Monday, 23/12/2024 | 04:32 GMT+7

Phát huy vai trò của đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng xanh, tiết kiệm năng lượng

21/10/2024

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh được coi là giải pháp quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.

Để tìm kiếm những ý tưởng khởi nghiệp mới đáp ứng yêu cầu của phát triển xanh và bền vững, vừa qua, tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) phát động cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng”.
Cuộc thi là một chương trình tăng tốc khởi nghiệp dành riêng cho lĩnh vực hiệu quả năng lượng lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, nhằm hướng tới mục tiêu thu hút đầu tư vào các giải pháp đổi mới sáng tạo về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải và xây dựng tại Việt Nam, với đối tượng tham gia là các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhóm học sinh, sinh viên.

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng” sáng 19/9 tại Đà Nẵng.
Để tìm hiểu rõ hơn về vai trò của các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xanh trong phát triển bền vững, giảm phát thải, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Juhern Kim, Trưởng Đại diện Quốc gia Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI) tại Việt Nam bên lề Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2024.
Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của việc phát triển các sáng kiến đổi mới sáng tạo trên lĩnh vực năng lượng đối với tăng trưởng xanh toàn cầu, thưa ông?
Ngành năng lượng đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không của Việt Nam. Để đạt được điều này, cần nhiều nỗ lực, bắt đầu bằng việc cải thiện hiệu quả năng lượng. Các giải pháp công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning) và các công nghệ khí hậu khác có thể tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng như phần mềm tối ưu hóa quản lý đội xe trong vận chuyển và kiểm soát tòa nhà thông minh trong xây dựng. Bên cạnh đó, các giải pháp về năng lượng tái tạo như hydrogen xanh, điện gió, điện mặt trời cũng rất quan trọng.
Nghiên cứu từ IEA cho thấy các công nghệ hiện có chỉ đáp ứng được giảm khoảng một phần ba lượng phát thải cần cắt giảm để đạt được mục tiêu Net Zero năm 2050. Do đó, để đáp ứng hai phần ba lượng phát thải còn lại, rất cần sự đột phá từ các sáng kiến đổi mới sáng tạo vẫn còn trong giai đoạn phát triển, chưa được triển khai thương mại. Trong đó thì các doanh nghiệp khởi nghiệp được kỳ vọng đóng vai trò chủ chốt.
Ông Juhern Kim chia sẻ với phóng viên về vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng xanh và giảm phát thải.
Tại Hội nghị Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ông có nhắc đến cần các giải pháp tốt đối với ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Cụ thể ở đây các giải pháp có thể là gì?
Đối với ngành công nghiệp ô tô, đầu tiên và quan trọng nhất là điện khí hóa nguồn nhiên liệu cho xe, chính là thúc đẩy phương tiện giao thông điện. Ngoài việc phát triển xe điện như mở rộng thị trường và thúc đẩy tiêu dùng, một yếu tố rất quan trọng là phát triển cơ sở hạ tầng tương ứng để bắt kịp và tạo điều kiện cho sự chuyển dịch của thị trường.
Ví dụ như hạ tầng các trạm sạc, đảm bảo tải điện giờ cao điểm và các giải pháp thông minh hỗ trợ điều hướng người dùng, phân bổ sạc tại các trạm thấp điểm.. Đây là những giải pháp mà các start-up đổi mới sáng tạo có thể mang lại.
Ông đánh giá như thế nào về quá trình thực hiện Net Zero tại Việt Nam thời gian qua?
Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai các hành động và sáng kiến cụ thể cho mục tiêu Net Zero. Ví dụ, cụ thể như việc phát triển và thí điểm vận hành thị trường các-bon vào năm 2025 và đặt ra các mục tiêu trong các ngành như năng lượng, nông nghiệp và xử lý chất thải. Điều cần thiết nữa là phát triển khung pháp lý hỗ trợ cho mục tiêu Net Zero, cùng với các cơ chế tuân thủ để đảm bảo mình bạch cho các bên tham gia thị trường.
Hiện nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó trong tiếp cận nguồn tài chính xanh (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, việc huy động nguồn tài chính khí hậu từ quốc tế là rất quan trọng. thúc đẩy môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ khí hậu, sẽ là chìa khóa để Việt Nam đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng trong tương lai.''
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (Chương trình VNEEP3) có mục tiêu là tiết kiệm năng lượng từ 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc cho giai đoạn 2019 - 2025 và từ 8 - 10% cho giai đoạn 2019 - 2030. Thông qua việc thúc đẩy đầu tư, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải của cuộc thi sẽ góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu của Chương trình VNEEP3 cũng như các mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu mà Việt Nam đã tham gia.
Theo: Báo Công Thương