Sunday, 12/01/2025 | 20:57 GMT+7

Nhiều kết quả tích cực trong sản xuất, tiết kiệm năng lượng

03/08/2021

Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Tại báo cáo Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Điện lực năm 2004 giai đoạn 2005 - 2020, Bộ Công Thương đã cập nhật tình hình tiết kiệm điện.

Giảm tỷ lệ tổn thất điện năng
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết: Trong những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện quyết liệt các biện pháp trong quản lý kỹ thuật và quản lý kinh doanh, nhằm giảm tỷ lệ điện năng dùng để sản suất điện (điện tự dùng ở các nhà máy phát điện), giảm tổn thất điện năng (điện năng dùng để truyền tải và phân phối điện).

Tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm dần qua các năm
Do vậy tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm dần qua các năm từ 11,78% năm 2005 xuống còn 9,36% năm 2008.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2009-2010, tỷ lệ tổn thất điện năng có tăng không đáng kể (9,57% năm 2009 và 10,15% năm 2010). Nguyên nhân do EVN mới tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn vốn có tổn thất điện năng khá cao (nếu không tính tổn thất do tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn thì tổn thất thực hiện năm 2010 là 9,26%).
Trong giai đoạn 2015-2020, các đơn vị đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp nên đã giảm tổn thất điện năng trên lưới điện từ 7,94% vào năm 2015 xuống 6,49% năm 2019 và đến năm 2020 giảm còn 6,42%. Như vậy, trong giai đoạn 2015-2020 tỷ lệ tổn thất điện năng giảm được 1,52% (bình quân giảm 0,304%/năm).
Nhiều chương trình tiết kiệm trong sử dụng điện
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, sự kiện Giờ trái đất được Bộ Công Thương chủ trì tổ chức vào tháng 3 hàng năm đã thu hút được đông đảo nhân dân cả nước tham gia hưởng ứng, với các thông điệp mạnh mẽ như: “Tiết kiệm năng lượng - ứng phó biến đổi khí hậu” (2015); “Hành động nhỏ - ý nghĩa lớn” (2016); “Tắt đèn, bật tương lai” (2017); “Hôm nay tôi sống xanh hơn” (2018); “Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ trái đất” (2019). Sản lượng điện tiết kiệm trong 01 giờ tắt đèn hàng năm, bình quân là 470.000 kWh, tiết kiệm chi phí tiền điện khoảng 750 - 800 triệu đồng trong 01 giờ tắt đèn.
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo triển khai nhiều chương trình nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm điện của người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể: Việc triển khai Chương trình Gia đình tiết kiệm điện có tác dụng nâng cao nhận thức người dân, cộng đồng trong sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày của các hộ gia đình, từ đó lan tỏa sang nhiều đối tượng và cộng đồng. Tiết kiệm tối thiểu 10% điện năng tiêu thụ trong sinh hoạt (so với điện năng tiêu thụ cùng kỳ của năm trước) vào các tháng mùa khô (tháng 4, 5, 6 tại miền Bắc, tháng 6, 7, 8 tại miền Trung và tháng 3, 4, 5 tại miền Nam).
Triển khai Chương trình chuyển đổi hiệu suất năng lượng cho các phương tiện thiết bị tiêu thụ điện, EVN đã phối hợp với Công ty Hiệu quả năng lượng EESL (Ấn Độ) xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án “Chuyển đổi thị trường chiếu sáng trong sinh hoạt ở Việt Nam thông qua sử dụng đèn LED hiệu suất cao”. EVN đã phối hợp Công ty EESL khảo sát và làm việc với các đơn vị: EVNSPC, EVNHCMC và EVNHN, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Hiệp hội Chiếu sáng Việt Nam và ECPAY nghiên cứu các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.
Năm 2017, EVN đã tổng kết Chương trình hỗ trợ hộ nông dân trồng thanh long thay đèn sợi đốt bằng đèn compact để xông cây thanh long ra hoa trái vụ tại các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Số lượng bóng đã thay theo chương trình 2.065.269 bóng, tiết kiệm điện bình quân/năm là 54,5 triệu kWh/năm.
Theo Bộ Công Thương, Chương trình chuyển đổi hiệu suất năng lượng cho các phương tiện thiết bị tiêu thụ điện đã có tác động đáng kể trong việc giảm tiêu thụ điện năng quốc gia.
Theo số liệu khảo sát năm 2015, hơn 90% số máy điều hòa nhiệt độ và tủ lạnh được bày bán trong các siêu thị và cửa hàng điện máy hiện nay đã được dán nhãn năng lượng, số lượng bóng đèn sợi đốt tiêu thụ hàng năm giảm mạnh từ khoảng 50 - 55 triệu bóng đèn năm 2011 xuống chỉ còn dưới 5 triệu bóng đèn trong năm 2015. Lượng điện năng tiết kiệm được hàng năm do loại bỏ đèn sợi đốt có công suất trên 60W và chuyển dịch sang sử dụng các phương tiện chiếu sáng hiệu suất cao (như đèn compact, đèn LED) là khoảng 1.500 GWh/năm, tương đương với việc xây dựng thêm một nhà máy nhiệt điện có công suất khoảng 300MW. Lượng điện năng tiết kiệm được hàng năm do người tiêu dùng chuyển hướng sang chọn mua và sử dụng các loại sản phẩm điều hòa không khí tiết kiệm năng lượng vào khoảng trên 100 triệu kWh/năm.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cho rằng việc triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng theo mô hình Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) giai đoạn 2014-2016 với 6 dự án cung cấp nước nóng bằng năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp cho các khách hàng chế biến thủy hải sản và khách sạn ở khu vực miền Nam. Các dự án đều có tiềm năng tiết kiệm lớn (trên 70%), tiết kiệm điện bình quân/dự án 240.000 kWh/năm; thời gian hoàn vốn bình quân/dự án là 4,5 năm. Năm 2017, EVN đã chỉ đạo các TCTĐL mở rộng triển khai thực hiện bình quân 10 dự án ESCO/TCTĐL.
Theo VietNamNet