Friday, 10/01/2025 | 21:57 GMT+7

Để cung ứng ổn định và tiết kiệm điện mùa nắng nóng

07/04/2023

Để tiết kiệm điện và đảm bảo cung ứng điện ổn định trong mùa nóng năm nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động cùng ngành điện lên phương án sản xuất.

​Mùa Hè năm 2023, dự kiến nhiều đợt nắng nóng diễn ra có thể ảnh hưởng tới việc cung cấp điện cho khách hàng, có thể gây quá tải ở một số thời điểm và gián đoạn cung cấp điện.Trong khi đó, các nguồn điện đưa vào chưa thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng. Để tiết kiệm điện và đảm bảo cung ứng điện ổn định trong mùa nóng năm nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động cùng ngành điện lên phương án sản xuất.
Phối hợp điều chỉnh sản xuất
Thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), vào tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, nhu cầu phụ tải điện tăng rất cao cả ở nhu cầu người dân và sản xuất tại các nhà máy. Phụ tải điện cũng khó đoán định, đặc biệt thường xuyên xuất hiện các ngày nắng nóng đột biến trong thời gian cao điểm mùa Hè. Đặc biệt, lưới điện miền Bắc bị ảnh hưởng bởi nền nhiệt độ lớn và chênh lệch nhu cầu giữa thời gian cao điểm - thấp điểm rất cao.
Trong khi đó, lượng mưa năm 2023 có thể sẽ không thể có mưa nhiều như những năm qua. Dự kiến lượng mưa tháng 5-6/2023 ở thượng nguồn sông Đà ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.
"Vì thế việc cung ứng điện ổn định, an toàn trong mùa nóng luôn là vấn đề ngành điện quan tâm hàng đầu. Ngoài các nỗ lực đẩy mạnh nguồn cung và truyền tải thì ở phía khách hàng, cũng rất hi vọng nâng cao triển khai tiết kiệm điện, phối hợp với ngành điện trong thực hiện điều chỉnh phụ tải, chuyển đổi thời gian sản xuất, tránh giờ cao điểm", ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc A0 cho hay.
Công ty cổ  phần Xi măng Long Sơn là đơn vị tiêu thụ điện lớn trong sản xuất tại tỉnh Thanh Hóa, sản lượng điện 476 triệu kWh/năm, tương đương 40 triệu kWh/tháng. Doanh nghiệp này đã phối hợp rất tốt với Công ty Điện lực Thanh Hóa để thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR).
Ông Trương Văn Lợi, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Long Sơn cho hay, việc thực hiện tiết kiệm điện là tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng. Vì thế, từ năm 2019-2021 đã thực hiện 5 sự kiện DR với tổng công suất tiết giảm 105 MW, đặc biệt trong năm 2022, công ty đã thực hiện tiết giảm công suất tiết 80 MW vào các khung giờ cao điểm nắng nóng khi thiếu nguồn điện theo yêu cầu của ngành điện.
"Để phối hợp thực hiện tốt công tác DR, chúng tôi đã phân loại dây chuyền sản xuất ra nhiều hạng mục, qua đó đánh giá các mức độ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty khi các hạng mục này phải ngừng sản xuất, từ đó phối hợp với ngành điện xây dựng quy trình phối hợp giữa hai đơn vị nhằm đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện trong các tình huống, kịch bản thực hiện tiết giảm phụ tải, đặc biệt là trong các trường hợp DR khẩn cấp", ông Trương Văn Lợi chia sẻ.
Không chỉ với Xi măng Long Sơn, một doanh nghiệp khác cũng "ngốn" điện là Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, với hơn 43 triệu kWh/năm. Ông Trần Nhật Ninh, Phó giám đốc kỹ thuật công ty cho hay, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý và kỹ thuật để sử dụng điện tiết kiệm.
Có thể kể đến như việc đầu tư và đưa vào sử dụng các máy làm lạnh mới kiểu nén xoắn ốc sử dụng hệ điều khiển biến tần - động cơ có chỉ số hiệu quả cao thay thế cho các máy cũ; thay thế đèn LED tiết kiệm điện; xây dựng định mức tiêu thụ điện từ đầu năm và giao chỉ tiêu cho các đơn vị...
