tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 tại Quyết định số 280/QĐ-TTg (sau đây gọi tắt là Chương trình quốc gia). Như vậy, kể từ khi kết thúc Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2006-2015), sau 4 năm, Việt Nam đã có kế hoạch tổng thể tầm quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, cũng như bảo tồn tài nguyên năng lượng. Chương trình quốc gia đặt ra hai mục tiêu quan trọng đặt trọng tâm vào việc cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng tại tất cả ngành/lĩnh vực của Việt Nam, tạo tiền đề đưa ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững, ổn định, phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Mục tiêu đầu tiên của Chương trình quốc gia là tiết kiệm từ 8 -10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường. Mục tiêu này được phân kỳ thành 02 giai đoạn: Giai đoạn 2019 -2025 với yêu cầu cả nước phải tiết kiệm từ 5 -7% tổng năng lượng yêu cầu cho phát triển đất nước trong giai đoạn; Giai đoạn 2026 – 2030 với yêu cầu tiết kiệm từ 8 – 10% tổng năng lượng cần thiết để phục vụ việc phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường. Với mục tiêu này, nếu hoàn thành, chúng ta có thể tiết kiệm đươc khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi, tương đương với tổng lượng năng lượng sơ cấp đã tiêu thụ của cả nước vào năm 2014. Mục tiêu thứ hai của Chương trình quốc gia là thay đổi hành vi sử dụng năng lượng của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và trách nhiệm. Đây là mục tiêu hướng tới xây dựng con người, xã hội Việt Nam có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia, với các thế hệ mai sau thông qua thay đổi nhận thức, tư duy, hành vi, hình thành thói quen của người Việt Nam về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nói cách khác, với mục tiêu này, Chương trình quốc gia định hướng lối sống văn minh, hiện đại, trách nhiệm và có văn hóa về sử dụng năng lượng, bảo tồn tài nguyên năng lượng.
Thực hiện các mục tiêu trên, 03 giải pháp nền tảng mà Việt Nam cần phải kiên trì áp dụng. (i) Việt Nam phải lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế. Thay đổi cấu trúc nền kinh tế theo hướng hài hòa, bền vững, hạn chế tiến tới loại bỏ việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu thụ năng lượng. Cần xem xét lại nhu cầu phát triển và cơ cấu tiêu thụ năng lượng của từng ngành, từng lĩnh vực để định hình cấu trúc kinh tế quốc gia ít hoặc hạn chế phát triển dựa vào tiêu thụ năng lượng. (ii) Lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia. Đổi mới công nghệ phải gắn chặt với yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiết kiệm điện. Không nhập khẩu những công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, tiêu thụ điện cao vào Việt Nam. Xây dựng lộ trình thay thế công nghệ, kỹ thuật, máy móc, thiết bị cũ có hiệu suất sử dụng năng lượng, sử dụng điện thấp. (iii) Lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào chiến lược về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải trở thành đặc điểm văn minh của con người Việt Nam mới. Hoạt động tuyên truyền, đào tạo, cải thiện nhận thức của cá nhân, cộng đồng về tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải gắn chặt với việc phát triển con người Việt Nam nhằm xây dựng một xã hội mới có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia, với các thế hệ mai sau trong bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng.
Từ các giải pháp nền tảng trên, Chương trình quốc gia vạch rõ 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm thống nhất, hiệu quả hóa, tận dụng tối đa mọi nguồn lực, tiến tới xã hội hóa việc thực hiện hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi cả nước.
- Đối với công tác pháp quy: Rà soát, đánh giá và lên kế hoạch điều chỉnh bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tập trung việc xây dụng lộ trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về định mức tiêu hao năng lượng, tiêu hao điện cho các ngành, tiểu ngành, đảm bảo 100% các ngành, tiểu ngành sẽ có kế hoạch xây dụng định mức tiêu hao năng lượng/điện. Rà soát, lên kế hoạch việc thực hiện điều chỉnh các nội dung liên quan đến sử phạt vi phạm về sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các văn bản quy phạm pháp luật.
- Đối với công tác pháp chế: Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát toàn diện việc thực hiện quy định pháp luật về sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt đối với các ngành/tiểu ngành đã có quy định về định mức tiêu hao năng lượng, tiêu hao điện năng.
- Đối với công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Điều chỉnh, bổ sung và ban hành giáo trình, tài liệu học tập, đào tạo về kiểm toán năng lượng, người quản lý năng lượng, đảm bảo bắt kịp thay đổi thực tiễn trong kiểm toán năng lượng và quản lý năng lượng tại các cơ sở sở sản xuất, kinh doanh. Lập kế hoạch xây dựng và chuẩn bị đầu tư các trung tâm đào tạo về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Xây dựng mạng lưới đào tạo nhân sự về kiểm toán năng lượng và người quản lý năng lượng gồm các cơ sở đào tạo tại các địa phương, các cơ sở đào tạo đại học, giáo dục nghề nghiệp, viện nghiên cứu liên quan. Tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho các ngân hàng thương mại có hoạt động tín dụng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
- Đối với công tác đầu tư cải tạo, nâng cấp công nghệ, thay thế trang thiết bị, máy móc: Triển khai nhanh, hiệu quả các dự án tín dụng quốc tế thúc đẩy tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. Lập danh mục công nghệ, trang thiết sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với một số ngành/lĩnh vực có cường độ sử dụng năng lượng cao.
- Đối với công tác đổi mới sáng tạo trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: lập kế hoạch tài trợ hoặc tài trợ một phần đối với các nghiên cứu ứng dụng, triển khai các giải pháp hữu ích về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
- Đối với công tác cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Phối hợp và lồng ghép mục tiêu sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào Đề án tới cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ giai đoạn 2021-2025.
- Đối với công tác tuyên truyền, đào tạo, cải thiện hành vi sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Xây dựng kế hoạch, nội dung và triển khai từng phần nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục để cải thiện hành vi của cá nhân, tập thể về tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo các nhóm đối tượng: với công chức, viên chức, nhân viên văn phòng; với người lao động tại các đơn vị sản xuất kinh doanh; với học sinh, sinh viên; với nông dân v.v.
- Đối với lĩnh vực hợp tác quốc tế: Xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho giai đoạn 2020-2025 theo hướng tập trung các hỗ trợ tài chính cho đổi mới, cải tạo công nghệ, kỹ thuật trong các ngành/lĩnh vực có cường độ sử dụng năng lượng cao, tính cạnh tranh yếu. Hoàn thiện và đưa vào triển khai các dự án hợp tác quốc tế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Nhận thức được vai trò quan trọng của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với giai đoạn phát triển mới của công nghiệp năng lượng nói riêng, của nền kinh tế Việt Nam nói chung, Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia được thành lập do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban Chỉ đạo, thành viên là lãnh đạo các bộ ngành, một số tập đoàn kinh tế, hội khoa học và công nghệ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bộ trưởng Bộ Công Thương là Phó Trưởng ban thường trực của Ban Chỉ đạo. Để Chương trình quốc gia triển khai có hiệu quả, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và đặc biệt là UBND các tỉnh đặc biệt quan trọng, trong đó, việc triển khai thực hiện Chương trình tại các địa phương được coi là điểm mấu chốt quyết định việc hoàn thành các mục tiêu mà Chương trình quốc gia đã đề ra.