Saturday, 23/11/2024 | 02:11 GMT+7

Đảm bảo cân bằng cung cầu năng lượng, hướng đến sử dụng hiệu quả và bền vững

31/10/2022

Ông Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (Enerteam) đã có những chia sẻ về các rào cản khiến việc triển khai tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp chưa thực sự hiệu quả cũng như cơ chế để thúc đẩy đầu tư tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.

Cả nước hiện có 2.961 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng số điện năng tiêu thụ mỗi năm của các cơ sở này là hơn 70 tỷ kWh, chiếm hơn 32% tổng mức tiêu thụ điện toàn quốc. Các cơ sở này thực hiện tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ mỗi năm (Theo Chỉ thị 20 về tăng cường tiết kiệm điện của Thủ tướng Chính Phủ), cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh điện/năm (tương đương tiết kiệm chi phí tiền điện khoảng 2.700 tỷ đồng). 
Ông Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (Enerteam) đã có những chia sẻ về các rào cản khiến việc  triển khai tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp chưa thực sự hiệu quả cũng như cơ chế để thúc đẩy đầu tư tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.
Ông Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (Enerteam) 
PV: Trước tiên, xin ông có thể khái quát về nhu cầu cũng như khả năng cung ứng năng lượng, đặc biệt là năng lượng điện ở Việt Nam?
Ông Mã Khai Hiền: Trong 1 thập kỷ vừa qua, tốc độ tăng trưởng năng lượng trung bình của Việt Nam khoảng 7%/năm nhưng tốc độ tăng trưởng về nhu cầu điện thì cao hơn nhiều, khoảng 9,5% trong giai đoạn 2011-2019. Từ năm 2015, Việt Nam chuyển từ nước xuất khẩu về năng lượng thành nước nhập siêu về năng lượng, lượng nhập khẩu năng lượng được dự báo sẽ ngày càng tăng trong những năm tới. 
Theo dự báo, nhu cầu sử dụng điện trong giai đoạn tới cũng vẫn tăng trưởng khoảng 8-9%/năm, cộng với việc các nhà máy điện mới cũng chưa đạt được tiến độ đề ra khiến áp lực đè nặng lên nguồn cung năng lượng điện. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ trong vấn đề đảm bảo cân bằng cung cầu năng lượng, đặc biệt là điện.
PV: Ông nhìn nhận như thế nào về việc sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp ở nước ta hiện nay?
Ông Mã Khai Hiền: Việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn rất lãng phí. Cường độ sử dụng năng lượng trên GDP ở nước ta rất cao so với mức bình quân trên thế giới. Tổng năng lượng tiêu thụ ở Việt Nam tiếp tục tăng nhanh trong những năm qua để phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Và nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì lượng năng lượng nhập khẩu chắc chắn sẽ ngày càng cao.
Xét về mức độ tiêu thụ năng lượng theo lĩnh vực, ngành công nghiệp hiện chiếm 53% (năm 2020) tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Tỷ lệ này dự báo sẽ ngày càng tăng do môi trường đầu tư thuận lợi tại Việt Nam đã giúp thu hút lượng lớn dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, trong đó lĩnh vực công nghiệp và xây dựng thường chiếm đến 2/3 tổng vốn FDI.
Ví dụ như các tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới sẽ tiếp tục mở rộng và xây dựng thêm các nhà máy sản xuất, lắp ráp mới tại Việt Nam, do đó ngành công nghiệp Việt Nam gặp thách thức lớn khi vừa phải đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và vừa đảm bảo an ninh năng lượng và môi trường.
Đã đến lúc phải cải thiện chất lượng “cầu” của năng lượng, phải hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn, bền vững hơn. Chúng ta không thể xây mãi các nhà máy điện để đáp ứng cho nhu cầu của các ngành công nghiệp có thiết bị tiêu thụ năng lượng lớn và gây ô nhiễm môi trường. 
Đặc biệt, các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng nhiều như xi măng, sắt thép,…cần phải áp dụng triệt để các giải pháp tiết kiệm năng lượng để cắt giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống.
PV: Theo ông, rào cản nào khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng?
Ông Mã Khai Hiền: Nhìn chung, chúng ta đã đạt các mục tiêu tiết kiệm năng lượng nhưng đạt được ở mức độ còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng. Khó khăn, rào cản chủ yếu đến từ nhận thức của doanh nghiệp, đặc biệt là nhận thức của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm về lợi ích của tiết kiệm năng lượng còn chưa đầy đủ. 
Không ít doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức chủ quan và khách quan nên cũng ảnh hưởng đến sự vận hành ổn định của doanh nghiệp, dẫn đến việc ngại ngần quyết định đầu tư dài hạn cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, nguồn nhân lực tư vấn chuyên sâu về công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn thiếu. Trong hoạt động củaBản thân ENERTEAM thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo về tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên hoạt động đào tạo chỉ ở mức hiểu biết, chưa đạt mức chuyên sâu. Chỉ đào tạo lý thuyết, chưa có điều kiện cập nhật cụ thể theo tình hình của từng doanh nghiệp. 
Các giải pháp tiết kiệm năng lượng mà doanh nghiệp áp dụng tương đối đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên giải pháp chuyên sâu đối với công nghệ xi măng, thép cần nguồn chuyên môn cao mới có thể nhận dạng hết được tiềm năng, thuyết phục các doanh nghiệp.
Hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện báo cáo năng lượng định kỳ, nhưng các báo cáo chỉ dừng ở mức đối phó chứ chưa đạt được tiêu chí theo quy định đề ra, chất lượng báo cáo thấp.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn thiếu và chưa tạo ra được động lực đối với người dân, doanh nghiệp, Nguồn vốn của tổ chức tín dụng phục vụ đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng không nhiều và thường được coi như vốn phục vụ đầu tư phát triển khác do chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù.
PV: Vậy, theo ông cần có cơ chế nào thúc đẩy đầu tư tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam?
Ông Mã Khai Hiền: Tại Việt Nam, cơ chế thúc đẩy đầu tư tiết kiệm năng lượng cần tiếp cận từ nhiều phía. Nhà nước phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp và cả người dân tuân thủ, thực hiện tiết kiệm năng lượng. 
Ngoài ra, đầu tư nâng cao năng lực quản lý của cho các cơ quan quản lý ở địa phương như các Sở Công Thương, trung tâm tiết kiệm năng lượng các tỉnh, TP. Đặc biệt, phải có cơ chế tài chính trong nước rõ ràng để huy động và khơi thông các nguồn vốn giá rẻ, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính giá rẻ này để đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Ví dụ như thành lập Quỹ chia sẻ rủi ro. Quỹ sẽ là một công cụ tài chính sáng tạo để huy động tài chính từ khu vực tư nhân cho đầu tư nhằm tăng cường áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp. 
Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp thông qua sự tham gia của các mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) giúp phát triển mở rộng thị trường tiết kiệm năng lượng.
Có như thế, doanh nghiệp mới chủ động hơn trong việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Xin cảm ơn ông!
Tố Quyên