"Đặc biệt, chúng tôi chủ động ký kết thỏa thuận điều chỉnh phụ tải DR với ngành điện Hải phòng, đề xuất phương án điều chỉnh phụ tải một cách linh hoạt khi hệ thống thiếu hụt công suất vào giờ cao điểm. Khi có thông báo từ phía ngành điện về điều chỉnh phụ tải, căn cứ tiến độ giao hàng, chúng tôi xây dựng kế hoạch với bộ phận sản xuất, bố trí lao động làm việc tăng hoặc giảm ca vào khung giờ thích hợp. Nếu cần tiết giảm toàn bộ công suất cả nhà máy", ông Trần Nhật Ninh cho hay.
Thêm cơ chế khuyến khích
Các doanh nghiệp đều nhận định hiệu quả của việc điều chỉnh phụ tải, tiết kiệm điện. Song điều chỉnh phụ tải dường như vẫn chưa thực sự có những cơ chế khuyến khích, thúc đẩy trong doanh nghiệp.
Ông Trương Văn Lợi cho rằng, thực tế, việc thực hiện DR cũng làm ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất và kinh doanh của công ty. Trong khi đó, chương trình điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại chưa có cơ chế khuyến khích thiết thực với khách hàng tham gia. Do vậy, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành chương trình hỗ trợ tài chính thiết thực với các doanh nghiệp khi tham gia DR.
Cũng theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), trong quá trình thực hiện điều chỉnh phụ tải, các đơn vị vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: nhiều khách hàng không tính toán được lợi ích kinh tế được hưởng, các ưu đãi cho khách hàng chưa đủ hấp dẫn. Khách hàng cho rằng dây chuyền sản xuất của mình đã tối ưu về tiêu thụ năng lượng. Một số khách hàng không chấp nhận tư vấn kiểm toán vì không muốn lộ bí mật công nghệ, thông tin doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc điều chỉnh phụ tải vẫn là tự nguyện nên khi thực hiện, một số khách hàng nêu lý do hoàn thành đơn hàng, không thể dừng sản xuất và hiện nay chưa có cơ chế bắt buộc, cũng như chưa có các cơ chế tài chính cho việc thực hiện DR, hoàn thiện các chính sách DR, đại diện EVNNPC cho hay.
Để việc thực hiện DR tốt, đảm bảo cung ứng điện ổn định trong mùa nóng năm nay, EVNNPC cho biết sẽ mở rộng đối tượng tham gia điều chỉnh phi thương mại theo hướng không phân biệt ngành nghề, mà tập trung vào các khách hàng có sử dụng công suất và khung giờ 12h - 15h; 20h - 23h; Tiếp tục, thường xuyên đánh giá khả năng thực hiện DR trong EVNNPC. Đồng thời, các đơn vị điện lực tiếp tục làm tốt công tác vận động khách hàng để có tỷ lệ ký thỏa thuận DR phi thương mại cao trên 97%.
Đặc biệt, EVNNPC sẽ báo cáo Bộ Công Thương để sớm có các cơ chế tài chính cho việc thực hiện DR, hoàn thiện các chính sách DR; sớm có hướng dẫn chi tiết để thực hiện khuyến khích khách hàng tham gia DR phi thương mại trước khi thực hiện DR năm 2023.
Năm 2022, EVNNPC đã làm việc, ký kết biên bản thoả thuận với 2.231, đạt 97,46% khách hàng sử dụng điện dưới 3 triệu kWh/năm; Ký kết thoả thuận với 1.305, đạt 94,36% khách hàng sử dụng điện trên 3 triệu kWh/năm.
Theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công Thương, nhằm giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung và điện nói riêng, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 279/QĐ–TTg ngày 8/3/2018 phê quyệt Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu phụ tải giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 về việc tăng cường tiết kiệm điện cho giai đoạn 2020-2025.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong giai đoạn 2020 - 2025, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ, phấn đấu giảm 1.000 MW phụ tải đỉnh vào năm 2025, 2.000 MW vào năm 2030. Đồng thời tăng hệ số phụ tải điện quốc gia từ 3-4% giai đoạn 2021-2030.
"Để đạt được mục tiêu nêu trên, ngoài nỗ lực của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, của các khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là khách hàng sử dụng điện lớn trong việc phối hợp với ngành điện, cụ thể là Tổng công ty Điện lực miền Bắc trong tiết kiệm điện, dự báo nhu cầu phụ tải, quản lý và điều chỉnh nhu cầu phụ tải trong mùa nắng nóng sắp tới" - ông Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương đề xuất.
Theo: Bnews