Saturday, 23/11/2024 | 22:49 GMT+7
Trong những năm 1990 số nhà cao tầng của Việt Nam chỉ khoảng hơn 100 công trình. Đến đầu năm 2009 con số đó đã tăng lên trên 4000 bao gồm cả các công trình thương mại có quy mô lớn. Kéo theo đó hàng năm mức năng lượng để phục vụ sinh hoạt cho trên 32 triệu m2 sàn công trình thương mại là rất lớn.
Kết quả khảo sát cho thấy hiện tại vẫn có đến 95% các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tại Việt Nam chưa tính đến hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua thiết kế cũng như vận hành công trình. Trong bối cảnh đó, cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả năng lượng” được tổ chức thường niên chính là biện pháp tuyên truyền tích cực giúp các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đại diện cho hàng trăm tòa nhà tại Hà Nội, năm nay khách sạn Hà Nội tham gia cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả năng lượng 2010” với loại hình tòa nhà cải tạo lại. Lãnh đạo khách sạn cho biết, hiện tại các biện pháp tiết kiệm năng lượng đang được áp dụng tại đây đã đem lại lợi ích giảm chi phí trên 216 triệu đồng mỗi năm.
Là một trong những khách sạn lớn tại Hà Nội với đa dạng dịch vụ, phục du khách trong và ngoài nước, mức tiêu thụ năng lượng tại khách sạn Hà Nội luôn ở mức cao. Theo thống kế, lượng năng lượng tiêu thụ bao gồm điện năng, dầu DO và gas tại khách sạn đều tăng đáng kể qua các năm từ 2007 đến 2009. Khắc phục thực trạng đó, khu vực được khách sạn cải tạo trước tiên chính là hệ thống chiếu sáng.
Khách sạn Hà Nội đã tiến hành thay thế 1000 bóng đèn sợi đốt công suất 40W bằng các bóng compact 7W vừa tiết kiệm điện năng mà vẫn đảm bảo ánh sáng sinh hoạt và không ảnh hưởng đến mỹ quan chung. Bên cạnh đó khách sạn cũng đang sử dụng hơn 2000 bóng đèn Led chiếu sáng kết hợp với bóng compact. Kết quả, các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại hệ thống chiếu sáng đã giúp khách sạn giảm tiêu thụ 167 nghìn Kw/năm.
Đối với mỗi khu vực tiêu tốn nhiều năng lượng các kỹ sư của tòa nhà đều cố gắng tìm ra những biện pháp sử dụng hiệu quả nhất. Chẳng hạn với hệ thống thang máy khách sạn đã thực hiện lắp động cơ điện điều khiển mạch vận chuyển khách hàng. Với 2 mô tơ quạt hút chính tại 2 bếp chính giải pháp lắp biến tần điều khiển tốc độ phù hợp với thực tế sử dụng cũng giúp giảm tiêu hao điện năng đáng kể.
Riêng đối với 218 bộ điều hòa không khí đang được sử dụng biện pháp quản lý điện năng tiêu thụ là cài đặt nhiệt độ đối với từng khu vực tùy theo nhu cầu sử dụng góp phần tránh lãng phí. Ngoài ra, tất cả hệ thống điện tại khách sạn đều kết nối với thiết bị BAS giúp hệ thống điều hòa luôn ở nhiệt độ cần thiết, quản lý thời gian tắt bật của hệ thống đèn…Thông qua đó, ban quản lý khách sạn có thể theo dõi và quản lý tình trạng hoạt động của từng khu vực đồng thời có sự điều chỉnh phù hợp.
Đặc biệt, tại khách sạn Hà Nội toàn bộ cửa khóa của các phòng đều được lắp đặt hệ thống KEY CARD theo đó, toàn bộ điện trong phòng sẽ tự động tắt khi rút chìa khóa ra khỏi ổ cắm.
Ngay trong phần thiết kế xây dựng tòa nhà các yếu tố tiết kiệm năng lượng cũng rất được chú ý. Với hướng Đông Bắc- Tây Nam lượng ánh nắng trực tiếp lên bề mặt tòa nhà được giảm thiểu góp phần tránh thất thoát nhiệt năng. Các vật liệu cấu thành công trình đều có tính năng cách âm cách nhiệt. Song song với đó cách bố trí hệ thống cửa tại khách sạn luôn đảm bảo thuận tiện khi sử dụng và có thể tận dụng tối đa ánh sáng, gió mát tự nhiên. Tỷ lệ kính chiếm 30% vừa là yếu tố tạo nên nét độc đáo trong kiến trúc của công trình vừa giảm truyền nhiệt ở mức hợp lý nhất.
Nói về công tác quản lý và bảo dưỡng các thiết bị tiêu thụ năng lượng tại tòa nhà khách sạn Hà Nội, anh Phạm Đăng Dung, Kỹ sư trưởng cho biết, không chỉ đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên có trình độ thường xuyên cập nhật các biện pháp tiết kiệm năng lượng tối ưu để áp dụng thực hiện thực tế tại khách sạn mà sự phối hợp giữa các bộ phận cũng có vai trò quan trọng. Nhờ đó thiết bị luôn được vận hành hợp lý, tránh lãng phí. Khách sạn cũng cử người trực tiếp theo dõi tiêu thụ năng lượng hàng ngày, ghi chép số liệu, phân tích và có biện pháp thực hiện hiệu quả để đạt mục tiêu của từng phòng để ra về sử dụng năng lượng.
Hoàng Minh