Thursday, 07/11/2024 | 23:14 GMT+7

Điện mặt trời mái nhà - giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả

28/12/2023

Trong bối cảnh nguồn điện còn khó khăn và nhiều áp lực, các chuyên gia khuyến nghị các khách hàng nên lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng.

Những năm gần đây nắng nóng kéo dài khiến mực nước tại các hồ chứa lớn ở miền Bắc xuống mức thấp, nhiều thời điểm dưới mực nước chết đã ảnh hưởng đến khả năng phát điện của các hồ thuỷ điện. Trong khi đó nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao. Do đó tình trạng thiếu điện và cắt điện luân phiên đã diễn ra ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước tình hình đó Bộ Công Thương đã phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong đó có giải pháp sử dụng nguồn năng lượng mặt trời.
Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều có lợi thế lắp đặt điện mặt trời bởi sở hữu diện tích mái nhà lớn, hạ tầng trạm biến áp và đường dây có sẵn. Việc sử dụng điện mặt trời áp mái không chỉ giảm tiền điện còn giúp doanh nghiệp có thể chủ động nguồn cung cấp điện trong giờ cao điểm hoăc những lúc mất điện, giảm tải và nâng cao độ bền máy biến áp, giảm nhiệt độ trong nhà xưởng, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính góp phần bảo vệ môi trường.
Nhà máy sợi Đồng Văn – Chi nhánh Hà Nam Hanosimex triển khai nhiều giải pháp để tiết kiệm năng lượng nhằm tiết giảm chi phí sản xuất.
Điển hình là Chi nhánh Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hà Nội - Hanosimex (Khu công nghiệp Đồng Văn 2, Duy Tiên, Hà Nam) đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện, đặc biệt là lắp đặt điện mặt trời mái nhà với mặt bằng lắp đặt tương đương 2,7 ha với tổng công suất 4,8 MWp.
Ông Đặng Tiến Dũng, Giám đốc nhà máy sợi Đồng Văn – Chi nhánh Hà Nam Hanosimex cho biết: Thực hiện Chương trình tiết kiệm năng lượng của Bộ Công Thương và Sở Công Thương Hà Nam, chi nhánh Hà Nam Hanosimex của Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hà Nội đã tiến hành rất nhiều giải pháp để tiết kiệm năng lượng từ đó tiết giảm chi phí sản xuất. Một trong những giải pháp kỹ thuật quan trọng hiện đang được Công ty áp dụng là phối hợp với một đơn vị lắp đặt hệ thống điện mặt trời để sử dụng một phần năng lượng sạch cho sản xuất và giảm tiêu thụ điện lưới quốc gia.
"Năm 2021, Công ty đã lắp đặt 2560 tấm pin năng lượng với công suất 2,8 MWp cung cấp 1463 kWh điện cho nhà máy. Với những hiệu quả đã đạt được, năm 2022 công ty đã tiếp tục lắp đặt 1850 tấm pin năng lượng với công suất  2 MWp cung cấp 1000 kWh điện qua đó góp phần giảm chi phí đáng kể trong sản xuất, giảm giá thành sản phẩm tăng tính cạnh tranh trên thi trường bảo đảm thực hiện mục tiêu kép là vừa sản xuất phát triển bền vững vừa chăm lo tốt đời sống chế độ cho người lao động" - ông Đặng Tiến Dũng cho biết thêm.
Hệ thống điện mặt trời mái nhà Chi nhánh Hà Nam Hanosimex
Hay tại Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG (gọi tắt là Công ty May LGG) tại Cụm công nghiệp xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang, Bắc Giang), năm 2021, Công ty đã đầu tư 10 tỷ đồng lắp hơn 2,2 nghìn tấm pin năng lượng mặt trời, tổng công suất 993,6 kWp (kWp là đơn vị đo lường công suất tức thời tại điều kiện tiêu chuẩn của hệ thống điện mặt trời). Hệ thống pin năng lượng mặt trời này có hiệu suất sử dụng 25 năm, được đơn vị trúng thầu thi công bảo hành 10 năm. Sau khi ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực Bắc Giang, ngày 31/12/2020, Công ty May LGG đưa hệ thống điện mặt trời mái nhà vào vận hành thương mại. 
Anh Nguyễn Xuân Điệp, cán bộ phụ trách cơ điện Công ty cho biết, từ khi hệ thống điện mặt trời mái nhà hoạt động, đơn vị giảm lượng điện phải mua của Công ty Điện lực Bắc Giang khoảng 1 triệu kWh/năm, tương ứng với gần 2 tỷ đồng. Theo đánh giá của Công ty May LGG, ngoài giảm tiền điện, việc sử dụng điện mặt trời mái nhà mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích, như: Tận dụng diện tích mái nhà xưởng, làm mát khu vực sản xuất vì tấm pin giúp che ánh nắng mặt trời, giảm thời gian sử dụng máy điều hòa không khí, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. 
Nhờ có nguồn điện mặt trời, nhiều gia đình đã  tiết kiệm được đáng kể chi phí sinh hoạt. (Ảnh: Báo Bắc Giang)
Không chỉ đối với kinh doanh sản xuất, đối với các hộ gia đình việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời cũng giúp tiết kiệm điện hàng tháng, mang lại nguồn điện ổn đinh trong sinh hoạt cũng như nâng cao tuổi thọ của các thiết bị điện.
Ông Vũ Quang Ngọc (TP. Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết, tận dụng lợi thế khu vực có số giờ nắng đỉnh và lượng bức xạ nhiệt cao nên gia đình ông đã đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà. Nhờ đó gia đình ông đã tiết kiệm đáng kể chi phí điện năng cho gia đình. “Tuy chi phí lắp đặt ban đầu có hơi cao, nhưng chỉ sau vài năm sử dụng gia đình tôi đã hoàn vốn cho hệ thống điện mặt trời. Lắp đặt hệ thống này quả đúng là một khoản đầu tư có lợi cho tương lai”, ông Ngọc cho biết thêm.
Trước những diễn biến bất thường về thời tiết giá năng lượng trên toàn cầu, việc nhân rộng các mô hình ứng dụng giải pháp tiết kiệm điện là hết sức cần thiết. Trong đó, mô hình sử dụng năng lượng mặt trời mái nhà là một giải pháp có ý nghĩa, cần được khuyến khích nhân rộng hơn nữa.
Tuy nhiên, để phát triển rộng rãi mô hình này vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải áp dụng công nghệ cao, giá thành đắt... Do đó, trong thời gian tới cần có những chính sách cụ thể, phù hợp, linh hoạt với từng địa phương để điện mặt trời áp mái được phát triển đồng bộ, bền vững và tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo được Thủ tướng phê duyệt ngày 8/6/2023, yêu cầu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Cụ thể:
Đối với cơ quan công sở: Tận dụng và huy động các nguồn lực để lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc gia.
Đối với các hộ gia đình: Khuyến khích lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời.
Đối với cơ sở thương mại, dịch vụ: Triển khai chương trình khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tại chỗ bằng các nguồn năng lượng tái tạo, các thiết bị điện sử dụng năng lượng tái tạo.
Đối với doanh nghiệp sản suất: Lắp đặt, tích hợp nguồn năng lượng mặt trời vào hệ thống năng lượng nội bộ.
Mai Anh