Friday, 22/11/2024 | 16:29 GMT+7

Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng qua các thiết bị làm mát

18/01/2024

Là một trong 63 quốc gia tham gia Cam kết làm mát toàn cầu tại COP28, Việt Nam kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

Để có góc nhìn rõ hơn về vấn đề tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam thời gian qua cũng như những thách thức đặt ra cho Việt Nam sau Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28), phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Đào Xuân Lai - Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường của UNDP tại Việt Nam - về vấn đề này.
Tại COP28, cùng với 62 quốc gia, Việt Nam đã ký Cam kết làm mát toàn cầu. Điều này sẽ tác động như thế nào đến hoạt động tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải của Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông?
Sáng kiến Cam kết làm mát toàn cầu ra đời rất đúng thời điểm và có ý nghĩa cho mục tiêu giảm biến đổi khí hậu, góp phần giảm nguy cơ thảm họa khí hậu. Sáng kiến hướng đến mọi người có thể tiếp cận được các thiết bị và lợi ích thiết thực của dịch vụ làm mát phục vụ cuộc sống, như: Điều hòa nhiệt độ; thiết bị làm lạnh trong gia đình; làm lạnh cho chuỗi thực phẩm; làm lạnh chuỗi cung ứng vắc-xin trong ngành y tế cũng như trong nhiều ngành kinh tế và công nghiệp...
TS Đào Xuân Lai tại COP28 (Ảnh: Phan Giang)
Việc Việt Nam tham gia vào Cam kết làm mát toàn cầu sẽ tạo thêm động lực cho việc thúc đẩy triển khai thành công Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3), với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 35%. Thực trạng sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn rất lãng phí, cường độ sử dụng năng lượng trên GDP rất cao so với bình quân trên thế giới, cao hơn cả Thái Lan và Trung Quốc.
Hiện nay, các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 20 - 30%, các tòa nhà cao tầng ở Việt Nam và tòa nhà thương mại, dịch vụ, chung cư cũng có cơ hội giảm tiêu thụ năng từ 25 - 47% tùy theo các biện pháp áp dụng. Khoản đầu tư ban đầu cho các giải pháp sẽ được hoàn vốn trong vòng 5 năm. Đây là kết quả đã được kiểm chứng từ dự án “Tiết kiệm năng lượng trong các toà nhà cao tầng” của UNDP và Bộ Xây dựng.
Việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng không chỉ giúp tăng hiệu suất của nền kinh tế mà còn giúp giảm chi phí rất lớn cho việc sản xuất và vận chuyển năng lượng, cũng như truyền tải điện, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang phải nhập khẩu dòng than để sản xuất điện. Phát thải từ quá trình đốt than phát điện và trong các quá trình công nghiệp rất lớn trên toàn cầu là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.
Để thực hiện cam kết làm mát toàn cầu của Việt Nam tại COP28, theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để giảm lượng khí thải mục tiêu đặt ra?
Chính phủ Việt Nam đã triển khai thành công hai giai đoạn trước của “Chương trình quốc gia về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng”; hiện đang triển khai Chương trình nay giai đoạn 2019 - 2030 với kỳ vọng đột phá về cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng của Việt Nam, đặt mục tiêu tiết kiệm từ 8 - 10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường. Thủ tướng cũng đưa ra Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và người dân… phải thực hiện để tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ hàng năm.
Như vậy, cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần cùng vào cuộc, quyết liệt triển khai các giải pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giúp nâng cao hiệu quả của nền kinh tế để hỗ trợ có dư địa cho đầu tư và phát triển các ngành kinh tế mới.
Trong giai đoạn phát triển kinh tế nhanh và "nóng" trước đây, công nghệ cũ sử dụng nhiều năng lượng và kém hiệu quả đã được nhập cho các ngành công nghiệp. Để phát triển công nghệ cao, công nghệ mới, cần có lộ trình và hỗ trợ đầu tư cho các ngành và doanh nghiệp chuyển đổi những công nghệ này, đầu tư vào các công nghệ xanh, công nghệ số, công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Việt Nam sẽ tăng khả năng tiếp cận hệ thống làm mát bền vững vào năm 2030 và tăng hiệu suất trung bình của máy điều hòa không khí mới lên 50%. (Ảnh: minh họa)
Với tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và điện mặt trời, với định hướng của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị và với cơ hội mới từ triển khai Đối tác chuyển dịch năng lượng (JETP), Việt Nam có nền tảng vững chắc trong phát triển ngành năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo không chỉ đảm bảo tốt hơn an ninh năng lượng, có tiềm năng xuất khẩu điện sang các nước ASEAN, mang lại ngoại tệ, mà còn giúp thu hút đầu tư chất lượng cao cho các ngành kinh tế mới, chuyển đổi mạnh sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Theo ông, chúng ta cần có bước đi như thế nào để thực hiện cam kết trên?
Cam kết làm mát toàn cầu hướng đến nâng cao tham vọng và hợp tác quốc tế thông qua các mục tiêu chung toàn cầu nhằm giảm 68% lượng khí thải liên quan đến làm mát từ nay đến năm 2050, tăng đáng kể khả năng tiếp cận hệ thống làm mát bền vững vào năm 2030 và tăng hiệu suất trung bình toàn cầu của máy điều hòa không khí mới lên 50%.
Việt Nam đã có nhiều chính sách và triển khai các giải pháp cụ thể tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng như: Dán nhãn năng lượng các thiết bị dùng điện nói chung và thiết bị làm lạnh nói riêng; cần tiếp tục thúc đẩy triển khai, có cơ chế khuyến khích cũng như giám sát đảm bảo tính thực thi cao hơn nữa các chính sách và biện pháp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần hình thành thị trường tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.
Hiện nay, chính sách quản lý tài chính chưa tạo ra được động lực thúc đẩy được thị trường, chưa triển khai các giải pháp. Đơn cử, các tòa nhà cần đầu tư vào giải pháp, song khi tiết kiệm được chi tiêu từ việc giảm năng lượng, lại không được giữ lại và dùng khoản tiền tiết kiệm được đó chi trả cho mức đầu tư ban đầu.
Các chính sách hiện nay cũng không khuyến khích và thúc đẩy được doanh nghiệp tư vấn và đầu tư (ESCO) cho giải pháp tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả. Thực hiện cam kết với Nghị định thư Montreal (nhằm để bảo vệ tầng ozone) và Nghi định thư Kyoto trong khuôn khổ Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng đã thúc đẩy loại bỏ các chất làm lạnh mà có ảnh hưởng đến sự suy giảm tầng ozone của trái đất và biến đổi khí hậu toàn cầu. Với cam kết mạnh mẽ của Việt Nam ở COP26 đạt mục tiêu phát thải dòng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần tiếp tục đẩy chuyển giao công nghệ, đầu tư cho nghiên cứu và triển khai, phát triển và ứng dụng công nghệ làm lạnh tiên tiến, sử dụng các môi chất làm lạnh than thiện với môi trường như (R407C, R410A) và ứng dụng các công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển kinh tế.
Cùng với đó, thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên để đạt các kết quả thiết thực trong ngành công nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các thiết bị, trong xây dựng và công trình công cộng. Một lĩnh vực rất quan trọng đó là thúc đẩy đô thị xanh, tòa nhà xanh, đòi hỏi từ khâu quy hoạch, thiết kế, quản lý và vận hành. Hệ thống lạnh chiếm 30 - 40% tiêu thụ điện năng trong tòa nhà, nên việc đầu tư hệ thống tiết kiệm năng lượng đóng vai trò then chốt, đồng thời kết hợp các giải pháp kỹ thuật khác như hệ thống thu hồi nhiệt, bơm nhiệt để cung cấp nước nóng...
Xin cảm ơn ông!
Theo: Báo Công Thương